Nồng nàn hương vị Tết Việt trong mắt người Hàn

author 06:18 11/02/2021

(VietQ.vn) - “Đất nước Việt Nam xinh đẹp mang đến cho tôi cảm giác ấm áp và thân thương ngay từ khi đặt chân đến. Trong mắt tôi, Tết Việt chính là “nghĩa tình” với những con người tưởng xa lạ mà hóa như ruột thịt…”.

Mỗi độ xuân về, người ta dù đi đông đi tây vẫn nôn nóng tìm về nhà như con chim chiều tìm về tổ. Ấy vậy, với những con người có tâm hồn thích “xê dịch” thì sự trải nghiệm Tết ở nhiều quốc gia khác nhau thực sự là điều thú vị, cũng có thể nói là mơ ước. Ông Lee Jongmin - Giám đốc Ban chiến lược toàn cầu/Chi nhánh Việt Nam - Viện nghiên cứu và kiểm tra chất lượng Hàn Quốc - chuyên gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) là một người nước ngoài bấy lâu nay đã đem lòng “yêu” Tết Việt!

Trong buổi trò chuyện cuối năm cùng phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông cho biết: “Là một chuyên gia về TCĐLCL, tôi đã có thời gian dài sống và làm việc tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp và người dân nơi đây. Dù là người Hàn Quốc nhưng điểm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính là chúng ta đều là người Á Đông, vì vậy tôi nhanh chóng hòa hợp với nền văn hóa, phong tục tập quán người Việt. Và cảm giác lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam cho đến giờ vẫn là kỷ niệm đẹp trong tôi”.

 Ông Lee Jongmin - chuyên gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Trước tiên, chia sẻ về Tết cổ truyền tại Hàn Quốc– nơi vẫn được cả thế giới mệnh danh là “xứ sở kim chi”, ông Lee Jongmin cho biết, Seollal (Tết truyền thống theo Âm lịch của Hàn Quốc) là một trong những dịp lễ quan trọng nhất ở đất nước này. Việc tổ chức Seollal đã thay đổi ít nhiều qua thời gian dài nhưng nhìn chung, buổi sáng của Seollal bắt đầu bằng việc các thành viên trong gia đình tụ họp trong trang phục truyền thống để làm lễ. Nghi lễ để bày tỏ sự tôn kính và biết ơn tới tổ tiên. Sau khi làm lễ, mọi người sum vầy bên bàn ăn. Một món ăn luôn có trong dịp Tết truyền thống của người Hàn Quốc là súp tteokguk nấu từ bánh gạo, thịt bò, trứng, rau...

Ở Hàn Quốc, người nào ăn tteokguk ngày đầu năm mới thì sẽ tăng thêm một năm tuổi thọ. Sau bữa cơm năm mới, con, cháu trong nhà sẽ thể hiện sự kính trọng tới ông bà, cha mẹ bằng cách cúi lạy sát đất (gọi là sebae). Sau đó lớp người lớn tuổi sẽ ban phước lành và chúc con cháu một năm thịnh vượng. Trẻ em sẽ được nhận tiền mừng (gọi là sebaetdon) như một món quà Seollal. Các ngày còn lại của Tết, mọi người dành thời gian chơi trò chơi truyền thống (phổ biến nhất là yutnori- trò chơi cờ sử dụng 4 thanh gỗ nhỏ để tung lên), ăn uống và trò chuyện, chia sẻ với nhau các kỷ niệm trong năm.

Cũng giống như Hàn Quốc, Tết cổ truyền Việt Nam là nét đẹp mang trong mình cả nghìn năm lịch sử, với vô số phong tục đã trở thành nét văn hóa đặc trưng. Nói đến Tết Việt là nói đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu, bánh chưng xanh”.

“Tôi vẫn nhớ như in, hương vị Tết Nguyên đán Việt Nam rõ nhất chính là bắt đầu từ phong tục Tảo mộ vào ngày 23 tháng Chạp. Đây là nét đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ về những người đã khuất, hoặc là cha mẹ, hoặc là những người thân trong gia đình đã về với “thế giới vĩnh hằng”.

Vào ngày cuối cùng của năm, mọi nhà đều tổ chức bữa cơm tất niên- bữa cơm cuối cùng khép lại một năm cũ. Dù mâm cỗ cuối năm đầy đủ cao sang, hay nghèo khó, thì nó vẫn mang ý nghĩa như gác lại bao mưu sinh nhọc nhằn để chúc nhau bước sang một năm mới sức khỏe. Đến thời khắc giao thừa thời khắc thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới, là sự giao hòa của đất trời vạn vật.

Dù mỗi miền quê có văn hóa nghi lễ cúng giao thừa khác nhau, song đều có cái chung là sắm mâm cơm thịnh soạn, đặt lên bàn thờ tổ tiên cầu tài, cầu lộc, cầu an lành, sức khỏe. Tôi được biết, công việc này thường người chủ gia đình, cũng có khi là người mẹ đảm nhiệm. Trước bàn thờ tổ tiên, con cháu quây quần bên nhau, hướng lên bàn thờ thành tâm khấn cúng. Giờ phút này, bất kể ai, dù người nghèo khó hay giàu có; dù người quyền cao chức trọng hay người lao động chân lấm tay bùn… đều có một tâm nguyện: cầu năm mới sức khỏe, an lành.

“Ngày Tết cổ truyền Việt Nam thường kéo dài hơn so với Hàn Quốc. Nếu như ngày Tết tại Hàn Quốc tất cả mọi người trong họ hàng đều tập trung tại nhà con trai trưởng và ăn tết cùng gia đình thì ở Việt Nam mọi người thường đi thăm hỏi, chúc Tết bạn bè, hàng xóm. Đó là nét văn hóa nhân bản nhất của người Việt mà trên thế giới hiếm đất nước nào có”, ông Lee Jongmin vui vẻ cho biết.

Chẳng những đón Tết ở Việt Nam, ông còn chia sẻ, ông và vợ đã có nhiều chuyến du lịch thăm các di tích, danh lam thắng cảnh trên đất nước Việt Nam xinh đẹp: “Trong khoảng thời gian ở Việt Nam, tôi đã có vài chuyến du lịch cùng vợ đi thăm thú nhiều nơi như: Sapa, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP. HCM, Hà Nội… Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi sẽ ở lại ăn Tết Việt Nam lần nữa. Tôi và vợ cũng đã lên kế hoạch đi du lịch để cảm nhận được sâu sắc hơn về phong tục tập quán cũng như không khí đón Tết của người Việt.

Cũng chẳng biết từ khi nào, tôi đã đem lòng “yêu” Tết Việt, có lẽ chính là bởi “nghĩa tình” của bạn bè Việt Nam- những con người tưởng xa lạ mà hóa như ruột thịt…”, ông Lee Jongmin xúc động nói. Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện bản ngã cốt cách của người Việt, mà còn là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau; góp phần tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Dù thời đại có tiến bộ bao nhiêu, xã hội có đổi thay như thế nào thì Tết cổ truyền mãi mãi là một niềm tự hào trong tâm hồn mỗi người con đất Việt.

Bộ Y tế hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống COVID-19 nơi công cộng(VietQ.vn) - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1053/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang