Người tiêu dùng hoang mang vì mỹ phẩm nhập nhèm, thật giả lẫn lộn

author 15:07 05/02/2015

(VietQ.vn) - Triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đầu năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh số lượng lớn mỹ phẩm, hương liệu, nhãn mác mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Sự kiện: Mỹ phẩm kém chất lượng

Mỹ phẩm và hương liệu là một trong những mặt hàng bắt buộc phải kiểm định về chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn vận chuyển trái phép mỹ phẩm không rõ nguồn gốc về nội địa tiêu thụ, thậm chí mua hương liệu về tự pha chế rồi đóng gói sản phẩm bằng bao bì, nhãn hiệu giả. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã thành lập các tổ liên ngành nhằm tăng cường phối hợp lực lượng, siết chặt quản lý mặt hàng mỹ phẩm.

mỹ phẩm giả

Mỹ phẩm giả tràn lan ngoài thị trường. Ảnh minh họa (Xuân Thảo - NLĐ)

Bà Phạm Thanh Bình- Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4- Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội vừa phối hợp với lực lượng cảnh sát đặc biệt 113 - Tổng cục Cảnh sát và Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế kiểm tra một chuyên án về tiêu dùng Tết. Trong chuyên án này, cơ quan chức năng đã theo dõi xe ô tô tải biển kiểm soát 98C-04217 chạy chuyến Lạng Sơn về Hà Nội. Theo nguồn tin từ cơ sở, trên xe ô tô ngoài đồ kim khí, phụ tùng xe máy còn vận chuyển một số lượng lớn mỹ phẩm không có chứng từ chứng minh nguồn gốc cùng hương liệu để sản xuất, chế biến phụ gia thực phẩm.

Qua xác minh thông tin từ đầu mối, cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra xe tải trên khi xe về đến một kho hàng tại Hà Nội. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã bốc dỡ toàn bộ 30 tấn hàng hóa trên xuống xe. Qua đó, đoàn liên ngành phát hiện trên xe có 7 tấn mỹ phẩm và hương liệu, trên bao bì thể hiện là có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không có hóa đơn chứng từ. Số hàng này được đối tượng vận chuyển cất giấu sâu bên trong lòng xe và được đóng gói bằng các thùng các tông dán chặt.

Tại một vụ việc khác, bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh có địa chỉ số 27, ngõ 40 Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Bảo vệ chính trị 4 (Công an TP. Hà Nội) chủ trì phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và Công an quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ được nhiều nguyên liệu, vỏ hộp (dùng để đựng sản phẩm), nhãn mác mà cơ sở trên sử dụng để chế tạo thành các loại mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ số hàng trên là ông Hoàng Thanh Hải (trú tại nhà 302, tập thể A7, Bộ Xây dựng, đường Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khai nhận số mỹ phẩm trên đều được mua trôi nổi ngoài thị trường nên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn hàng hóa.

Đặc biệt, trong cơ sở kinh doanh, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 thùng giấy các tông, 1 tủ đựng nhãn hàng hóa (nhãn phụ), 1 máy đóng gói và 1 máy dập hạn sử dụng. Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Hoàng Thanh Hải khai rằng: Sau khi tự pha chế nguyên liệu, nhân viên cơ sở sản xuất sẽ dùng xi-lanh để bơm vào các vỏ hộp rồi tự chế dán mác và hạn sử dụng cho từng sản phẩm. Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng chục nghìn sản phẩm như: 3.500 vỏ hộp Sasaki, 2.160 tuýp sữa tắm Hikato Bath Butler 360g xuất xứ Hàn Quốc, 555 chai sữa tắm Puroz xuất xứ Pháp, 48 hộp thực phẩm Royal Telly xuất xứ Australia, mặt nạ Collagen Crystal Facial Mask xuất xứ Đức cùng nhiều sản phẩm của Mỹ, Nhật, Trung Quốc và thương hiệu Chanel.

Từ một số vụ việc điển hình trên có thể nhận thấy, cơ quan chức năng hiện nay chủ yếu tập trung vào kiểm tra, kiểm soát và xử lý mỹ phẩm không rõ nguồn gốc nhập lậu từ biên giới và các cơ sở sản xuất tập trung. Nhưng trên thực tế, mỹ phẩm “xách tay” hay mỹ phẩm giả chủ yếu đến tay người tiêu dùng từ các chợ, cửa hàng thậm chí từ vỉa hè, lề đường. Theo cơ quan chức năng, tại các cửa hàng, mỹ phẩm được bày bán được che đậy một cách tinh vi; hàng thật có hóa đơn chứng từ được để xen lẫn với hàng giả nhằm qua mặt cơ quan quản lý. Mặc khác, việc xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính với mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Trong khi lợi nhuận cao (từ 30-40%) nên hoạt động kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu đến nay vẫn còn phức tạp.

Ngoài ra, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý về chất lượng còn rất hạn chế do khó khăn về công tác giám định. Đồng thời, công tác quản lý mỹ phẩm của các cơ quan chức năng còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Cụ thể, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế là cơ quan quản lý về chất lượng, cấp phép lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu nhưng lại không theo dõi, kiểm soát hàng hóa lưu thông. Trong khi đó, cơ quan Công an, Quản lý thị trường cũng chỉ đủ điều kiện kiểm tra, xử lý theo từng thời điểm nhất định; điều này khiến thị trường mỹ phẩm hiện nay vẫn trong tình trạng nhập nhèm, thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trước tình hình mỹ phẩm, hương liệu vận chuyển với số lượng lớn về Hà Nội tiêu thụ thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết: “Thời gian vừa qua, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đến tết Nguyên đán 2015, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công Thương để kiểm soát hàng hóa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường. Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên theo dõi, triển khai thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Đồng thời, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an và đặc biệt là Ban Chỉ đạo 389 Trung ương các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, không có nhãn, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng sẽ được kiên quyết xử lý”.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang