Thương mại điện tử tạo ra xu thế mới cho hoạt động kinh doanh

author 08:11 21/03/2021

(VietQ.vn) - Thương mại điện tử đã tạo ra một xu thế mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, thương mại điện tử cũng được ví như "phao cứu sinh" giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn của biến động thị trường.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện và sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó, Việt Nam là nền kinh tế mở, nên cũng bị ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu... Tuy nhiên, thương mại điện tử đã tạo ra một xu thế mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, thương mại điện tử cũng được ví như "phao cứu sinh" giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn của biến động thị trường.

Theo số liệu thống kê mới nhất vào thời điểm tháng 1/2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt đến quy mô 11,8 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 18% hàng năm. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hai con số.

Khách hàng thanh toán qua QR Code tại siêu thị. Ảnh minh họa. 

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần công nghệ Haravan cho biết, lượng tìm kiếm trên sàn thương mại điện tử hiện đang rơi vào ngành hàng trang phục, chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ, chăm sóc nhà cửa, thể thao và thể hình, tạp hoá...

Khi xu hướng nhà là chợ, văn phòng, trường... xuất hiện và đang diễn ra trong đời sống người dân, thì kênh mua sắm online là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân, doanh nghiệp. "Điều này cũng dẫn đến chuyển đổi mô hình bán lẻ truyền thống thành bán lẻ đa kênh offline và online, cũng như mô hình bán lẻ đa kênh omnichanel (khách hàng ở đâu thì bán hàng ở đó) phát triển ngày càng phổ biến trên thị trường. Mô hình này cho phép đơn vị bán lẻ quản lý tập trung dữ liệu; trong đó, đặt hàng và thanh toán thay đổi theo xu hướng không tiền mặt”, ông Tấn chia sẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp cần chú trọng thêm những giải pháp điều chuyển đơn hàng online đến offline; phân nhóm khách hàng cũ và gửi thông điệp cá nhân hóa qua SMS/Messenger. Đối với khách hàng mới, doanh nghiệp cần chủ động tăng nhận diện thương hiện online bằng Google smart shopping.

Bên cạnh đó, nói về xu hướng thương mại điện tử thời gian tới, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Công nghệ Atalink cho hay, thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) là xu hướng tương lai và sàn thương mại điện tử được doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả cao.

Trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp đặt hàng qua sàn thương mại điện tử cũng tăng khoảng 6% so với các kênh email, website... Doanh nghiệp có nên tham gia sàn thương mại điện tử hay không đã không còn là câu hỏi xa lạ với thị trường Việt Nam. Bởi kinh doanh thương mại điện tử B2B đã cho thấy, những lợi thế vượt bậc như không giới hạn không gian và thời gian nên doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhà cung cấp và khách hàng 24/7.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết thương mại điện tử B2B hiện là một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu. Việc gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu…

Thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với phía Bắc Ấn Độ(VietQ.vn) - “Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ” tại Chandigarh - thủ phủ của bang Punjab và Haryana vừa được Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) khu vực phía Bắc tổ chức.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang