Sử dụng bếp cồn: "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"

author 20:51 16/09/2013

Sợ rủi ro từ bếp gas mini, nhiều gia đình, quán ăn chuyển sang dùng bếp cồn. Tuy nhiên, những tai nạn gần đây do bếp cồn gây ra cho thấy mọi người cũng phải rất thận trọng với loại bếp này.

Cồn nước: rất dễ cháy lan

Khoa phỏng – tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM từng tiếp nhận một vụ phỏng cồn tại nhà, làm một người phỏng nặng độ 3 với hơn 70% diện tích cơ thể, và ba người phỏng nhẹ. Nguyên nhân là trong bữa ăn, gia đình dùng bếp cồn nấu lẩu. Khi bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào, bình cồn vừa chạm bếp thì ngọn lửa bốc lên. Cồn cháy văng tung toé vào những người ngồi xung quanh, gây phỏng với những mức độ khác nhau.

Trước đó, khoa cũng tiếp nhận trường hợp phỏng của hai vợ chồng ở quận 9, TP.HCM. Cùng bạn bè đi ăn lẩu ở quán, trong lúc người phục vụ đổ thêm cồn lỏng vào bếp, lửa bất ngờ phụt lên khiến người chồng phỏng 14%, còn người vợ phỏng 8% diện tích cơ thể. Hy hữu hơn là trường hợp một đoàn khách du lịch ghé ăn ở quán, khi bếp nấu lẩu gần hết cồn, nhân viên mang bình cồn nước ra châm thì lửa bùng lên khiến nhân viên hốt hoảng ném bình cồn trúng một thực khách gây phỏng nặng ở mặt, bụng, tay, mi mắt...

Cồn khô: coi chừng ngộ độc methanol

GS.TS.BS Nguyễn Thị Dụ, nguyên giám đốc trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết từng điều trị một số ca ngộ độc methanol từ cồn khô. Trong điều kiện bình thường, cồn khô (cồn rắn) nếu chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên, thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện bán nhiều loại cồn khô không rõ nguồn gốc, thường được chiết xuất từ methanol nhằm thu nhiều lợi nhuận, do giá methanol chỉ bằng nửa ethanol. Methanol có độc tính cao với người và linh trưởng nói chung, sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp dưới dạng dung môi và trong các sản phẩm có hợp chất methyl và formaldehyde.

Cồn khô chiết xuất từ methanol khi đốt nhiệt độ cháy thấp, không có muội nhưng hơi của methanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp, gây cay, rát mắt, thậm chí ảnh hưởng thần kinh hoặc làm kém thị lực, mù mắt... “Với những trường hợp hít phải hơi của chất methanol hoặc trực tiếp tiếp xúc qua da, mức độ ngộ độc có nhẹ hơn so với đường uống. Tuy nhiên nếu để cơ thể tích trữ nhiều, lâu, thì mức độ nguy hiểm sẽ như nhau”, GS Dụ lưu ý.

Dùng sao cho an toàn?

BS Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa phỏng – tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy cho biết phỏng cồn thường khiến vết phỏng sâu, dễ gây biến chứng. Đa phần các vụ tai nạn do bếp cồn gây ra là do lỗi bất cẩn, chủ quan của người sử dụng. Cồn nước tuy không có khả năng gây nổ nhưng rất dễ cháy lan nhanh, vì thế trước khi châm thêm cồn vào bếp phải tắt hết lửa. “Khi mồi lửa lại cũng phải hết sức cẩn trọng, nên dùng giấy hoặc thanh củi nhỏ, tuyệt đối không dùng quẹt gas vì dễ gây phỏng. Nếu có điều kiện, nên dùng cồn khô thay cho cồn nước”, BS Đạo lưu ý.

GS Dụ lưu ý khi chọn mua cồn khô, cần chọn loại có dán nhãn mác rõ ràng, kiểm tra thành phần xem là ethanol hay methanol: nếu là cồn ethanol sẽ cho ngọn lửa màu vàng, không hăng; còn cồn methanol cháy cho ngọn lửa xanh, nhiều mùi hăng, khét... Ngoài ra, nên mua loại bếp có chất lượng tốt. Khi bỏ cồn vào bếp nên dùng kẹp gắp cục cồn, không sử dụng bằng tay, nhất là khi bếp vẫn đang cháy. “Trong quá trình sử dụng, nên chọn ngồi xa bếp lửa, tránh không tiếp xúc với khói thoát ra từ bếp”, BS Dụ nói.

 

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang