Tại sao chỉ áp trần giá sữa cho 25 sản phẩm?

author 21:25 25/05/2014

(VietQ.vn) - Trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hàng sữa, tại sao Bộ Tài chính chỉ chọn 25 sản phẩm để áp giá trần từ 1/6 tới?

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Đây là một trong những câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong Chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời tối 25/5.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng

Trước đó, một học giả nhận định là trong cơ chế thị trường, việc khống chế giá trần là một biện pháp quản lý hành chính chỉ được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt. Vậy tại sao Bộ Tài chính quyết định áp dụng biện pháp này với mặt hàng sữa cho trẻ em?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước hết cần căn cứ vào các quy định của Luật Giá, trong đó có quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá. Xuất phát từ diễn biến thị trường trong năm 2013, ba tháng đầu năm 2014 và cùng các kết quả thanh tra, phát hiện ra những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thứ hai là Nhà nước thực hiện bình ổn giá khi có biến động về giá một cách bất thường.

Thứ ba là quy định các biện pháp bình ổn giá như là đăng ký giá, định giá cụ thể, khung giá tối đa, giá tối thiểu…để tùy từng loại hàng hóa sản phẩm và dịch vụ, và trong đó cũng quy đinh luôn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quy định áp dụng bình ổn giá, ở đây là Chính phủ thống nhất chủ trương.

Thứ tư, đối với lĩnh vực kinh doanh, chúng ta quản lý giá sữa theo cơ chế thị trường, nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương chung. Trong vấn đề này phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt người tiêu dùng là đối tượng rất nhạy cảm là trẻ em dưới 6 tuổi, mà theo thống kê của chúng tôi hiện nay chúng ta có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi.

“Tại phiên họp Chính phủ, khi Bộ Tài chính báo cáo về vấn đề này thì Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân cũng tán thành ủng hộ. Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng cam kết sẽ ủng hộ quyết định này, và vận động nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ. Và đây là một quy định đúng pháp luật, hài hòa lợi ích và rất nhân văn.Bộ Tài chính cũng nghiên cứu thấy rằng, việc chúng ta áp dụng giá trần như thế này hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận. Đây là những căn cứ rất quan trọng để chúng tôi áp dụng những biện pháp bình ổn giá sữa theo giá trần.” người đứng đầu Bộ Tài Chính cho biết.

Quy định áp trần giá sữa chỉ áp dụng đối với 25 nhãn hàng từ 1/6

Ngay sau khi Bộ Tài chính có quyết định áp trần giá sữa vào giữa tuần qua thì nhiều người dân băn khoăn là: Tại sao Bộ Tài chính lại chọn 25 mặt hàng sữa trong danh mục công bố để áp trần giá sữa trong khi trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hàng sữa?

Băn khoản này được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải: "Khi thanh tra 5 doanh nghiệp sữa thì các doanh nghiệp này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại Việt Nam, và 25 sản phẩm sữa mà chúng tôi công bố lần này cho trẻ em dưới 6 tuổi thì bản thân nó cũng chiếm trên 60% thị phần mà sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bước đầu, Bộ đã chọn những sản phẩm có tỷ trọng rất lớn trên thị trường; từ đó quyết định áp giá trần đối với các sản phẩm còn lại căn cứ vào các sản phẩm trên".

 Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra phương pháp hướng dẫn giá để doanh nghiệp đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, để từng bước có biện pháp áp giá trên khung hợp lý.

Sữa là một mặt hàng rất đặc thù và việc định giá là không hề đơn giản. Chỉ cần thay đổi một chút mẫu mã, thay đổi một hàm lượng nhỏ về chất béo, chất đạm trong công thức sữa là giá có thể thay đổi ngay. Chính vì vậy, người dân cũng đặt vấn đề: Bộ Tài chính làm thế nào để mức giá trần do Bộ đưa ra đảm bảo được quyền lợi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp?

Ngay lập tức, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trấn an dư luận: Theo quy định Quyết định về công bố giá trần, ngoài 25 sản phẩm, khi doanh nghiệp có thay đổi về mẫu mã, thay đổi về hàm lượng và tên gọi sản phẩm của sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, lúc này doanh nghiệp phải đăng ký, và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo 2 phương pháp là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa, để đảm bảo phương pháp so sánh và phương pháp chi phí phải phù hợp và từ đó ra giá trần cụ thể.

Không ít người dân cũng bày tỏ liệu các hãng sữa có lấy lí do là vận chuyển xa để áp cho những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa mức giá trần cao hơn mức giá trần ở thành phố hay không? Và làm thế nào để Bộ Tài chính có thể giám sát việc thực hiện  nghiêm giá trần này ở tất cả các vùng miền trên cả nước?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: giá trần là áp dụng chung cho cả nước trên mọi địa bàn. Đối với các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng phải có những chiến lược kinh doanh chiếm lĩnh thị trường, do vậy phải có những bài toán cụ thể, cùng một loại sữa thì bán ở Hà Nội giá này nhưng có thể bán ở miền núi giá khác, nhưng nằm trong khung quy định của Bộ Tài chính. Để kiểm tra, giám sát việc này thì trong quyết định trên cũng đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là các cơ quan chức năng của địa phương phải vào cuộc phối hợp để giám sát việc này.

Hoàng Vũ (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang