Số sim điện thoại tự dưng 'bốc hơi' người dùng cần cảnh giác

author 19:29 29/05/2017

(VietQ.vn) - Ăn cắp số sim điện thoại của người khác bằng cách sử dụng CMND giả hiện không phải là mới nhưng nhiều người vẫn “khóc dở mếu dở” trước thủ đoạn quá tinh vi của bọn lừa đảo.

Nhiều vụ đang dùng thì 'mất' số điện thoại

Mới đây nhất, vào ngày 22/5, bà Trần Thị Nhạn (33 tuổi, ngụ Bình Định, tạm trú Q.12, TP.HCM) nhận được tin nhắn từ tổng đài MobiFone gửi đến thuê bao (09099013…) thông báo “bạn đang thực hiện dịch vụ đổi SIM” trong khi bà không hề yêu cầu.

Nghi ngờ trước tin nhắn trên bà Nhạn đã lấy điện thoại bấm số gọi đi nhiều lần đều không được. Lập tức, bà Nhạn gọi đến tổng đài và được thông báo là bà có đến cửa hàng Thế giới di động Nguyễn Đình Chiểu (số 89A Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) làm lại sim mới với lý do bị mất SIM. Điều khiến bà Nhạn bức xúc là kẻ lừa đảo đã dùng mail, iCloud để lấy danh bạ khách hàng, đối tác làm ăn, mật mã ngân hàng, hợp đồng kinh tế đang chờ giao dịch của bà... Khi kiểm tra mail bà còn phát hiện nhiều hợp đồng kinh tế đã bị xóa, theo báo Thanh Niên.

Sau khi tìm hiểu qua camera của màn hình tại cửa hàng thế giới di động, bà Nhạn đã phát hiện kẻ lừa đảo kia chính là giám đốc của một công ty ở Q.Tân Bình, TP.HCM mà bà Nhạn hùn hạp làm ăn chung nhưng vừa mới tách ra làm riêng. Sau đó bà đã trình đơn lên cơ quan công an để nhờ giải quyết.

Liên quan tới vụ việc trên, một lãnh đạo Công an P.6 (Q.3) cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn trình báo của bà Nhạn nhờ giải quyết. Sau khi xem xét sẽ có câu trả lời chính xác vụ việc này.

Hình ảnh được cửa hàng điện thoại ghi lại kẻ lừa đảo dùng CMND để lấy sim điện thoại của bà Nhạn. Ảnh: Thanh Niên

Hình ảnh được cửa hàng điện thoại ghi lại kẻ lừa đảo dùng CMND để lấy sim điện thoại của bà Nhạn. Ảnh: Thanh Niên 

Tương tự, vào năm 2009 một cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết trên báo An ninh Thủ đô, cơ quan này đã tiếp nhận phản ánh và nắm bắt được khá nhiều trường hợp chủ thuê bao sử dụng điện thoại di động “bỗng nhiên bị mất sim".

Cụ thể, anh Nguyễn Hồng Quang, 34 tuổi, nhà ở thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, đăng ký sử dụng dịch vụ trả trước số “SIM” điện thoại 098.98.98… của mạng Viettel từ năm 2007. Từ đó đến nay, anh Quang liên tục dùng số máy trên. Tuy nhiên cho đến ngày 28/8/2009 sự cố đã xảy ra ngay khi anh Quang nạp thẻ điện thoại mệnh giá 500.000 đồng. Điện thoại của anh bị khóa một chiều. Thắc mắc sự cố trên đến tổng đài của Viettel, anh Quang thực sự “choáng” khi nghe thông tin: “số điện thoại quý khách hiện bị… một người khác đăng ký sở hữu”.

Theo khẳng định của anh Quang, anh chưa từng đến bất cứ điểm dịch vụ được ủy quyền nào của Viettel để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người khác số điện thoại của mình và hiện anh vẫn đang giữ số “sim” gốc. Về nguyên tắc, khi anh Quang muốn chuyển nhượng số điện thoại này cho ai, chính anh sẽ phải đến các cơ sở của nhà cung cấp dịch vụ để trực tiếp làm thủ tục chuyển nhượng.

Không khí Hà Nội chứa loại bụi nguy hiểm nhất thế giới, có thể thẩm thấu vào máu(VietQ.vn) - "Xét về hàm lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất), chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ.", GS. TS Nguyễn Hữu Ninh nói.

Sau sự việc, anh Quang đã đến trung tâm dịch vụ của Viettel tại Hà Nội để kiến nghị và được cô nhân viên điện thoại cho biết, có thể một người nào đó cố tình “qua mặt” nhà cung cấp dịch vụ để hoán đổi số điện thoại của anh.

Một trường khác cũng xảy ra với anh Hoàng Anh (Hà Nội). Đang sử dụng mạng của VinaPhone, đột nhiên điện thoại của anh Hoàng Anh báo lỗi và tạm ngừng liên lạc. Liên lạc đến tổng đài chăm sóc khách hàng của VinaPhone, anh Hoàng Anh được hồi âm số điện thoại của anh đã… bị chuyển cho một khách hàng tại TP Hồ Chí Minh.

Trong khi chờ đợi kết quả xác minh từ VinaPhone, anh Hoàng Anh nhận được điện thoại của một phụ nữ nói rằng chị đã mua số điện thoại của anh từ một người đàn ông khác. Thậm chí, người đàn ông đó còn cung cấp cho chị mã tài khoản, chi tiết 5 số gọi đi cùng 5 số gọi đến của số máy mà anh Hoàng Anh từng sử dụng để phục vụ việc chuyển đổi hình thức sử dụng từ trả trước sang thuê bao trả sau.

Đang không biết làm gì để lấy lại số sim điện thoại thì anh Hoàng Anh nhận được thông tin từ tổng đài VinaPhone, rằng số điện thoại của anh đã được lấy lại; anh chỉ cần lắp “sim” vào máy là có thể sử dụng bình thường. Sau này, bằng nhiều kênh thông tin, anh Hoàng Anh biết được việc phía VinaPhone thừa nhận nhân viên bưu điện TP. HCM đã thay đổi dịch vụ từ trả trước sang trả sau cho số điện thoại của anh theo yêu cầu của một nữ khách hàng. 

Vạch mặt thủ đoạn 'cướp' số điện thoại

Cũng liên quan tới việc số sim điện thoại bị mất, Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết, qua công tác quản lý, Sở này nắm bắt được khá nhiều tranh chấp xảy ra xung quanh những số “SIM” điện thoại đẹp đặc biệt rộ lên trong quá trình triển khai quy định về quản lý thuê bao trả trước.

Số sim điện thoại đẹp càng nên thận trọng trước các chiêu lừa đảo kẻo bị mất bất cứ lúc nào. Ảnh minh họa

Số sim điện thoại đẹp càng nên thận trọng trước các chiêu lừa đảo kẻo bị mất bất cứ lúc nào. Ảnh minh họa

Trước đây, khi chưa có quy định về quản lý thuê bao trả trước, khách hàng chỉ cần mua “SIM” điện thoại ở bất cứ đại lý nào là có thể sử dụng dịch vụ. Đây chính là kẽ hở dẫn đến hiện tượng đánh cắp “SIM” điện thoại đẹp. Một nguyên nhân khác khiến nhiều khách hàng bị mất cắp số điện thoại là do thủ tục thay “SIM” của các mạng di động quá đơn giản. Khách hàng chỉ cần liệt kê các số thường gọi, thời gian nạp tiền, thời hạn sử dụng... là có thể chuyển đổi hình thức sử dụng và làm lại thẻ sim.

Cũng theo Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, ngoài thủ đoạn trên, một thủ đoạn phổ biến hiện nay là đối tượng dùng “sim” khác nháy máy, nhắn tin để chủ thuê bao gọi lại và sau nhiều lần như thế, đối tượng đã có một danh sách của các số gọi đi của chủ thuê số điện thoại mà chúng định “chôm chỉa”. Với những thông tin như trên, đối tượng có thể “qua mặt” được các giao dịch viên của nhà mạng để thay SIM. Đây là điều được một đối tượng đã từng lên mạng Internet huênh hoang về “năng lực” của mình: “Nếu quyết tâm muốn chiếm đoạt một “SIM” số đẹp, tôi chỉ cần 1 tháng để “giăng bẫy”.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang