Phong tục cưới hỏi Việt Nam xưa và nay

author 16:23 18/09/2014

(VietQ.vn) – Trong đời sống của người Việt thì việc cưới hỏi là việc hệ trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Cùng tìm hiểu những phong tục cưới hỏi Việt Nam xưa và nay để hiểu rõ hơn nét văn hóa Việt Nam.

Đối với mỗi người dân Việt Nam thì việc cưới xin là một trong những việc lớn của đời người

Đối với mỗi người dân Việt Nam thì việc cưới xin là một trong những việc lớn của đời người. Ảnh minh họa

Dân gian ta có câu ca dao rằng:
Tậu trâu cưới vợ, làm nhà.
Trong ba việc ấy thật là khó thay.

Đám cưới mang nặng tính lễ nghi phong tục, đám cưới cổ xưa của người Việt thường được tổ chức theo một cuốn sách cổ gọi là Thọ mai gia lễ – cuốn sách dạy người ta những việc về quan, hôn, tang, tế. Về sau tuỳ từng vùng, từng thời, từng gia cảnh mà việc cưới hỏi được tổ chức khác nhau.

Trước đây (và cả bây giờ) người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ. Theo giải thích của Giáo sư Đào Duy Anh, chữ "hôn" nguyên nghĩa là chiều hôm, theo lễ tục xưa người ta làm lễ cưới vào buổi chiều tối

Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hôn nhân của người Việt xưa có sáu lễ chính. Để tiến đến lễ cưới, hai gia đình phải thực hiện những lễ chính sau:

Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.

Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.

Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.

Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.

Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. Và sau cùng là

Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.

Thời nay, các tục lệ có giảm đi chút ít , nhưng để có một đám cưới mang tính truyền thống cũng gồm các thủ tục, các bước chính là: kén chọn, giạm ngõ (chạm mặt), hỏi, cưới, lại mặt và nộp cheo. Tục nộp cheo hiện giờ nhiều nơi đã không còn áp dụng nữa.

Kén dâu, chọn rể

Lệ xưa việc lấy vợ, gả chồng là việc của cha mẹ, vậy con cái đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ tiến hành kén rể, kén dâu. Kén rể, kén dâu là một công việc tiền hôn lễ nhưng rất quan trọng. Trước hết là việc xem xét gia đình dự định trở thành thông gia xem thuộc loại gia đình như thế nào, có môn đǎng hộ đối không?

Cô dâu tương lai phải “tam hợp” tránh “tứ xung” về tuổi. Không sành việc xem tuổi thì cứ “Gái hơn hai, trai hơn một” là tốt. Đó là về tuổi còn ngoại hình thì người phụ nữ cũng phải “Lưng chữ vụ, vú chữ tâm” phải “thắt đáy lưng ong’”. Và nếu được cả con mắt lá dǎm, lông mày lá liễu nữa thì thật “đáng trǎm quan tiền”.

Giạm ngõ hay chạm mặt

Đó là lần đầu tiên đại diện nhà trai đến nhà gái, sau khi đã chọn được dâu đúng với “tiêu chuẩn”. Lần “đặt vấn đề” này hoàn toàn có tính “đánh tiếng”, “làm quen”. Nếu sau lần giạm ngõ này không có vấn đề gì thì lễ ǎn hỏi chính thức được tiến hành. Điều đáng chú ý là trong lần chạm mặt này, cô dâu, chú rể tương lai sẽ được thấy mặt nhau, vì thế còn được gọi là lễ xem mặt.

Lễ ăn hỏi

Có nơi gọi là lễ bỏ trầu cau, khi hai bên trai gái đã thống nhất được với nhau về mặt gia đình, đối tượng cụ thể, vào “ngày lành tháng tốt” sẽ tổ chức ǎn hỏi. Nhà trai mang lễ vật gồm trầu cau, chè thuốc, có khi là xôi gà đến nhà gái để chính thức bàn chuyện cưới xin. Trong xã hội cũ thì lễ này là lễ “ngã giá” người con gái. Sự trả lời này còn bao gồm việc thách cưới, nghĩa là nhà gái đòi nhà trai trong lễ đón dâu phải có những đồ lễ gì, bao nhiêu. Thách cưới, nhà gái thường đòi với số lượng lớn, yêu cầu thường là trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo, đồ trang sức, y phục cho cô dâu và tiền mặt .
Sau lễ ăn hỏi, nhà gái mang trầu cau đi chia khắp họ nội ngoại, xóm giềng, bè bạn. Miếng trầu cau thay cho lời thông báo việc gả chồng cho con, đó chính là thứ thay cho thiếp báo, thiếp mời.

Tổ chức lễ cưới ( Hôn lễ)

Sau khi các điều kiện nhà gái đã được nhà trai thực hiện, người ta chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Trước đó, cả hai nhà đã dựng rạp, sửa sang nhà cửa đón khách. Ngày cưới, người ta chọn giờ "hoàng đạo" mới đi, thường là về chiều, có nơi đi vào chập tối. Dẫn đầu đám rước đàng trai là một cụ già nhiều tuổi được dân làng kính nể vì tuổi tác, tư cách, địa vị xã hội, đóng vai chủ hôn, “con cái đông đàn dài lũ” còn đủ vợ chồng kiêng người goá vợ, goá chồng, lại giỏi ǎn nói, đối đáp, làm trưởng đoàn cùng với nǎm đến mười thanh niên trẻ, đẹp, còn “tân” gọi là phù rể, đi đón dâu. Trên đường đến nhà gái, trước khi vào cổng, đoàn đi đón dâu bị trai làng, trẻ con chặn lại bằng một sợi dây thừng hay đóng cổng lại, ở đoạn này của lễ cưới thật vui. Nhiều khi bên họ gái ra vế “đối” bắt bên kia phải “đáp” lại thật chỉnh, thật nhanh mới cho đi. Lại phải tung tiền xu cho bọn trẻ con mới được vào cổng… Sau khi đã vào đến sân nhà gái đoàn đi đón dâu được mời vào nhà ngồi chơi trên chiếu cặp điều ǎn trầu, uống nước và sau đó dùng cơm chiều. Xong xuôi, đại diện nhà trai có “người” xin dâu với họ nhà gái. Nhà gái bao giờ cũng làm ra vẻ dùng dằng, lần khần và chỉ đồng ý cho dâu đi vào giờ cuối của buổi chiều.

Đoàn đưa dâu của nhà gái cũng gồm những thiếu nữ trẻ và xinh đứng đầu đoàn đưa dâu cũng là một bà có tuổi còn song toàn và “mắn” con.Trước khi lên đường về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ chuẩn bị cho 7 hoặc 9 chiếc kim nhỏ, cho vào một chiếc túi vải và mang theo bên người. Trên đường đi, cô dâu sẽ lần lượt thả những chiếc kim này đi. Ngoài ra, các bà mẹ cũng sẽ chuẩn bị cho cô dâu một tập tiền lẻ, để khi đi qua cầu hoặc qua ngã ba, ngã tư, cô dâu sẽ trải tiền xuống đường.

Đoàn về đến nhà trai, ở đầu cổng, pháo đã nổ giòn để đón dâu. Ở miền Bắc Việt Nam ngày xưa, tại nhà trai, người ta chờ đợi đám rước dâu về. Một quả lò than đốt hồng đặt trước ngưỡng cửa để chờ cô dâu với nghĩa: lửa hồng sẽ đốt hết những tà ma theo ám ảnh cô dâu và sẽ đốt vía của tất cả những kẻ độc mồm độc miệng đã quở mắng cô dâu ở dọc đường.

Cô dâu vào lễ gia tiên nhà chồng xong, ông bà cũng như cha mẹ chồng tặng cho cô dâu món quà, thường là tiền hoặc là đồ nữ trang. Tối đó là lễ tế tơ hồng nguyệt lão, tiên thiên, là lễ mệnh. Sau cùng là lễ hợp cẩn. Cô dâu bước qua đống lửa bước vào buồng mình. Có nơi đặt một cái cối trước cửa buồng khi cô dâu bước qua, mẹ chồng cầm chày giã vào cối không ba cái. Giường của đôi vợ chồng mới cưới đã được một người đàn bà có tuổi, nhiều con cái trải chiếu cho, một chiếc sấp, một chiếc ngửa…

Lễ lại mặt

Hai ngày sau lễ cưới ( Sau đêm tân hôn), vợ chồng đưa nhau về thăm cha mẹ vợ với một số lễ vật, tùy theo tập tục địa phương bên vợ. Xưa lễ này gọi là "Nhị hỷ". Nếu nhà chồng ở cách xa quá, không về được trong hai ngày thì có thể để bốn ngày sau, gọi là "Tứ hỷ".

Theo tục lệ vợ chồng đem lễ chay hoặc lễ mặn về nhà để cúng gia tiên, để trình bày với gia tiên và cha mẹ, cùng họ hàng việc cưới đã xong xuôi toàn mãn. Lễ lại mặt xưa là để cô dâu tỏ chữ hiếu với cha mẹ, mặt khác, còn có ý nghĩa cô ấy, chị ấy đã làm toại nguyện chàng trai. Trường hợp có trục trặc gì trong đêm tân hôn thì trong ngày lại mặt này bố mẹ cô dâu cũng sẽ được biết.  

Lễ nộp cheo ( Hiện nay rất ít nơi còn áp dụng)

Là một nghi lễ phụ trong đám cưới, nhưng nhất thiết phải có. Không có bữa khao này thì đôi vợ chồng mới không được coi là thành viên của làng xóm. Trong bữa khao, chú rể đóng vai chính, anh ta ngoài việc phải lo bữa khao còn phải nộp một số vật liệu như gạch, ngói để tu bổ các công trình công cộng của làng xóm bên gái như đình, điếm, đường làng, chùa cổng.
       


Một số điều kiêng kị khi cưới xin         

Nhà có tang

Khi nhà đang có tang, điều kiêng kỵ là không nên tổ chức các cuộc vui. Đám cưới là việc “hỷ” nên đương nhiên phải hoãn lại, chờ đến khi hết tang mới được tổ chức.

Theo quan niệm dân gian, con cái phải để tang cha mẹ 3 năm, cháu để tang ông bà một năm. Ngoài ra còn yêu cầu cụ thể thời hạn để tang với những người khác trong gia đình.

Cưới khi chưa ăn hỏi

Đây là điều kiêng kỵ dành cho nhà gái. Thông thường, nhà trai sẽ ấn định ngày cưới dựa trên cơ sở thỏa thuận, đồng ý của nhà gái. Ngày ăn hỏi, hai bên gia đình sẽ ấn định một lần cuối về ngày cưới. Trước lễ ăn hỏi, nhà trai có thể mời cưới họ hàng, bạn bè xa gần nhưng nhà gái chỉ được mời sau lễ ăn hỏi, nếu không sẽ bị chê là “vô duyên”, “chưa ai hỏi mà đã cưới”.

Cưới vào năm tuổi kim lâu của cô dâu

Khi xem xét tuổi cưới, người ta thường căn cứ vào ngày sinh tháng đẻ của cô dâu. Năm kim lâu là năm mà cô dâu có số tuổi với đuôi là 1, 3, 6, 8. Người ta cho rằng nếu cưới hỏi vào năm kim lâu thì sẽ gặp nhiều rủi ro trong quan hệ vợ chồng, hôn nhân dễ tan vỡ, khó nuôi con, vợ chồng khắc khấu, lục đục, hay cãi cọ… Vì thế, người ta thường tránh tổ chức đám cưới vào năm kim lâu. Tuy nhiên, một số người cho rằng với năm kim lâu vẫn có thể cưới được nếu qua ngày Đông chí.

Mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng

Thường thì chỉ có bố cô dâu và những người họ hàng thân cận, các vị cao niên trưởng bối mới được đưa cô dâu về nhà chồng. Một lý giải khá thú vị cho phong tục này là sợ con dâu và mẹ đẻ sẽ tạo nên thế lực lấn át mẹ chồng.

Cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính

Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui xẻo. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bằng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra. Tuy nhiên, phong tục này hiện nay không còn được áp dụng nhiều.

Mẹ chồng chạm mặt con dâu khi đoàn rước dâu về nhà

Khi đoàn rước dâu về tới đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Điều này ngụ ý rằng: mẹ chồng vẫn muốn nắm quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế. Theo quan niệm dân gian, bình vôi là biểu hiện của tài sản trong nhà. Hình thức nắm giữ bình vôi chính là nắm giữ tài sản.

Có đổ vỡ trong đám cưới

Đám cưới là ngày vui của hai họ nên đông người, vì thế chuyện đổ vỡ các đồ vật cũng rất dễ xảy ra. Đặc biệt kỵ nhất là việc vỡ gương, vỡ cốc hay gãy đũa. Nếu trong đám cưới mà xảy ra những chuyện như vậy thì người ta rất lo sợ, thậm chí còn phải làm lễ giải hạn

Nguyễn Duy


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang