Tình hình Biển Đông ngày 21/10: “Trung Quốc không hứa giữ nguyên trạng biển Đông”

author 06:44 21/10/2014

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có những chia sẻ về nội dung cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn ngày 17/10 vừa qua, trong đó có đề cập đến nhiều động thái của Bắc Kinh ở biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt – Trung đã thống nhất giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Đồng thời, quân đội hai nước phải kiểm soát được tình hình trên biển Đông, tránh việc sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực cũng như không để xảy ra xung đột, va chạm vũ trang trên biển.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thỏa thuận ký kết một bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa hai bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhằm kịp thời trao đổi, kiểm soát cho được những diễn biến trên biển, tránh xung đột trong trường hợp xảy ra va chạm, tình huống bất ngờ trên biển Đông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, hiệu quả của đường dây nóng sẽ chỉ được thử thách khi có sự vụ mới trong tương lai.

Bộ trưởng Thanh cho biết Trung Quốc ghi nhận ý kiến của Việt Nam về biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 21/10: Bộ trưởng Thanh cho biết Trung Quốc ghi nhận ý kiến của Việt Nam về biển Đông. Ảnh minh họa

Về việc Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định Trung Quốc có ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam. "Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên Biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC. Tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng khu vực tranh chấp. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam", Bộ trưởng Thanh phát biểu.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc có đưa ra cam kết hay lời hứa nào về việc giữ nguyên trạng biển Đông, Đại tướng Phùng Quang Thanh chia sẻ, "Hứa thì bạn không hứa nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC – nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp.”

Cũng theo lời Đại tướng, “Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có hoạt động xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng và Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng. Đó đều là các hoạt động tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc".

Tình hình Biển Đông ngày 21/10: Bộ trưởng Thanh trực tiếp đề cập đến nhiều hành động khiêu khích của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày 21/10: Bộ trưởng Thanh trực tiếp đề cập đến nhiều hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, việc các nhà nghiên cứu cho rằng hướng xây dựng của Trung Quốc là để hình thành một căn cứ quân sự tấn công chỉ là dự báo mà thôi, "chứ đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả". "Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực", ông nhận định.

Được biết, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giới quan sát và truyền thông quốc tế đánh giá là rất đáng chú ý, cho thấy hai nước láng giềng đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981.

Hãng tin quốc tế AP đánh giá, chuyến thăm của Đại tướng Phùng Quang Thanh và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Trung Quốc cho thấy hai nước "nhất trí nối lại quan hệ quân sự và cùng quản lý các tranh chấp trên biển tốt hơn". Đồng quan điểm trên, nhiều tờ báo của Trung Quốc cũng phản ánh chuyến thăm dưới góc nhìn tích cực. 

Tình hình Biển Đông ngày 21/10: Chuyến đi của Bộ trưởng Thanh nhận được chú ý của giới quan sát

Tình hình Biển Đông ngày 21/10: Chuyến đi của Bộ trưởng Thanh nhận được chú ý đặc biệt từ giới quan sát. Ảnh minh họa

Về phần mình, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Carl Thayer nhận xét, Trung Quốc có động cơ để ngăn không cho mối quan hệ đôi bên xấu thêm và muốn tỏ ra hòa giải với các nước láng giềng trước khi làm chủ nhà hội nghị cấp cao APEC vào tháng tới.

Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm, hiện Trung Quốc vẫn tăng cường các hoạt động khai hoang ở Trường Sa, việc này tiềm ẩn nguy cơ đưa tranh chấp ra ngoài tầm kiểm soát của các nước trong Đông Nam Á và biến Biển Đông thành cái ao trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các văn kiện cam kết nhằm duy trì an ninh ở khu vực của ASEAN sẽ không được áp dụng, và ASEAN sẽ mất vị trí chiến lược của mình trong việc duy trì vai trò trung tâm trong đảm bảo hòa bình ở khu vực.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Báo Đất Việt, Vnexpress)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang