Nhập viện vì dùng thuốc Nam tùy tiện do nghĩ lành tính

author 17:03 24/11/2020

(VietQ.vn) - Thời gian qua không ít trường hợp đã phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng do tự ý dùng thuốc Nam để điều trị.

Dù các bác sĩ đã đưa ra lời khuyến cáo không nên tự ý dùng thuốc Nam để điều trị vết bỏng, tránh xảy ra tính trạng nhiễm trùng, hoại tử sâu tuy nhiên nhiều gia đình do không hiểu biết vẫn tự ý dùng đã gây ra hậu quả đáng tiếc.

Đắp thuốc Nam vào vết bỏng gây nhiễm trùng nặng

Zing News đưa tin, mới đây một bé trai 17 tháng tuổi được đưa vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viên Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), trong tình trạng quấy khóc, chân bị bỏng, sưng nề, chảy dịch đục, trợt da, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, cử động cổ chân hạn chế.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé trai bị bỏng nước sôi cách đây 6 ngày. Tuy nhiên, gia đình không đưa trẻ đến bệnh viện mà dùng thuốc Nam để đắp vào vết bỏng. Sau 6 ngày được đắp thuốc, trẻ sốt, quấy khóc, bàn chân sưng to, vết bỏng không đỡ, nóng và chảy dịch. Thấy vậy, gia đình mới cho con nhập viện.

Các bác sĩ đã nhanh chóng sát khuẩn, chuyển phẫu thuật để làm sạch vết thương cho bệnh nhi. Trẻ được chẩn đoán bị bỏng ở mức độ II, III.

Theo các bác sĩ, nếu bệnh nhi được đưa ngay tới bệnh viện để xử lý, vết thương sẽ hồi phục nhanh và không để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, vết bỏng của trẻ không được điều trị đúng cách, gây nhiễm trùng nặng cả hai bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Hiện, bé trai này được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

  Hai chân của cậu bé đã bị nhiễm trùng nặng do dùng thuốc Nam tùy tiện. Ảnh: BVCC/zing News

Dùng thuốc Nam chữa sỏi thận bệnh càng thêm trầm trọng

Trước đó, báo Sức Khỏe và Đời sống đưa tin, được chẩn đoán bị sỏi thận, chưa cần can thiệp, tuy nhiên lo lắng sỏi thận tiến triển nên ông L.V.Đ, 63 tuổi ở Lạng Sơn quyết định mua thuốc Nam từ một vị “lang vườn” ở gần nhà với ý nghĩ uống thuốc Nam nếu không hết bệnh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng mới uống được 1 thang, ông Đ. bị nôn nhiều, đau bụng và bí tiểu. Đến ngày thứ 4, thấy ông Đ. quá nặng, gia đình đưa ông vào bệnh viện tỉnh. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, ông Đ. được xác định là suy thận cấp. Sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, ông Đ. được chuyển lên BV Bạch Mai.

Thông tin về trường hợp này, BS. Nghiêm Trung Dũng, Khoa Thận - Tiết niệu (BV Bạch Mai) người trực tiếp điều trị cho ông Đ. cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp với các biểu hiện: vô niệu, phù toàn thân, dịch cổ trướng, nôn do hội chứng ure máu cao... Sau 2 ngày điều trị tại BV Bạch Mai, tình trạng của ông Đ. vẫn chưa hồi phục: bụng trướng to, chân tay phù nề, vô niệu, kết quả thăm khám cũng cho thấy bệnh nhân ở trong tình trạng thừa dịch, các chất độc do hậu quả của suy thận cấp vẫn tăng khi bệnh nhân dừng lọc máu.

Dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc trị đau đầu gối khiến cô gái bị ngộ độc chì 

Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm cho biết, mới đây, Trung tâm đã tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân 30 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) với bệnh cảnh thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, cũng không thể tự nghiêng mình được.

Người nhà bệnh nhân cho biết, vào khoảng 8 tháng trước đây (tháng 9/2016), bệnh nhân bị đau hai bên đầu gối nên đã mua thuốc Nam về uống. Sau 2 tháng uống thuốc liên tục, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện hiện tượng yếu chân tay, xanh xao, thiếu máu, sụt cân nên đã dừng sử dụng thuốc. Rất may gia đình bệnh nhân còn giữ lại mẫu thuốc mang đến bệnh viện và kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong mẫu thuốc Nam là 2,95%, cao gấp nhiều lần cho phép.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng do dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm điện cơ và kiểm tra khác cũng cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thần kinh nặng nề, không thể vận động, tự chăm sóc bản thân, teo cơ và giảm sút cân nghiêm trọng. Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được điều trị thải độc chì cùng những chế độ chăm sóc đặc biệt. Đến nay, sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển đáng kể, có thể đứng lên và tự đi lại được. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục trải qua quá trình thải độc chì lâu dài kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng.

Trẻ ngộ độc chì do uống thuốc cam từ những sai lầm đáng tiếc(VietQ.vn) - Dù đã nhiều lần các bác sĩ cảnh báo không nên cho trẻ uống thuốc cam tuy nhiên nhiều bà mẹ vẫn mách nhau cho con uống dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Toàn thân phồng rộp, bong tróc vì dùng thuốc Nam điều trị đau nhức xương

Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận liên tiếp các ca dị ứng thuốc Nam chỉ vì tin lời mách bảo là thuốc của các ông, bà lang có thể chữa được bách bệnh. Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ 53 tuổi (ở Hưng Yên) phải nhập viện trong trình trạng bề mặt da toàn thân phỏng rộp, bong tróc.

Theo thông tin của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân này bị đau nhức xương, có người quen mách đi mua thuốc Nam của ông lang gần nhà. Uống mấy thang đầu thì bình thường nhưng uống đến thang thứ 5-6 thì nổi ngứa. Cũng theo người nhà bệnh nhân, thuốc Nam mà bệnh nhân uống là các loại cây, lá sắc lấy nước uống, mua của một ông lang trong vùng, không phải là cơ sở chính thống. Lúc đầu, nổi ban đỏ nhưng sau đó thì bề mặt da phỏng rộp từng mảng lớn phải nhập viện.

Tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc Nam điều trị 

Theo các bác sĩ, tình trạng sử dụng thuốc Nam tùy tiện đang diễn ra rất phổ biến vì quan điểm những loại này là “lành tính”, nếu không chữa được bệnh thì cũng không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên khi người dân thường tự ý sử dụng thuốc Đông y, lá cây, con vật có trong tự nhiên... không rõ nguồn gốc dẫn đến bị ngộ độc, suy thận, suy đa tạng...

Đa phần những người bị ngộ độc thuốc Nam đều nhập viện trong tình trạng nặng do những bệnh nhân này đều không biết chính xác độc chất trong các thảo dược không rõ nguồn gốc hoặc do hóa chất xao tẩm và bảo quản thuốc.. Những bệnh nhân bị nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau nhưng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề... đặc biệt nhất là những bệnh nhân đã có bệnh lý thận từ trước đó.

Do đó, theo các bác sĩ, bệnh nhân khi dùng bất cứ thuốc gì cũng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu dùng thuốc y học cổ truyền (thuốc Nam, thuốc Bắc), cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cấp phép để tránh tiền mất, tật mang và chuốc thêm bệnh cho mình...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang