Rau bẩn nhiễm khuẩn đe dọa sức khỏe người dùng

author 11:38 01/12/2014

(VietQ.vn) – Rau muống nhiễm độc chì, chăm rau trực tiếp bằng phân và nước thải bẩn hay dùng hóa chất lạ ngâm rau để rau lớn nhanh như thổi là những thông tin khiến người dùng bàng hoàng về vấn đề VSATTP.

Rau ngon nhờ phân tươi và nước thải

Mặc dù thời tiết năm nay rất thuận lợi để rau phát triển nhưng vì lợi ích kinh tế để giảm thiểu chi phí chăm sóc, đỡ tốn sức đi xa gánh nước, người trồng rau ở Thường Tín (Hà Nội) đã không ngần ngại sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, đó là phân lợn, phân gà và cả... phân người (phân bắc), nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi lợn từ bờ mương cạnh ruộng.

Phân chủ yếu được mua từ các trại nuôi lợn, nuôi gà, giá hiện tại là 10.000 đồng/bao và mang thẳng ra ruộng để tưới luôn. Nhiều nhà còn không xây nhà vệ sinh tự hoại để tích phân lại có cái bón cho rau. Còn nước tưới rau được lấy từ nguồn nuốc thải từ nước tiểu, nước cọ chuồng.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như nhiễm ký sinh trùng, viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mãn tính. Thế nhưng, người trồng rau thì cho rằng dùng thuốc kích siêu tốc mới sợ chứ dùng phân chuồng thì tuyệt đối an toàn.

Rau có sâu chưa chắc đã là rau sạch

Mỗi ngày, không biết có bao nhiêu lượng rau bẩn được đưa ra thị trường

Mỗi ngày, không biết có bao nhiêu lượng rau bẩn được đưa ra thị trường. Ảnh: Lao Động

Theo N, nông dân vùng trồng rau xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM):  rau ăn lá hay ăn củ, quả muốn giữ cho tươi ngon hay nhanh thu hoạch đều phải “đánh thuốc” thường xuyên. Một trong những loại “thần dược” mà dân rau thường hay dùng để kích thích rau bẩn, củ quả có tên là thuốc Mo (N giải thích, thuốc Mo có nghĩa là loại thuốc không tên, không nhãn hiệu bao bì chỉ biết của Trung Quốc).

Đặc biệt, khi sử dụng thuốc này cho rau, củ, quả chúng sẽ phát triển cực nhanh, ví thử như hái quả dưa chuột trên vườn mới nhỏ bằng ngón tay rồi đem nhúng vào thùng nước có pha thuốc Mo, chỉ vài tiếng sau quả dưa sẽ bự lên bằng cổ tay rồi. Do vậy, sẽ rút ngắn được thời gian thu hoạch một cách… siêu tốc.

Cầm cây rau vừa nhổ trên tay, N chẳng ngại chia sẻ: “Kinh nghiệm của mấy bà nội trợ thường cứ nghĩ rau mà bị sâu ăn lá sẽ an toàn, hay có người cứ tìm mua những cây rau nào thấy cằn lá thì bảo chắc chắn rau sạch không phun thì mới xấu. Vậy nhưng họ sai lầm hết, vì đối với rau bị sâu ăn lá hay thậm chí có hẳn con sâu đang bò trên lá rau thật có thể đó lại là rau bẩn nhiễm độc nặng.

Lý do bởi người ta phun nhiều quá, sâu bị nhờn thuốc không chết hoặc người bán cố tình bắt sâu thả vào rau. Còn muốn ăn rau cằn xấu ư, đơn giản thôi, chỉ cần “đánh thuốc” đậm một chút là rau dù đang xanh mơn mởn cũng lập tức bị cằn xoăn tít lá lại ngay”.

Rau muống nhiễm độc chì và cadimi

Rau bẩn nhiễm khuẩn do tưới bằng nguồn nước ô nhiễm

Rau bẩn nhiễm khuẩn do tưới bằng nguồn nước ô nhiễm. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị thường niên Hội Y tế công cộng Việt Nam lần thứ 10 (diễn ra ngày 28/11), nhóm các tác giả đến từ Trường Đại học Y tế công cộng, Cục An toàn thực phẩm và Viện Chăn nuôi quốc tế đã báo cáo đề tài Đánh giá về sự ô nhiễm chì và Cadimi trong cá và rau muống ở sông Nhuệ và đã cho kết quả trên.

Các tác giả cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá mức tiêu thụ rau muống và cá rô phi của người dân sống tại lưu vực sông Nhuệ thì thấy, 98,6% người dân có ăn rau muống với khối lượng ăn trung bình là 108,9 g/người/bữa, với tần suất ăn trung bình là 75 lần/năm. 90,9% người dân được hỏi có ăn cá rô phi, khối lượng ăn trung bình là 132 g/người/ngày, tần suất ăn trung bình 65 lần/năm.

Với mức ô nhiễm Pb và Cd, thực trạng tiêu thụ rau muống và cá rô phi khai thác tại sông Nhuệ của người dân, các tác giả khẳng định, người dân có thể có nguy cơ nhiễm Pb, Cd qua đường ăn uống từ những thực phẩm này. Và qua đánh giá cá thể các tác giả cho biết, 14,08% người dân được khảo sát đã nhiễm Pb do ăn rau muống trồng tại sông Nhuệ vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các tác giả cũng nhận định, hiện nay việc ô nhiễm các kim loại nặng (như chì, Cadimi) trong nước và thực phẩm tại sông Nhuệ chảy qua lưu vực Hà Nội và Hà Nam, trong đó có rau muống và cá rô phi đang là mối nguy cơ đe dọa lớn đối với sức khỏe nhiều người tiêu dùng và cộng đồng.

Thái Hà (Tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang