Sửa luật KHCN không phải để "thả cửa" tiêu tiền

author 15:21 27/06/2013

(VietQ.vn) - PGS.TS Đỗ Xuân Cảnh cho biết, luật KHCN sửa đổi sẽ giúp nhà nước quản lý tiền chi cho khoa học chặt chẽ hơn, chứ không phải "thả cửa" cho ai muốn tiêu gì cũng được.

Nhân sự kiện Quốc hội thông qua luật KHCN sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2014), Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Xuân Cảnh, Viện trưởng viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (viện Hàn lâm KHCN Việt Nam).

PGS.TS Lê Xuân Cảnh. Ảnh: Việt Dũng
PGS.TS Lê Xuân Cảnh. Ảnh: Việt Dũng

- Các nhà khoa học hay phàn nàn về cơ chế tài chính gây khó cho công việc nghiên cứu của họ. Vậy khi luật KHCN được sửa đổi, sẽ có những thuận lợi gì?

- Trước đây, cơ chế tài chính bắt buộc các nhà khoa học báo cáo theo năm với nhiều thủ tục nhiêu khê. Mà không phải nhà khoa học nào cũng có chuyên môn về tài chính, nên mất rất nhiều thời gian vào việc báo cáo, thanh quyết toán...

Nay luật KHCN sửa đổi đã giao khoán cho các nhà khoa học chủ trì, nên sẽ tạo nhiều thuận lợi. Trước hết là không phải báo cáo theo năm tài chính, vì nghiên cứu khoa học có khi theo mùa vụ, nếu cấp tiền theo năm, lúc cần kinh phí lại không có...Sau đó, nhờ đơn giản thủ tục hành chính nên chắc chắn tiến độ thực hiện các đề tài sẽ được đẩy nhanh.

Tuy nhiên, không có nghĩa, luật KHCN sẽ “thả cửa” cho các nhà khoa học, muốn tiêu thế nào cũng được. Mà vẫn phải có kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra việc thực hiện các đề cương đề ra.

- Ông đánh giá thế nào về cơ chế ưu đãi với các nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học trẻ trong luật KHCN sửa đổi?

- Trước kia, viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cũng có những chính sách hỗ trợ với các nhà khoa học trẻ, như xét làm các đề tài hoặc cử đi du học…Nhưng nay, việc đó đã được “luật hóa”, sẽ tạo điều kiện nhiều hơn với đông đảo các nhà khoa học.

Họ sẽ có thêm điều kiện được giao lưu, học hỏi. Cũng giống như làm giao thông ấy, nếu không trực tiếp đi xem các nước xử lý ùn tắc thế nào, xây cầu vượt ra sao…thì chưa chắc đã áp dụng vào nước mình được.

Hiện nay, nhà khoa học khi đăng bài báo trên các tạp chí quốc tế phải mất phí đến vài trăm USD. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ phần này. Mặt khác, do thiếu kinh phí đăng báo nên nhiều người vẫn lầm tưởng, các nhà khoa học Việt Nam ít có bài báo quốc tế là vậy.

Việc nâng chế độ ưu đãi còn tạo thuận lợi đào tạo thế hệ kế cận. Hiện nay, không phải người nào giỏi cũng thi vào các trường khoa học tự nhiên, không giống trước kia.

- Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ, nhà khoa học đã làm gì cho nông dân? Xin ông có thể nói qua những công trình của Viện Sinh thái phục vụ nông dân?

- Nhà khoa học làm được nhiều công trình nghiên cứu, tất cả đều phục vụ nhân dân, nhưng do hạn chế của truyền thông, nên nhiều người hiểu lầm. Chúng tôi đã nghiên cứu phát triển bào ngư 9 lỗ để nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu các loại virus, vi trùng gây hại cho cây café, hạt tiêu…Phát triển và nhân rộng các côn trùng EPN, là loại côn trùng có lợi, giúp tiêu diệt các loài sâu bệnh trên cây lúa mà không phải phun thuốc sâu…

Mới đây, công trình động vật chí – thực vật chí Việt Nam đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là công trình được khởi động từ 30 năm trước, tốn rất nhiều công sức, như bản thân tôi, phải đi hết 63 tỉnh thành để lập bản đồ phân bố các loài động, thực vật…

Đây là tài liệu chính thống để lập quy hoạch sinh học, quy hoạch kinh tế xã họi, bảo tàng thiên nhiên…

Hay như công trình trồng cây che chắn Trường Sa, phải qua 10 năm mới khẳng định được hiệu quả của đề tài…

Nói như vậy để người dân thấy rõ, có nhiều kết quả nghiên cứu, phải qua nhiều năm mới thấy rõ lợi ích.

Xin cảm ơn ông !

Vẫn còn lắm gian nan

Một lãnh đạo từng tham gia chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước cho rằng, từ Luật đến Nghị định và Thông tư vẫn còn nhiều vấn đề.

Vì Luật Ngân sách vẫn chưa được sửa đổi, nên vẫn còn nhiều vướng mắc. Hơn nữa, việc chi tiền cho khoa học theo cách dàn tải, không tập trung vào những người giỏi sẽ có thể gây hiệu quả thấp.

Thùy Linh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang