Những loại thực phẩm có độc, gây chết người cần tránh xa

author 12:46 04/09/2016

(VietQ.vn) - Thực phẩm thịt, cá, rau củ quả… là những thứ nuôi sống con người. Tuy nhiên có nhiều loại chứa độc, gây chết người mà bạn vô tình vẫn ăn hàng ngày.

Các loại hạt

Hạt táo, lê, mơ và đào có chứa chất gọi là amygdalin. Chất này có thể chuyển thành chất cyanide trong dạ dày gây khó chịu, gây bệnh và đôi khi có thể gây tử vong. Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm vương quốc Anh khuyến cáo người dân không ăn nhiều hơn hai hạt mơ mỗi ngày. Với trẻ em, chỉ nuốt một vài hạt có thể gây bệnh và trong một vài trường hợp có thể gây tử vong.

Khoai tây mọc mầm

Glycoalkaloids là một chất độc xuất hiện ở lá, thân và mầm của khoai tây. Nếu khoai tây mọc mầm để quá lâu, đặc biệt dưới ánh sáng thì chất độc này càng ngấm vào khoai tây nhiều hơn.

Nếu ăn phải khoai tây có chứa glycoalkaloids có thể dẫn đến chuột rút, tiêu chảy, đau đầu bối rối, hoặc thậm chí hôn mê và tử vong.

Đặc biết, khoai tây có màu xanh nhạt thường chứa hàm lượng glycoalkaloids cao hơn khoai tây trắng, vì vậy, bạn nên tránh loại khoai tây này.

Hạnh nhân đắng

Có 2 loại hạnh nhân, đó là hạnh nhân ngọt và hạnh nhân đắng. Hạnh nhân đắng thường chứa một lượng hydrogen cyanide tương đối lớn. Đây là một loại chất độc có thể gây hại cho sức khỏe con người, nếu tiêu thụ ít thì có thể gặp các triệu chứng nhẹ như khó thở, còn nặng sẽ dẫn đến hôn mê, co giật. Thậm chí chỉ ăn 7-10 hạt hạnh nhân đắng có thể gây tử vong cho trẻ em.

Mật ong chưa được tiệt trùng

Loại mật ong chưa qua quá trình thanh trùng, nên có thể còn lại các chất độc hại, phổ biến nhất là grayanotoxin, đe dọa sức khỏe của con người khi tiêu thụ.

Nếu tiêu thụ phải mật ong chứa grayanotoxin, bạn sẽ có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt, yếu, mồ hôi quá nhiều, buồn nôn, nôn mửa và kéo dài trong 24 giờ... nếu tiêu thụ nhiều dễ gây tử vong.

Cá ngừ

Sự nguy hiểm trong cá ngừ là lượng thủy ngân trong cá. Khi con người tiêu thụ cá ngừ vào cơ thể, thủy ngân hoặc là sẽ đi qua thận, hoặc đến não và ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bạn. 

Sữa tươi chưa tiệt trùng

Sữa tươi chưa tiệt trùng hay còn gọi là sữa nguyên liệu (raw milk) là loại sữa chưa được tiệt trùng từ những động vật họ móng có vú như bò, cừu hoặc dê. Sữa nguyên liệu chưa tiệt trùng có thể chứa rất nhiều mầm bệnh khác nhau, bao gồm các vi khuẩn Salmonella, E.coli, Listeria, Campylobacter và Brucella, chúng là nguyên nhân gây bệnh thậm chí có thể gây chết người.

Những triệu chứng bệnh gây ra bởi những loại vi khuẩn khác nhau thường có ở trong sữa nguyên liệu chưa tiệt trùng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt, đau đầu và đau nhức toàn thân.

Cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn

Thực tế, ngay cả những thực phẩm được coi là tốt cho sức khỏe nhưng nếu không được bảo quản, chế biến, chọn lọc kĩ càng, cẩn thận, đúng cách... cũng có thể gây hại, đe dọa tính mạng con người.

Ăn đồ ăn thừa sau nhiều ngày trong tủ lạnh

Nhiều bà nội trợ có thói quen tích trữ thức ăn trong tủ lạnh, cả thức ăn sống lẫn thức ăn chín. Phần thức ăn thừa này sẽ được dùng dần nhiều ngày sau đó. Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca ngộ độc thực phẩm trong hộ gia đình.

Theo các chuyên gia y tế, những thực phẩm đã chế biến và được trữ trong hộp kín trong tủ lạnh thì tuổi thọ của các thực phẩm này cũng không quá 2 ngày. Sau khoảng thời gian này, chúng sẽ có hại nếu bạn tiếp tục sử dụng.

Không rửa kỹ các loại quả

Đây là sai lầm mà hầu hết các gia đình hay mắc phải. Họ cho rằng, vi khuẩn nếu có thì cũng ở ngoài hoa quả và chúng đã đi theo ra ngoài cùng với lớp vỏ.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn gọt vỏ trái cây thì vi khuẩn, đặc biệt là khuẩn E.Coli vẫn có thể xâm nhập vào phần thịt quả. Lý do là chiếc dao bạn dùng sẽ trở thành vật trung gian đưa vi khuẩn từ vỏ vào thịt quả.

Thức ăn để ở nhiệt độ thường vài tiếng

Bạn chỉ nên đặt các loại thực phẩm đã chế biến như gà rán, hamburger, bánh ngọt… bên ngoài là từ 2-3 giờ. Nếu sau khoảng thời gian này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và làm biến chất thực phẩm. Còn tại các nước nhiệt đới như Việt Nam, nhiệt độ trong ngày thường trên mức 30 độ thì việc để thực phẩm ở bên ngoài quá 1 giờ đã là nguy hiểm.

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Bạn nên đi chợ vào buổi sáng, chọn những thực phẩm tươi sống, hạn chế sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ngoài ra khi mua thực phẩm nên tránh các loại thực phẩm đã mọc mầm nhất là khoai tây, những thực phẩm ôi rất có hại cho sức khỏe.

Hãy tạo thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm trước khi nấu ăn để ngăn ngừa vi khuẩn và mầm bệnh lây lan, và rửa tay lại một lần nữa sau khi đã nấu song. Cũng cần rửa tay sạch sau khi chế biến thịt hoặc trứng sống.

Đừng quá dễ dãi đặt chung và chế biến thực phẩm sống với thực phẩm đã nấu chín cũng như với những thực phẩm mà bạn định ăn sống, như trái cây hoặc rau. 

 An Dương (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang