Ngày khai trường, nhớ về những thầy cô năm xưa

author 08:21 01/09/2013

(VietQ.vn) - Văn, Toán là những môn nhiều giáo viên cũng chỉ có 3 , 4 người một bộ môn (trường nhỏ chỉ có 2 người). Mỗi tháng, giáo viên bộ môn của mấy trường gần nhau gặp gỡ, trao đổi về chuyên môn, bàn cách dạy các bài khó, cách khắc phục những yếu kém của học sinh…

Tháng 8 năm 1962, mình vào học khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hôm gặp gỡ đầu tiên đám sinh viên năm thứ nhất, thầy Nguyễn Lương Ngọc, chủ nhiệm khoa có nói, đại ý: Các anh các chị học Văn thì phải đọc suốt đời, không đọc sao tiếp cận được với văn chương, các anh các chị dạy học thì phải học suốt đời, không học làm sao dạy được. Cho nên, phải học, phải đọc.

Rồi cứ thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ, lại nghe thầy nhắc “phải làm sao biết mười dạy một”, rồi “không được rời quyển sách” …Càng ngẫm càng thấy lời thầy dạy vô cùng cần thiết.

Tự học…

Gọi là ba năm học, nhưng chỉ có 27 tháng. Trong 27 tháng ấy, mất 3 tháng tập quân sự (mỗi năm học 1 tháng), 1 tháng rưỡi lao động sản xuất ở Cốt Bài (cách Hà Nội khoảng 50 km, mỗi năm học nửa tháng lên trồng sắn, đẵn tre, vác nứa dựng lán trại, chăn bò, …), 1 tháng rưỡi học chính trị (mỗi đầu năm học hai tuần học các loại nghị quyết).

Ảnh trong triển lãm "Trẻ em thời chiến".
Ảnh trong triển lãm "Trẻ em thời chiến".

Thế là chỉ còn có 21 tháng. Trong 21 tháng ấy, mỗi năm dồn lại, chắc cũng mất một tháng để học những cái thuộc về chủ nghĩa Mac-Lênin (Lịch sử đảng, Chính trị kinh tế học, Triết học). Thế là chỉ còn có 18 tháng để nghe giảng và học hành về văn chương chữ nghĩa. Mà chắc chắn không thể đủ được con số 18 tháng ấy vì còn bao nhiêu đột xuất. Không tự học, không lúc nào cũng gắn với quyển sách thì hy vọng gì?

Vừa nghe lời dạy của Ông Bà, Cha Mẹ thời nhỏ, giờ lại nghe lời thầy nên mình rất chăm đọc và cũng có nghĩa là chăm học.

Từ khi đi dạy học, ở xa Hà Nội, nơi có nguồn sách phong phú, về sống ở làng quê xa xôi, kiếm tờ báo còn khó, nhưng nhiều anh em giáo viên dạy cùng trường, nhất là những người dạy cùng các môn xã hội đều tìm sách mới để mang lên, truyền tay nhau mỗi khi có dịp về Hà Nội. Việc đọc có hạn chế, nhưng vẫn được duy trì.

Một phần do thói quen, một phần do yêu cầu của công việc. Những năm ấy, thi cử tương đối nghiêm túc (giáo viên không được coi thi và chấm bài thi của học sinh trường mình, mỗi kỳ thi đều có khoảng 50% giáo viên của các tỉnh khác nhau được Bộ cử về làm giám thị và giám khảo).

Dạy “lơ mơ” học sinh trượt ngay. Cử người dạy lớp cuối cấp là một băn khoăn lớn của mấy ông Hiệu trưởng. Có anh dạy cả chục năm vẫn không được tin cậy, có người đang dạy trường khác lại được mời mọc. Nhớ năm 1971, trường mình có 4 lớp 10, 2 người dạy Toán. Kết quả kỳ thi khiến một anh thiếu nước chui xuống đất. 2 lớp do anh dạy chỉ có 8% học sinh được điểm trên trung bình, trong khi 2 lớp do người kia dạy được gần 70%.

…và học từ đồng nghiệp

Được phân công dạy lớp cuối cấp là niềm vinh hạnh nhưng cũng vô cùng lo lắng. Rồi được cử “đem chuông đi đấm nước người” (đi coi và chấm thi ở tỉnh ngoài) cũng lo không kém. Được dịp đi chơi, (khi ấy đi lại khó khăn lắm), gặp gỡ bè bạn ở khắp miền Bắc, là dịp học hỏi được rất nhiều, nhưng không cẩn thận cũng lòi cái dốt ra cho “cả miền Bắc” biết. Chỉ có một cách là học. Học sách vở và học đồng nghiệp.

Lớp học nhạc thời chiến tranh.
Lớp học nhạc thời chiến tranh.

Ý thức được việc ấy, nên các cấp lãnh đạo bấy giờ rất chú ý đến việc tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao, mở rộng hiểu biết. Mỗi trường bấy giờ ít giáo viên lắm. Văn, Toán là những môn nhiều giáo viên cũng chỉ có 3 , 4 người một bộ môn (trường nhỏ chỉ có 2 người). Mỗi tháng, giáo viên bộ môn của mấy trường gần nhau (gọi là “cụm”) gặp gỡ, trao đổi về chuyên môn, bàn cách dạy các bài khó, cách khắc phục những yếu kém của học sinh…

Có khi trao đổi, bàn bạc chung, có lúc vài ba người thân chỉ bảo cho nhau. Cũng có chuyện “giấu nghề” đấy nhé! Cứ luân chuyển trường nọ tới trường kia. Mỗi học kỳ (vào lúc nghỉ giữa hai học kỳ), giáo viên bộ môn cả tỉnh gặp nhau một hoặc hai tuần. Nghỉ hè, gặp nhau một tháng. Mỗi năm tập trung ở một nơi. Những cuộc gặp gỡ này giúp chúng tôi học tập được rất nhiều.

Thường mỗi đợt tập trung có những chuyên đề. Các báo cáo viên đều là các cán bộ nghiên cứu có tầm cỡ của Viện Văn học hoặc các cán bộ giảng dạy hàng đầu của trường Đại học Sư phạm (lúc này hầu như chưa ai được phong Giáo sư, ngay phó tiến sĩ cũng rất ít). Có chuyên đề báo cáo một buổi, có khi hai ba buổi. So với bây giờ, những thông tin qua các báo cáo ấy chắc cũng còn nhiều hạn chế.

Nhưng cái quan trọng là qua đó, giáo viên được cập nhật với tình hình chung của sự phát triển văn học, cảm thấy những công việc thường ngày của mình không chỉ gắn với lớp học sinh ở lứa tuổi chưa đủ lớn.

Nhưng thú vị nhất là được gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp. Khi ấy, giáo viên Văn tự nhiên có hai “thế hệ”. Lớp đầu gồm những người đã học qua các trường của Pháp, qua kháng chiến, sau 1954, trở về học Đại học sư phạm (2 năm). Lớp giáo viên này thường hơn mình khoảng hai chục tuổi. Họ biết tiếng Pháp, có thể đọc được sách văn học Pháp bằng nguyên bản. Nền giáo dục thực dân đã “nhồi sọ” rất thành công nên nền tảng kiến thức của họ vững vàng…

Hàng ngày, gặp gỡ, bọn mình vẫn xưng hô “anh, tôi”, các anh ấy cũng rất thân mật “cậu, tớ” nhưng quả thật coi họ là bậc thầy, là đàn anh. Ban đầu, chỉ có mấy ông ấy tranh luận với nhau về cả chuyên môn và nghiệp vụ, bọn mình chỉ ngồi nghe, nhưng cũng thấy hứng thú. Sau dần dần cũng tham gia. Chính do được gần gũi những người như thế, tham gia vào những cuộc tranh cãi (nhiều khi xem ra như vô bổ) ấy, mà tầm hiểu biết được rộng mở.

Rồi cũng dự giờ của những người được coi là “tay nghề cao” (chưa ai dám to gan gọi nhau là “giáo viên dạy giỏi”). Nhưng dạy thật, mà dạy học sinh của trường khác, dạy ngay lần đầu tiên gặp mặt chứ không phải thầy và trò cùng diễn kịch như bây giờ (một bài, dạy đi dạy lại, dặn học trò cách trả lời, cách giơ tay, “chán chê mê mỏi” rồi mới để cấp trên về dự sau đó được công nhận “giáo viên dạy giỏi”).

Người dạy được chỉ định một bài, trường sở tại tập hợp một lớp học sinh, dặn soạn bài trước (theo câu hỏi trong sách giáo khoa). Giờ dạy nào cũng rất lý thú và hữu ích. Như thế người tới dự giờ mới có thể học được. Học cách dạy, cách ứng xử những tình huống đột xuất, cách phân tích, khai thác tác phẩm, …. Tất nhiên cũng có những giờ không thành công. Nhưng dù thế nào cũng là để học.

Lúc ấy, đi học phải góp tiền, góp tem gạo ăn hàng ngày; ngủ thì lớp học đấy, mỗi anh lấy hai cái bàn học sinh ghép lại, thế là thành giường. Suốt một tháng, chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Thế mà hào hứng lắm, ai vì lý do gì không có mặt được đều tiếc. Vì sau mỗi đợt tập trung, việc giảng dạy của từng người chắc có những thay đổi.

Dương Đình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang