Mạnh tay với mũ bảo hiểm kém chất lượng

author 08:39 27/06/2013

(VietQ.vn) - Treo biển quảng cáo trợ giá, đổi mũ bảo hiểm, nhiều cửa hàng thậm chí mũ bảo hiểm bán rong cũng trà trộn mũ kém chất lượng để lừa người tiêu dùng. Để ngăn chặn tình trạng này, TP.HCM vừa tuyên bố sẽ xóa trắng tất cả điểm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng đang lấn chiếm lòng, lề đường.

Một điểm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng trên đường Phạm Hùng

Trợ giá cho mũ bảo hiểm kém chất lượng

Lợi dụng chiến dịch trợ giá đổi mũ bảo hiểm cho người dân của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhiều cơ sở bán mũ bảo hiểm đã cố tình trà trộn những loại mũ không đảm bảo chất lượng để bán cho người tiêu dùng.

Theo phản ánh của chị Ngô Thúy Hà ( Lạc Long Quân, Hà Nội), do có nhu cầu mua mũ mới chị đã đến một điểm bán mũ trên đường Cầu Giấy để mua. Thấy biển treo cửa hàng có bán trợ giá chị Hà vào lựa chọn cho mình một chiếc mũ hiệu Chita khá đẹp mắt, tuy nhiên dù đã được trợ giá 30.000 đồng nhưng giá của chiếc mũ này vẫn được bán 240.000 đồng. Chê đắt chị hỏi chủ cửa hàng có loại mũ bảo hiểm nào giá rẻ hơn không, chị chủ liền giới thiệu một dãy mũ loại 2 giá chỉ có 100.000 đồng/chiếc, trừ phần trợ giá 25.000đồng thì mũ bảo hiểm loại 2 chỉ còn 75.000đ/chiếc. Tuy nhiên những chiếc mũ loại 2 được trợ giá này không hề có tem hợp chuẩn cũng như tem của nhà sản xuất.

Ở một địa điểm khác trên đường Nguyễn Khánh Toàn ( Cầu Giấy), mặc dù những “cửa hàng di động” chuyên bán mũ giả mũ bảo hiểm trước đây không còn phổ biến. Thay vì trải bạt bày mũ ra vỉa hè, các tay kinh doanh mũ giá rẻ, kém chất lượng chuyển sang di chuyển bằng xe máy để linh hoạt trốn tránh mỗi khi có xe của công an phường và lực lượng trật tự đi tuần. Điều đáng nói là các cửa hàng bán mũ bảo hiểm di động này cũng treo bảng quảng cáo “trợ giá mũ bảo hiểm” với mức trợ giá từ 30 -50.000đồng/chiếc.

Một kiểu bán mũ bảo hiểm dạo
Một kiểu bán mũ bảo hiểm dạo

Anh Trần Đức Thịnh, thợ sửa xe máy trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “ Họ treo biển như vậy thôi, người mua vẫn có thể mặc cả mức trợ giá. Hôm trước tôi có mua một chiếc mũ chỉ có 70.000 đồng, trước đó “nó” hét gấp đôi đấy”. Chiếc mũ của anh Thịnh cũng không có tem CR, tem nhà sản xuất, chỉ duy nhất có chiếc tem sản “xuất tại Việt Nam” dán hờ.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện công an phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết, trong thời gian vừa qua lực lượng này đã dẹp hầu như hết các cơ sở bán mũ bảo hiểm nhỏ lẻ trên địa bàn phường, tuy nhiên vẫn còn tình trạng bán mũ bảo hiểm kém chất lượng bằng xe máy.
Đề cập đến vấn đề các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm sử dụng chiêu trợ giá để tiêu thụ mũ kém chất lượng, đại diện công an phường Dịch Vọng cho biết, rất khó khăn trong việc giám sát vì mục đích gian lận, đánh lừa khách hàng của những người này. “Họ di chuyển liên tục, cứ đứng một chỗ bất kỳ sau đó lại đi chỗ khác. Tốt nhất người tiêu dùng muốn mua mũ xịn mà không sợ bị lừa thì nên đến những cửa hàng ủy quyền của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để đổi mũ”, đại diện này cho biết.

Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn được bày bán trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM - Ảnh: T.Thắng/TT
Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn được bày bán trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM - Ảnh: T.Thắng/TT

Xóa 200 điểm bán nón bảo hiểm kém chất lượng

Ngày 25/6, phát biểu tại cuộc họp xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chỉ đạo 24 quận, huyện rà soát, lập danh sách tất cả điểm bán NBH kém chất lượng đang lấn chiếm lòng, lề đường để lên kế hoạch xóa trắng. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành của TP tăng tần suất kiểm tra chất lượng NBH tại các cơ sở sản xuất cũng như các điểm bán NBH và báo cáo kết quả xử lý định kỳ mỗi tháng/lần với UBND TP.

Đợt kiểm tra cao điểm bắt đầu từ nay đến cuối năm 2013. Sắp tới, Sở Khoa học - Công nghệ TP công bố danh sách các sơ sở sản xuất mũ bảo hiểm hợp quy chuẩn kèm với thương hiệu để công bố rộng rãi đến người tiêu dùng. Hiện nay, trên địa bàn TP. HCM có khoảng 700 cơ sở, điểm kinh doanh mũ bảo hiểm, trong đó có đến 200 điểm bán mũ bảo hiểm lấn chiếm lòng lề đường. Để đối phó các ngành chức năng, nhiều cơ sở không sản xuất toàn bộ sản phẩm mà chỉ sản xuất linh kiện, sau đó giao đơn vị khác thu mua, lắp ráp rồi tuồn ra thị trường.

Theo quan sát của PV, hiện cảnh sát giao thông chưa xử phạt người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm giả mạo cho nên tình trạng người tham gia giao thông đội mũ không phải mũ bảo hiểm vẫn còn rất phổ biến. Do đó, khi nhu cầu của người dân vẫn còn thì việc nỗ lực dẹp bỏ những cửa hàng, cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm dởm, kém chất lượng của cơ quan chức năng được xem như mới làm được một nửa.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang