Ngân hàng bất ngờ tăng phí dịch vụ chuyển tiền

author 03:52 16/01/2014

(VietQ.vn) - Các chuyên gia ngân hàng cho biết, chính sách thay đổi phí giao dịch của Vietcombank có thể làm cho các ngân hàng khác "ăn theo".

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ có thông báo thay đổi chính sách phí giao dịch chuyển tiền trên kênh trực tuyến VCB – iB@nking (Internet Banking).

Theo đó, từ 15/01, Vietcombank thu phí chuyển tiền cho tài khoản cá nhân nội mạng là 3.300 đồng/giao dịch thay vì miễn phí như trước đó. Việc chuyển tiền nội mạng cho tài khoản tổ chức Vietcombank giảm từ 11.000 đồng/giao dịch xuống còn 3.300 đồng. Riêng phí chuyển tiền cho người hưởng ở ngân hàng khác vẫn giữ nguyên ở mức 11.000 đồng/giao dịch.

Tăng phí chuyển tiền ở ngân hàng

Vietcombank bất ngờ có thông báo thay đổi chính sách phí giao dịch chuyển tiền. Ảnh minh họa

Các dịch vụ khác của VCB – iB@nking như đăng ký, duy trì, kiểm tra thông tin, in sao kê tài khoản... được Vietcombank miễn phí cho khách hàng.

Các chuyên gia cho rằng, việc Vietcombank thay đổi chính sách phí giao dịch chuyển tiền trực tuyến sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới người có nhu cầu giao dịch tại ngân hàng này và có thể châm ngòi cho các ngân hàng khác tăng phí dịch vụ theo bởi Vietcombank là ngân hàng lớn, có tính chất dẫn dắt thị trường.

Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy, không phải đến nay khi Vietcombank tăng phí chuyển tiền người ta mới nghĩ đến việc phí các dịch vụ chuyển, rút tiền sẽ tăng trong thời gian tới mà điều đó đã được chứng minh bằng trước đó Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) đã thay đổi phí thường niên dịch vụ Internet Banking của khách hàng cá nhân từ 20.000 đồng lên 22.000 đồng đối với gói chuẩn và 40.000 đồng lên 44.000 đồng đối với gói nâng cao. Mức phí đối với khách hàng doanh nghiệp cũng tăng từ 4.000 - 6.000 đồng dành cho gói chuẩn và gói nâng cao. Quy chế áp dụng mức phí như nói trên sẽ được NamA Bank áp dụng từ 15/01. Còn TPBank (tên gọi mới của TienPhong Bank) cũng tiến hành thu phí thông báo số dư tự động qua tin nhắn SMS là 5.000 đồng kể từ ngày đầu năm 2014.

Trước đó, từ 01/3/2013, thực hiện Thông tư số 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức phát hành thẻ được phép thu phí giao dịch ATM nội mạng. Mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng sẽ tăng dần qua từng năm.

Cụ thể, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.

 Cuối năm, nhu cầu rút tiền tăng cao và nỗi lo “nghẽn” các cây ATM lại đến. Theo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, khi sử dụng tại các ATM chưa được trang bị phần che bàn phím, chủ thẻ nên dùng tay để che khi nhập mã PIN đề phòng kẻ xấu gắn camera quay trộm. Trường hợp các cây ATM có các dấu hiệu không bình thường (như có các thiết bị gắn thêm …), thì không nên thực hiện giao dịch và thông báo tới ngân hàng để xử lý.

Cơ quan này cũng cảnh báo, khi rút tiền tại các ATM đông người xếp hàng, chủ thẻ cần lưu ý nhập chính xác thông tin để thực hiện được ngay, tránh nhập lại nhiều lần. Khi vượt quá số lần nhập sai nhất định, thẻ có thể sẽ bị tạm khóa và không thực hiện được giao dịch. Khi giao dịch được thực hiện thành công, khách hàng phải nhận tiền ngay khi ATM trả tiền, tránh việc tiền bị nuốt trở lại vào trong máy.

Ngoài ra, Hội Thẻ ngân hàng cũng cho hay, việc kết nối các ngân hàng hiện nay đã cho phép các chủ thẻ của ngân hàng này giao dịch trên các ATM của ngân hàng khác, tạo thuận lợi cho chủ thẻ và hỗ trợ các ngân hàng tránh việc tập trung quá đông tại một số điểm ATM. Với số lượng ATM trên toàn quốc là hơn 14.000 máy, nếu ATM của ngân hàng này trục trặc, chủ thẻ có thể tìm một ATM của ngân hàng khác để thực hiện giao dịch.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang