TS Đỗ Ngọc Đài: Có hi sinh mới nhận được thành quả lao động thích đáng

author 06:19 11/09/2015

(VietQ.vn) - TS. Đỗ Ngọc Đài - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An khuyên giới trẻ khi đi vào con đường làm khoa học, nghiên cứu: "Làm khoa học không phải là quá khó nếu chúng ta có đam mê, nhiệt huyết thì chắc chắn sẽ làm được, có hi sinh mới nhận được thành quả lao động thích đáng".

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

Theo TS. Đỗ Ngọc Đài, cũng giống như bất kì các ngành nghề khác, nghiên cứu khoa học phải thật sự đam mê, yêu thích. Nhưng sự khác biệt của nghiên cứu khoa học với các ngành nghề khác ở đặc điểm là ngoài đam mê thì chúng ta còn phải có tính kiên nhẫn bởi vì làm khoa học cũng giống như chúng ta “đánh cược” vào công việc, ta không biết trước được kết quả mà chỉ có thể dự đoán các kết quả có thể xảy ra, có thể nó thành công nhưng cũng có thể thất bại, và việc thất bại có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì thế, nếu không kiên trì thì dễ buông xuôi và kết quả là chúng ta sẽ chán mà từ bỏ công viêc.

TS. Đỗ Ngọc Đài đang trong phòng thí nghiệm

TS. Đỗ Ngọc Đài - Nhà khoa học trẻ của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, ảnh đang trong phòng thí nghiệm

"Tôi nói cần phải thật sự đam mê bởi vì nhiều khi chúng ta theo đuổi một đề tài, nhưng đề tài đó chưa hề được tài trợ bởi dự án nào mà chúng ta sẽ phải tự bỏ tiền túi để nghiên cứu, chúng ta theo đuổi nó vì cho rằng nó rất thiết thực với đời sống và có ý nghĩa thực tiễn. Cá nhân tôi khi nghiên cứu các công trình phần lớn phải tự bỏ tiền túi để làm. Nói tóm lại theo tôi làm khoa học để thành công chúng ta phải đam mê, phải rèn ruyện tính kiên nhẫn, đặc biệt là việc biết chấp nhận sự thất bại để thành công", TS. Đỗ Ngọc Đài chia sẻ.

TS. Đỗ Ngọc Đài cho rằng, ở môi trường đại học, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn song hành cũng hoạt động giảng dạy, hai hoạt động này hỗ trợ cho nhau. Thuận lợi của hoạt động nghiên cứu khoa học đó là chúng ta được làm việc trong môi trường với các đồng nghiệp có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có khó khăn là giờ dạy nhiều, lại phải đảm nhận một số hoạt động khác nên thời gian dành cho việc nghiên cứu bị hạn chế. Mặt khác hiện nay việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ giúp sinh viên rất chủ động trong việc sắp xếp thời gian học tập nhưng nhiều khi lại đưa giảng viên vào thế bị động, khó bố trí thời gian. Hơn thế nữa, tại các trường đại học hiện nay mặc dù đã được đầu tư tương đối về máy móc, trang thiết bị nhưng thật sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc của các giảng viên, nhà nghiên cứu.

"Làm khoa học là sự đam mê, là sự cống hiến, chứ nếu làm khoa học mà chúng ta đặt lợi ích lên trên thì chắc chắn chúng ta không thể làm được. Cá nhân tôi khi làm nghiên cứu đã phải hi sinh rất nhiều thứ kể cả thời gian lẫn tiền bạc. Nhiều đề tài chúng tôi đã phải tự bỏ tiền túi mà không có sự hỗ trợ kinh phí nào nhưng đó là sự đam mê nghề nghiệp", TS. Đỗ Ngọc Đài nói.

TS. Đỗ Ngọc Đài (thứ 4 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp đi nghiên cứu thực địa

TS. Đỗ Ngọc Đài (thứ 4 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp đi nghiên cứu thực địa

TS. Đỗ Ngọc Đài nhận định: Khoảng chục năm trở lại đây thì các lĩnh vực như CNTT, chế tạo máy, y dược được xem như là lĩnh vực “hót” rất nhiều sinh viên chon lựa các lĩnh vực này để theo học bởi nhu cầu xã hội ra trường cơ hội có việc làm là cao, lại có thu nhập ổn định, còn các nghành thuộc lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết nhưng nó lại ít người theo học bởi thực tế ra trường khó xin việc mà thu nhập lại không cao. Chính vì ít người theo học nên cũng ít có người theo đuổi nghiên cứu trong các lĩnh vực này. Theo tôi, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để thu hút, hấp dẫn các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm  nâng cao năng suất, chất lượng nông nghiệp để tăng tính cạnh tranh. Chất lượng các sản phẩm nông nghiệp lại thấp bởi bì chúng ta vẫn thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ tay nghề kỹ thuật cao".

Về các hỗ trợ của Bộ KH&CN và của Chính phủ thời gian qua, TS. Đỗ Ngọc Đài cho rằng: "Để tạo môi trường cho các nhà khoa học trẻ nỗ lực sáng tạo, cảm hứng say mê nghiên cứu khoa học thì các cơ quan chức năng cần có những chế độ đãi ngộ xứng đáng với công việc nghiên cứu của họ. Khuyến khích những ý tưởng mới, những công trình có tính ứng dụng trong thực tiễn, tạo được cơ chế, không gian nghiên cứu đồng thời để cho các nhà khoa học trẻ có quyền quyết định hướng đi trong đề tài nghiên cứu.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ hang năm cần có những chính sách về hỗ trợ nhất định các đề tài cho nhà khoa học trẻ đồng thời như giảm bớt hành chính thủ tục trong thanh quyết toán như trong đề tài Nafosted".

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang