Ly, dĩa giấy gây ung thư: An nguy ở cách sử dụng

author 09:41 22/11/2013

Xu hướng sử dụng các loại ly, dĩa, tô, hộp giấy dùng một lần đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, những thông tin cảnh báo gần đây về loại sản phẩm này, như đựng đồ nóng quá 40oC sẽ bị thôi nhiễm hoá chất vào thực phẩm gây ung thư... đang khiến nhiều người băn khoăn.

ThS Hoàng Xuân Tùng, giảng viên khoa Công nghệ vật liệu (đại học Bách khoa TP.HCM), phụ trách phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia vật liệu polymer và composite, đã đưa ra những kiến giải về vấn đề này.

Xin ông cho biết thành phần cụ thể làm nên loại ly, dĩa này?

Loại bao bì này đang có nhu cầu cao bởi ưu thế mẫu mã, hình ảnh đẹp, tiện dụng và rẻ. Nói chính xác thì đó là những sản phẩm dùng một lần, hệ màng nhiều lớp trong đó có một lớp giấy. Trong tất cả các bao bì, đồ dùng đựng thực phẩm, do giấy không đựng được chất lỏng nên phải có một lớp màng chống thấm phủ phía ngoài. Đặc điểm của loại bao bì này là khả năng và thời gian tiếp xúc với thực phẩm (tức thời gian tạo ra phản ứng hoá học) rất ngắn. Do đó, việc bảo quản các sản phẩm này trước khi dùng, cách sử dụng chúng quan trọng hơn là đi sâu vào bản chất vật liệu làm nên bao bì đó.

Ở miệng ly, dĩa, tô người ta phải uốn lên (hoặc bọc lại) bởi đó là nơi yếu nhất của bao bì, tránh tiếp xúc hoá chất (nếu có). Với sản phẩm đựng đồ nóng, khi sử dụng hơi nước không tích tụ bên ngoài nên chỉ cần một lớp màng; trong khi đó, loại bao bì đựng đồ lạnh khi dùng hơi nước sẽ tích tụ làm bao bì thôi mực nên cần hai lớp. Màng chống thấm có thể là màng nhựa polyethylene (PE) và polyvinylclorua (PVC). Nhựa PVC có rất nhiều nhóm, nhiều loại (dẻo, cứng…) khác nhau và ứng dụng rộng rãi, có thể làm ống nước, giá đỡ… (loại này không sử dụng trong thực phẩm), trong đó có nhóm PVC dùng để kéo màng thực phẩm. Loại màng này chưa ghi nhận gây nguy hiểm bởi thực tế thời gian tiếp xúc với thực phẩm ngắn. Các phụ gia được nhà sản xuất đưa vào cũng đều có kiểm soát. Do vậy, sản phẩm này an toàn hay không còn phụ thuộc quá trình sản xuất có mắc lỗi không.

Sản phẩm này phổ biến trên thế giới từ lâu. Trong quá trình nghiên cứu, ông có tiếp cận được những khuyến cáo nào về loại sản phẩm này từ truyền thông hay đồng nghiệp nước ngoài?

Ở các nước, ngay nhà sản xuất cũng đã khuyến cáo phải sử dụng đúng mục đích, đúng nhiệt độ, bảo quản làm sao để sản phẩm không bị biến dạng, trầy xước (màng chống thấm) trước khi dùng đựng thực phẩm, và dùng đúng chức năng loại cho đồ nóng hay đồ nguội. Mỗi nhà sản xuất còn có khuyến cáo riêng, căn cứ độ dày của màng, độ thẩm thấu… Tôi chưa thấy thông tin tiêu cực bởi thôi nhiễm ở các sản phẩm này dưới mức hạn định cho phép (muốn thôi nhiễm nhiều phải có thời gian, bắt đầu từ phản ứng, tạo ra chất mới gây thôi nhiễm).

Nhưng đang có thông tin loại sản phẩm này dễ thôi nhiễm hoá chất khi đựng đồ ăn, thức uống nóng, dẫn đến ung thư?

Cứ hình dung thế này: khi mua một chiếc xe máy, nếu hỏi đi xe này liệu có bị tai nạn không thì rất khó trả lời. Sản phẩm nào cũng vậy, nếu không sử dụng đúng mục đích, không được bảo quản tốt, hay sản xuất không đúng quy cách thì đều có thể gây hệ luỵ khó lường. Với sản phẩm này, dùng rồi thì bỏ, không tận dụng nữa. Việt Nam chưa quản lý được vấn đề này. Cụ thể, trong sử dụng bao bì, không có lớp tập huấn cho những người buôn bán nhỏ. Những hãng thức ăn nhanh đa quốc gia đã sử dụng những loại ly, dĩa này từ rất lâu; ly dùng đến đâu rút ra dần đến đó, xài xong bóp lại vứt đi, còn người Việt chưa có thói quen đó. Đó là ly, còn với dĩa, những đồ ăn vừa mới xào, nấu, chiên xong (như khoai tây, đùi gà...) khi vớt ra người ta phải bỏ vào khay, đợi nguội mới cho vào dĩa, bởi mỡ nóng đạt ngưỡng 300oC, dầu hơn 100oC.

Có chuyên gia nhận định nếu sử dụng ly, dĩa giấy để đựng đồ nóng trên 40 độ C, nước sôi sùng sục thì phải thận trọng, bởi trong đó có nhựa PE chống thấm?

Màng nhựa PE chịu được nhiệt khoảng 130oC, do vậy nhiệt độ không phải là vấn đề đáng ngại. Lưu ý phải giữ cho màng không bị rách và dùng sản phẩm đúng chức năng của nó. Nếu lớp màng nhựa rách, thực phẩm thấm vào giấy (vốn là môi trường dễ phát tán các loại vi khuẩn, lại có nhiều loại hoá chất chống mốc, chống ẩm, tẩy trắng…) nên ăn, uống phải dĩ nhiên sẽ độc. Tiếc rằng, Việt Nam đang thiếu nghiên cứu tương tác trao đổi chất giữa bao bì và thực phẩm, trong khi đây là ngành nghiên cứu lớn của thế giới.

Với sản phẩm này, dùng rồi thì bỏ, không tận dụng nữa 

Còn những cảnh báo loại sản phẩm này từ Trung Quốc?

Nếu đúng là có những sản phẩm không đạt chất lượng, cơ quan chức năng phải quản lý, xử lý chặt hơn. Còn về phía người tiêu dùng, đâu có bị hạn chế quyền lựa chọn sản phẩm mình tin tưởng.

Ông có lời khuyên gì cho người tiêu dùng?

Phải biết loại bao bì định mua dùng đựng loại thực phẩm nào, và luôn nhớ đây là sản phẩm “chỉ dùng một lần”. Loại sản phẩm này cũng không được cho vào lò microwave.

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang