Sốc với công nghệ chế trà đá, trà chanh vỉa hè

author 09:04 17/05/2012

Trà đá, trà chanh vỉa hè trở thành nét văn hóa của người dân Hà Thành. Ít ai biết được, đằng sau những cốc trà đá, trà chanh, nhân trần... được pha chế kia là cả một "công đoạn tái chế" ghê người!

Câu chuyện của những “doanh nhân vỉa hè”

Về “nguồn gốc xuất xứ”, trà chanh ở Hà Nội bắt đầu “nhen nhóm” từ một vài hàng đơn lẻ ở gần phố Nhà thờ. Sau đó, nó đã trở thành trào lưu kinh doanh “phủ sóng” ở khắp các ngõ ngách, vỉa hè ở Hà Nội. Một số dãy phố trở thành “chuyên trà chanh” như Cát Linh, Giãng Võ, Ngã Tư Sở, Lý Quốc Sư, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên… Chỉ cần một đoạn vỉa hè có khi san sát đến gần 20 cửa hàng treo biển “trà chanh”. 
 
Một “doanh nghiệp trà chanh” tại phố Khâm Thiên cho biết, đa số các quán nước ở vỉa hè trước kia chỉ phục vụ trà đá, nhân trần giờ cũng đua nhau sang kinh doanh trà chanh. Vì một cốc trà đá trước khi chỉ bán được 2.000 đồng, “chế” thêm một chút đã thành cốc trà chanh 8.000 – 10.000 đồng. Trung bình một buổi tối có thể lãi đến 500.000 – 700.000 đồng, đó là chưa kể hôm nào “mát trời”, dân tình đổ ra vỉa hè đông, cộng thêm tiền lãi bán các mặt hàng “đi kèm” như hạt dưa, hạt bí, đĩa thịt bò khô… có thể lãi hơn 1 triệu đồng. 
Cẩn trọng với những cốc trà đá, trà chanh bán ngoài vỉa hè
Cẩn trọng với những cốc trà đá, trà chanh bán ngoài vỉa hè
 
Việc “chế” trà chanh cũng vô cùng đơn giản, nguyên liệu chính là loại trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, bột chanh, hương liệu tạo mùi chanh, hương liệu hoa nhài, đường hoá học, thêm chút đá và lát chanh tươi… Để tìm hiểu kĩ hơn về công thức “chế” trà chanh, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại chợ Đồng Xuân. Trong vai những người mở quán nước, chỉ cần hỏi về các loại phụ gia “chế” trà chanh, chúng tôi đều được các chủ cửa hàng bán phụ gia tại đây đều hướng dẫn “nhiệt tình”. 
 
Các loại phụ gia tạo hương vị chanh, hương liệu hoa lài đều ở dạng lỏng được chứa trong các thùng loại 2, 5, 10 lít... được ghi tên, nhãn mác cẩu thả. Một số loại phụ gia hương chanh có dạng bột được bán theo túi khoảng 40.000 đồng/kg. Còn loại “chè Tàu” làm nên “cốt” trà chanh thì được đựng trong những túi nilông, buộc sơ sài bằng dây chun, không có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, không hạn dùng và được ghi bằng bút lông nguệch ngoạc. Về nguồn gốc của các loại phụ gia, người bán cho biết, nhiều loại được dán mác sản xuất ở các cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nhưng thực chất đều là hàng Trung Quốc nhập về và gia công đóng gói. 
 
Để tiện hơn cho người chế biến, nhiều người bán phụ gia còn cung cấp thêm các loại can 5, 10 lít đã “đong sẵn” đầy đủ các nguyên liệu làm trà chanh. Người bán chỉ cần “pha loãng” theo tỉ lệ 5 lít “nước cốt” thành 100 cốc trà chanh. Một can “nước cốt” 5 lít như vậy chỉ có giá vài chục nghìn đồng. Tiện lợi hơn, người bán phụ gia còn “bắt mối” với các quán trà chanh thông qua hệ thống xe ôm chuyên trở. “Bao giờ hết hàng, các em cứ alô một tiếng, sẽ có nhân viên mang can “nước cốt” đến tận nơi. Cứ về pha chế đúng tỉ lệ, thêm tí đá là sẽ có cốc trà chanh “chuẩn không cần chỉnh”, một chị bán  phụ gia tại chợ Đồng Xuân cho biết. 
 
Ngoài món đồ uống trà chanh đang “hot”, các loại đồ uống giải khát như café, loại đồ uống như nước cam, nước chanh cũng có công thức pha chế từ phụ gia dạng bột tương tự. Các loại bột cam, chanh này được đựng trong một túi nilong màu trắng, không nhãn mác, có giá khá rẻ 40.000 đồng/kg. Nếu “pha chế” đúng liều lượng thì nước pha loại bột hoá học này sẽ có mùi vị, màu sắc y như nước cam “xịn”. Mỗi kg bột hoá học có thể pha được từ 60 – 70 cốc nước cam, nước chanh. Nếu tính theo mức giá 20.000 – 30.000 đồng/cốc thì người bán lãi hơn nhiều lần so với mua hoa quả về pha chế. 
 
Với các loại đồ uống như chè, thạch, người bán hàng lại tìm mua các hóa chất mau nhừ thực phẩm và bột chè tạo màu, tạo mùi. Bình thường, nếu không dùng bột mau nhừ, nấu một nồi chè có thể mất đến một tiếng, nhưng khi dùng loại phụ gia này sẽ tiết kiệm được gần một nửa thời gian.
 
“Bẩn” nhưng vẫn “hút khách”
 
Chỉ nghe sơ qua về nguồn gốc nguyên liệu chế biến các loại đồ uống trên đã “rùng mình” nhưng khâu “cuối cùng” để thành phẩm một cốc nước mát lành còn “khiếp đảm” hơn. Đa phần các loại đá được sử dụng ở các quán bán giải khát đều là đá cây có giá khoảng 30.000 đồng một cây 50kg, “sang” hơn thì có quán dùng đá viên “siêu sạch” khoảng 10.000/một túi loại 5kg. 
 
Các loại đá cây đều có nguồn gốc từ… nước lã từ các giếng khoan, “cẩn thận” hơn thì lọc qua than hoạt tính hay các bình lọc đơn giản. Sau khi thành phẩm, chúng được vào các bao ni lông rách bẩn, được băm chặt bằng những con dao cũ rỉ nhưng vẫn đảm bảo …trong veo khi đến miệng thực khách. Ngay cả loại đá viên đựng trong túi riêng từ 2kg đến 5kg được coi là đá sạch, đá tinh khiết thì vẫn là đá cây được chặt nhỏ thành từng túi con, và cùng chung nguồn sản xuất từ nước lã như đá cây. 
Trà đá, nhân trần được cho vào 'vại' trước khi rót mời khách
Trà đá, nhân trần được cho vào 'vại' trước khi rót mời khách
 
Đáng nói hơn, từ khâu “chế” đồ uống, thêm đá, người bán đều thực hiện bằng những đôi bàn tay trần cáu bẩn. Quán nào cũng có thêm một xô nước màu “nhờ nhờ” để tráng rửa cốc và cả… ống mút theo kiểu “nhúng vào nước”, lau sơ qua là… đủ sạch. Ấy vậy mà đa số khách hàng của các loại đồ uống “vỉa hè” đều không mấy quan tâm đến chất lượng của loại đồ uống này. Họ chỉ sợ nhất đang “cao hứng” lại phải lại phải cầm cốc, cắp ghế chạy do cơ quan chức năng “ra quân” dẹp các quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 
 
Mới đây, cơ quan Quản lí thuốc và thực phẩm Trung Quốc (SFDA) đã yêu cầu dừng phân phối và sử dụng hương liệu bột trà xanh được dùng trong pha chế trà chanh bởi có chứa DEHP là chất gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới, về lâu dài có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, loại hương liệu này vẫn được bán và sử dụng công khai. Các loại nguyên liệu như bột cam, bột chanh cũng tiền ẩn rất nhiều nguy cơ pha tạp những hoá chất độc hại bị cấm sử dụng. 
 
Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cũng đã nhiều lần cảnh báo, nước đá cây vỉa hè cũng là một nguồn lây bệnh tiêu chảy cấp nếu sử dụng làm đồ uống.Trong khi, nguồn khách hàng “tiềm năng” nhất của các quán trà chanh này đa phần là giới trẻ thì vẫn chưa có khuyến cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng, chưa có đợt kiểm tra trên diện rộng với mặt hàng này. Trà chanh vẫn “hút khách” và nhiều loại nước giải khát khác vẫn được xem như loại đồ uống “rẻ và tiện lợi”. 
 
Lưu Phương
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang