Phun thuốc không đúng, muỗi gây sốt xuất huyết có thể 'khỏe lên'

authorMinh Hà 19:31 17/08/2017

(VietQ.vn) - Nếu phun thuốc không đúng, có thể tăng nguy cơ muỗi gây sốt xuất huyết bị nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí là "khỏe lên" sau khi phun.

Hà Nội "tung" chiến dịch diệt muỗi gây sốt xuất huyết 

Dù chưa vào đỉnh dịch sốt xuất huyết như mọi năm (tháng 9-11), hiện tại cả nước đã có trên 80.550 người mắc bệnh, 22 người tử vong, một thai phụ bị sảy thai.

Tại Hà Nội, mặc dù UBND thành phố vẫn chưa công bố dịch, nhưng theo chia sẻ của TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trên báo Dân trí,  thống kê đến chiều 14/8, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đã lên tới gần 15.400 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Con số này sấp sỉ số mắc sốt xuất huyết của các năm đỉnh dịch trước đó (cả năm 2009 là 16.000 ca mắc và 4 tử vong; năm 2015 Hà Nội có 15.5000 ca mắc). Trong khi đó, đỉnh dịch thực sự của sốt xuất huyết hàng năm rơi từ vào tháng 9, nên con số bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng lên.

Nhân viên TT Y tế dự phòng Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi tại xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai). Ảnh: Hà Nội mới

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, dịch bệnh tại Hà Nội đang có xu hướng tăng và nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, có thể xảy ra nếu không kịp thời triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp hữu hiệu.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

Trong ngày 16/8, mặc dù trời có mưa nhưng ngành Y tế vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.

Phun thuốc không đúng khiến muỗi sốt xuất huyết "khỏe lên"

Số ca mắc sốt xuất huyết còn tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc vẫn còn nhiều người dân đang có những ngộ nhận sai lầm về việc phun thuốc diệt muỗi.

Cách phòng tránh đơn giản nhất mà mọi người truyền tai nhau: Tự phun thuốc diệt muỗi. Thuốc thì chỉ cần ra cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ thì chỉ cần mua loại bình xịt tay. Vậy là, toàn bộ số muỗi nhà mình sẽ được hạ gục nhanh gọn, lo gì đến sốt xuất huyết. Nhiều người còn đến các cơ sở, trung tâm để thuê người phun thuốc với giá khoảng 4.000 đồng - 7.000 đồng/m2, mỗi lần phun thuốc có chi phí khoảng 300.000 đồng - 400.000 đồng.

Cảnh báo tác dụng phụ đáng sợ khi dùng thuốc chống muỗi mùa sốt xuất huyết(VietQ.vn) - Khi sử dụng thuốc chống muỗi để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cần lưu ý an toàn với sức khỏe mỗi người, bởi trong các loại thuốc này đều chứa hóa chất gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, điều này không hẳn có lợi, thậm chí còn có khả năng gây hại và phản tác dụng nếu phun không đúng cách. Theo đó, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi. Trong khi đó, có thể tăng nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí là "khỏe lên" sau khi phun thuốc.

Những vũng nước đọng là môi trường cho loăng quăng/bọ gậy phát triển gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TT Y tế dự phòng

Mặt khác, nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.

Trung tâm này khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu phun thuốc thì nên đến trạm y tế địa phương hoặc liên lạc đến đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ nhất. Hiện Bộ Y tế đang cho lưu hành 3 loại hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết gồm Deltamethrine, Permethrine và Malathion. Ba loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng muỗi rất tốt.

Quá lo lắng dịch sốt xuất huyết lan rộng, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã tự phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh dịch.

Minh Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang