Tọa đàm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - 'chìa khóa' cho doanh nghiệp vượt khủng hoảng

author 09:08 25/11/2020

(VietQ.vn) - Ngày 25/11, tọa đàm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - "chìa khóa” cho doanh nghiệp vượt khủng hoảng sẽ được trực tuyến trên Chất lượng Việt Nam online.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

 

Vấn đề chất lượng đang trở thành yếu tố quan trọng tạo dựng sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) được triển khai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các DN bước vào giai đoạn hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế.

Với 7 tiêu chí khắt khe, GTCLQG đã được nhiều doanh nghiệp tiếp cận áp dụng và chính những tiêu chí này trở thành công cụ giúp DN củng cố vững chắc thêm cho hệ thống quản trị DN, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, từ đó đạt được những kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách ấn tượng.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác triển khai Giải thưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam với khả năng thích ứng, linh hoạt trong bối cảnh mới, vượt qua khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho phong trào chống dịch cũng như phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Nhằm tôn vinh những DN tiêu biểu đạt GTCLQG, đồng thời chia sẻ kết quả triển khai Giải thưởng năm 2020 cùng ý nghĩa của Giải thưởng và con đường chinh phục Giải thưởng này của DN Việt Nam trong bối cảnh mới, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - "chìa khóa” cho doanh nghiệp vượt khủng hoảng.

Chương trình có sự tham dự của các khách mời:

+ Ông Phùng Mạnh Trường– Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

+ Ông Lê Duy Anh – Tổng giám đốc Công ty CP Xuân Hòa Việt Nam

+ Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương

+ Ông Nguyễn Minh Quý – Giám đốc Công ty CP Quý Phát

 

MC: Thưa ông Phùng Mạnh Trường, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 đánh dấu điểm nhấn quan trọng trong việc triển khai Thông tư 27/2019/TT-BKHCN Quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Xin ông cho biết những điểm mới về giải thưởng tại quy định này?

Ông Phùng Mạnh Trường: Thông tư 27/2019/TT-BKHCN Quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xem là sự đổi mới đáng kể giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia Giải thưởng, đồng thời đẩy mạnh vai trò đồng hành của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển hoạt động này.

Các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 27a Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, tiến hành các bước sau: Chỉ định cơ quan thường trực GTCLQG để chủ trì tổ chức triển khai GTCLQG hằng năm trong phạm vi quản lý theo Kế hoạch tổ chức GTCLQG của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thành lập hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành, có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức xem xét, đánh giá các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành.

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. 

Thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 27b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành là đại diện Lãnh đạo bộ, ngành tổ chức sơ tuyển. Thư ký Hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành là đại diện cơ quan thường trực GTCLQG của bộ, ngành có tên trong danh sách các Ủy viên Hội đồng sơ tuyển được bộ, ngành thành lập.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 4 Điều 27a Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn là cơ quan thường trực GTCLQG tại địa phương.

Tổ chức, DN tham gia và đạt giải GTCLQG sẽ nhận được các quyền lợi như: Được phép thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về đơn vị mình, được sử dụng biểu tượng của GTCLQG trên sản phẩm, ấn phẩm của tổ chức, DN; được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; ưu tiên tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia về phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng. Ngoài ra, các tổ chức, DN đạt giải được các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khen thưởng theo quy định từ nguồn quỹ khen thưởng hằng năm.

Như vậy có thể thấy, Thông tư 27/2019/TT-BKHCN đã quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của các bên tham gia, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động của các bộ ngành, địa phương trong việc đề xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Đồng thời, quy định rõ hơn về quyền lợi, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng. Những điểm mới này góp phần khích lệ doanh nghiệp tham gia giải thưởng nhiều hơn.

MC: Trong quy định mới cũng quy định rất rõ thang điểm đánh giá doanh nghiệp, vậy thưa bà Nguyễn Thị Hương Liên, với 7 tiêu chí và điểm số rất cụ thể, với vai trò là doanh nghiệp đạt giải, bà đánh giá như thế nào về bộ tiêu chí của GTCLQG?

Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Khi xem xét kĩ các chỉ tiêu chi tiết, tôi nhận thấy đây là bộ tiêu chí rất tổng thể, toàn diện, khoa học, đánh giá bao trùm hoạt động doanh nghiệp, từ bộ máy lãnh đạo đến tư duy tổ chức. Từ việc quản lý, công tác nghiên cứu khoa học đảm bảo chất lượng hệ thống quản lý để xây dựng các tiêu chí giám sát, tổ chức, thực hiện và đánh giá kết quả sau khi thực hiện.

 Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Ngoài ra, còn có những tiêu chí đánh giá việc tham dự của doanh nghiệp vào công tác xã hội. Đặc biệt, tôi rất quan tâm về bộ tiêu chí quản lý tri thức, là hình thức rất mới đối với Việt Nam. Trên thế giới điều này không mới nhưng đối với Việt Nam, quản lý tri thức là vấn đề mới, các tiêu chí này vừa đánh giá được doanh nghiệp đã thực hiện như thế nào nhưng cũng có cái hay với những doanh nghiệp chưa áp dụng được sẽ biết mình nên làm gì trong tương lai, có thể phát triển bền vững hơn, đi cùng với định hướng phát triển của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển bền vững, bao trùm trong nước và vươn tầm quốc tế. Tôi cho rằng đây là bộ tiêu chí giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đánh giá và xây dựng những bước đi trong tương lai.

MC: Trong thang điểm đánh giá DN thông qua 7 tiêu chí của Giải thưởng, kết quả hoạt động là tiêu chí được đánh giá cao nhất (450 điểm), tiếp đó là vai trò của lãnh đạo (120 điểm). Theo ông, vai trò lãnh đạo quan trọng như thế nào đối với sự thành bại của một DN, thực tiễn tại Xuân Hòa như thế nào?

Ông Lê Duy Anh: Theo tôi, lãnh đạo mỗi công ty giống như thuyền trưởng của một con tàu. Chúng tôi vẫn luôn không ngừng nghỉ mỗi ngày để đưa con tàu Xuân Hòa vươn lên. Trong công ty, chúng tôi luôn luôn tự giác và nhận thấy lãnh đạo phải là tấm gương, là những người tiên phong để đưa con tàu Xuân Hòa ngày một phát triển. Tại công ty Xuân Hòa chúng tôi luôn nhắn gửi toàn bộ cán bộ, công nhân viên không ngừng phát triển, phấn đấu. Chúng tôi thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo cho cán bộ, công nhân viên để giúp toàn bộ nhân sự tại công ty luôn luôn hiểu được những giá trị cốt lõi, phương hướng phát triển và mục tiêu mà công ty đề ra.

Ông Lê Duy Anh – Tổng giám đốc Công ty CP Xuân Hòa Việt Nam. 

Công ty cũng áp dụng 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Nhờ áp dụng các tiêu chí của giải thưởng đã giúp công ty có những thay đổi khá lớn. Nhất là về năng suất và chất lượng sản phẩm của Xuân Hòa ngày một cao hơn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Nhờ Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp công ty tăng trưởng đến 23%/năm. Chúng tôi cũng không ngừng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để đạt được những con số tốt hơn.

MC: Thưa ông Nguyễn Minh Quý, việc đưa các giá trị chuẩn mực quốc tế về chất lượng vào 7 tiêu chí của GTCLQG được Quý Phát áp dụng như thế nào trong việc quản trị vận hành doanh nghiệp cũng như nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm?

Ông Nguyễn Minh Quý: Trước tiên, chúng ta phải khẳng định 7 tiêu chí của GTCLQG rất khoa học và chặt chẽ, giúp mỗi doanh nghiệp có thể kiểm tra, rà soát quy trình quản trị về nguồn nhân lực, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng… Đồng thời, tiêu chí giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh, khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường.

 Ông Nguyễn Minh Quý - Giám đốc Công ty Quý Phát.

Đối với 7 tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được Công ty Quý Phát áp dụng là minh chứng cho khách hàng, người tiêu dùng được nhận thấy chất lượng sản phẩm thực sự của doanh nghiệp. Bên cạnh đó việc áp dụng 7 tiêu chí GTCLQG còn đảm bảo, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, là động lực để Công ty hoàn thiện hơn về mọi lĩnh vực quản trị cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm.

MC: Cùng với các Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tại địa phương, Hội đồng sơ tuyển của các Bộ ngành sẽ có vai trò như thế nào trong việc tìm kiếm, lựa chọn DN tiêu biểu tham gia xét giải thưa ông Trường?

Ông Phùng Mạnh Trường: Như tôi đã đề cập, trong nội dung Thông tư 27 có điểm mới nhấn mạnh sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành trong hoạt động GTCLQG. Trước đây, Hội đồng Quốc gia có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, tuy nhiên, sự tham gia này chỉ là hoạt động rất cụ thể. Với Thông tư 27, sự tham gia của các Bộ, ngành nhiều hơn, ngay từ khâu đề xuất, giới thiệu doanh nghiệp.

Bộ, ngành cũng có quyền tham gia vào quá trình xét giải thông qua việc thành lập Hội đồng sơ tuyển cấp Bộ, ngành, đề xuất các doanh nghiệp được xét giải lên Hội đồng Quốc gia, Bộ KH&CN, sau đó trình Thủ tướng ký quyết định trao tặng. Vai trò của Bộ ngành theo Thông tư mới sẽ nhiều hơn, tích cực hơn, chủ động hơn so với quy định cũ.

MC: Thưa ông Trường, GTCLQG những năm gần đây tôn vinh rất nhiều DN nghìn tỷ, đó là những mô hình tiêu biểu về ứng dụng KHCN, áp dụng các HTQL, công cụ cải tiến NSCL. Theo ông, nền tảng từ 7 tiêu chí GTCLQG có vai trò như thế nào đối với thành công của các DN này?

GTCLQG của Việt Nam nói riêng và các giải thưởng ở quy mô quốc tế nói chung đều không phân biệt đối tượng tham dự. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô nhỏ hay vừa, lớn đều có thể tham dự.

Tuy nhiên, khi triển khai GTCLQG có phân loại để việc tham dự phù hợp với tất cả các đối tượng doanh nghiệp, xét trên đặc thù riêng biệt của mỗi doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn thì điều kiện sản xuất sẽ khác sau. Do đó, khi xét qua “lăng kính” 7 tiêu chí GTCLQG cũng thể hiện khác nhau, doanh nghiệp lớn khi đánh giá qua 7 tiêu chí sẽ thể hiện rõ nét hơn. Quá trình tiếp cận 7 tiêu chí của doanh nghiệp nhỏ khó khăn hơn doanh nghiệp lớn chứ chưa nói đến việc vận hành, duy trì thực hiện theo 7 tiêu chí.

Khi áp dụng 7 tiêu chí, chúng tôi thấy rằng, 7 tiêu chí giống như tấm gương phản chiếu để doanh nghiệp tự soi lại mình, tự hoàn thiện mình. Lợi ích đầu tiên doanh nghiệp nhận được khi tham gia giải thưởng chính là thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá của các hội đồng, chuyên gia. Thông qua quá trình đánh giá, doanh nghiệp có thể nhận thấy điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó hoàn thiện mình.

Tóm lại, 7 tiêu chí là chuẩn mực, mục tiêu để doanh nghiệp hướng tới. Đây là chặng đường lâu dài và doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn) có thể sẽ mất cả đời để hoàn thiện và chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.

MC: Thưa quý vị và các bạn, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid -19 có diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác triển khai Giải thưởng. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam với khả năng thích ứng, linh hoạt trong bối cảnh mới, vượt qua khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho phong trào chống dịch cũng như nâng cao năng suất chất lượng tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Thưa ông Phùng Mạnh Trường, 2020 là năm đặc biệt bởi diễn biến dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ông nhận định như thế nào về những thách thức và khả năng ứng biến của DN Việt Nam trước bối cảnh này, đăc biệt là các DN đạt GTCLQG năm nay?

Ông Phùng Mạnh Trường: Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhìn chung, các doanh nghiệp của Việt Nam tham dự Giải thưởng CLQG đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp Việt vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động (dựa trên con số báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng gần nhất). Có một số doanh nghiệp bị chững lại, tuy nhiên, mức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức tốt.

Thông qua khó khăn mà đại dịch gây ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp vẫn nhìn thấy niềm tin vào hệ thống quản trị mà họ triển khai, vận hành. Đây là vấn đề cốt lõi. Và đa số doanh nghiệp có thể có sự chuẩn bị, thậm chí lường trước khó khăn, rủi ro mà họ có thể gặp phải.

Để ý kỹ có thể thấy, trong tiêu chí của GTCLQG có những vấn đề cốt lõi đã được đề cập cách đây 20-30 năm, ví dụ như quản lý trị tri thức, quản trị rủi ro. Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt, nghiêm túc những vấn đề này thì trước biến động thị trường, rủi ro từ dịch bệnh, bão lũ đều có thể đối phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực. Những rủi ro có thể nằm trong kịch bản mà doanh nghiệp đã dự liệu, chuẩn bị. Thực tế cho thấy, dù là khó khăn từ dịch bệnh hay các yếu tố khách quan khác thì một số doanh nghiệp vẫn đứng vững nhờ vào hệ thống quản trị của họ.

MC: Là DN hoạt động trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, trước cơn bão covid-19, Sao Thái Dương đã có những phương án như thế nào để vẫn duy trì tốt sản xuất kinh doanh và có những tăng trưởng khá về mặt doanh số, thưa bà Liên?

Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam và thế giới rất sâu rộng. Ngay từ tháng 12/2019, chúng tôi luôn cập nhật thông tin dịch bệnh. Trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch toàn cầu, chúng tôi đã có trao đổi với chuyên gia, tổ chức hội thảo để có thể lường trước rằng đại dịch có sự ảnh hưởng, lây lan nghiêm trọng. Sau Tết, chúng tôi đã có cuộc họp ban lãnh đạo công ty, bắt tay sản xuất các sản phẩm phục vụ việc phòng chống dịch: gel rửa tay, nước xúc miệng… Ngoài ra cũng có sự kết nối với các nhà khoa học, tiếp cận rất nhiều nhà khoa học từ sinh học phân tử - Trường Đại học Bách khoa và Cục kiểm định vắc-xin và sinh phẩm quốc gia.

Cùng lúc đó chúng tôi khởi động hợp tác với hai nhóm nghiên cứu và bắt tay xây dựng nhà xưởng trong thời gian này. May mắn là mọi người đều hào hứng bắt tay làm việc, chúng tôi phát triển và thành công 2 mẫu xét nghiệm Covid-19 đều có kết quả lâm sàng tốt. Mình có sẵn hệ thống quản lý, nhân sự để có thể hiểu được quá trình làm việc, liên kết với các nhà khoa học tạo ra sản phẩm quốc tế, đó là thành quả của việc tổ chức quản lý nhân sự, hệ thống, tri thức và kiểm soát chất lượng. Đó là kết quả của sự phấn đấu sau 20 năm.

MC: Điểm nhấn của Xuân Hòa trong năm 2020 là mặc dù thị trường gặp khó khăn bởi dịch bệnh nhưng Công ty vẫn phát triển mạng lưới phân phối trong nước cũng như tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu. Đâu là lý do để Xuân Hòa đạt được những kết quả ấn tượng như vậy?

Ông Lê Duy Anh: Chúng tôi đã xây dựng được nền tảng về tổ chức sản xuất kinh doanh của mình nhiều năm rồi và chúng tôi tập trung vào giá trị cốt lõi, tạo ra những sản phẩm chất lượng không chỉ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam mà cả các tiêu chí quốc tế.

Công ty xác định ngay từ đầu về mục tiêu chất lượng nên sản phẩm càng ngày càng được khách hàng tin dùng. Năm nay do ảnh hưởng của Covid, chiến tranh thương mại nên nhiều khách hàng đã chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Xuân Hòa cũng đón nhận làn sóng này. Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng chúng tôi cũng may mắn tăng trưởng, đặc biệt là mảng xuất khẩu chúng tôi tăng trưởng đến 30%. Bởi vì có những khách hàng từ Mỹ chuyển những đơn hàng từ Trung Quốc sang và sau nhiều lần làm việc với nhau, kéo dài đến 8 tháng khách hàng đã chính thức đặt đơn hàng với chúng tôi và đó là một đơn hàng rất lớn.

Để có được đơn hàng của các công ty nược ngoài như vậy đòi hỏi chất lượng rất khắt khe. Do vậy để đáp ứng yêu cầu của họ chúng tôi phải lấy chất lượng sản phẩm làm trọng tâm. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng Xuân Hòa mà với các doanh nghiệp sản xuất khác chúng ta cứ quyết tâm là sẽ làm được thôi. Tôi tin rằng các doanh nghiệp của Việt Nam đều sẽ cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài.

MC: Thế mạnh của Công ty CP Quý Phát là gì? Hoạt động ở lĩnh vực gia dụng thì việc nâng cao chất lượng được DN quan tâm như thế nào trước áp lực cạnh tranh rất lớn từ rất nhiều công ty cùng lĩnh vực khác?

Ông Nguyễn Minh Quý: Thế mạnh của Quý Phát trước tiên là đội ngũ phát triển sản phẩm hùng hậu; thứ 2 là chuỗi nhà cung ứng tốt; hệ thống phân phối, kênh phân phối trải dài khắp Việt Nam; đặc biệt là Quý Phát có lịch sử hình thành và phát triển 10 năm trên thương trường.

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, Quý Phát cũng tự tin tham gia GTCLQG để cho mình định hướng, mục tiêu hoàn thiện mình, xây dựng doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

MC: Năm 2020, lần đầu tiên Công ty CP Sao Thái Dương tham gia GTCLQG và Chi nhánh Hà Nam của Sao Thái Dương đã đạt được Giải Vàng CLQG. Xin bà cho biết yếu tố chất lượng được thể hiện như thế nào tại Sao Thái Dương?

Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Chúng tôi là những người có chuyên môn, khi mình có những sáng chế riêng, tạo ra sản phẩm thì đều là những nhà khoa học đi làm doanh nghiệp. Ngay từ những sản phẩm đầu tiên chúng tôi luôn cố gắng là những sản phẩm tốt nhất, và ngay từ bước đầu chúng tôi đã xác định như vậy. Tất cả những sản phẩm sau này chúng tôi luôn xác định từng bước thật chậm nhưng luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất, sao cho hài lòng khách hàng khó tính nhất. Những gì chưa đạt kết quả tốt, chưa thỏa mãn, chúng tôi luôn cố gắng thay đổi từng ngày, từng giờ và tất cả mọi người đều cảm thấy đó là trách nhiệm của mình đối với từng sản phẩm.

MC: Lần thứ 2 tham gia GTCLQG, ông có nhận định như thế nào về lợi ích của Giải thưởng này đối với sự phát triển của DN?

Ông Nguyễn Minh Quý: Phải khẳng định rằng GTCLQG là kim chỉ nam, chuẩn mực, thước đo cho doanh nghiệp hoàn thiện và hướng tới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Đồng thời, GTCLQG giúp các doanh nghiệp định hướng cho mình tư duy và phát triển bền vững.

Lần thứ 2 tham gia GTCLQG đối với Quý Phát thức sự là vinh dự lớn, đây là kết quả nỗ lực 10 năm của Quý Phát. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho Công ty được quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường hơn nữa, giúp người tiêu dùng nhận biết rộng rãi hơn, đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng ngày một cao, khắt khe hơn với chất lượng sản phẩm.

MC: Việc áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến (Lean, Kaizen, 5S, TPS) ở Xuân Hòa đã mang lại hiệu quả như thế nào trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như sự tăng trưởng của Công ty?

Ông Lê Duy Anh: Tôi thấy các công cụ cải tiến áp dụng ở công ty mình rất hiệu quả. Nhờ áp dụng các công cụ cải tiến, sự tiến bộ của công ty chúng tôi có thể nhìn thấy từng ngày. Kết quả được ghi nhận trong từng sản phẩm, từng đơn hàng của Xuân Hòa. Từ đây tạo ra cho công ty niềm tin và động lực giúp công ty tiếp tục trên con đường mình đã chọn.

Mặc dù ban đầu khi áp dụng các công cụ cải tiến công ty cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi trước đây chúng tôi vẫn vận hành theo những thói quen cũ. Khi áp dụng những phương pháp mới, nhiều bộ phận cũng bỡ ngỡ và phải trải qua quá trình đào tạo bài bản. Với ban lãnh đạo Xuân Hòa chúng tôi rất quyết liệt việc áp dụng các công cụ cải tiến, thế nên công ty mới có được những kết quả như ngày hôm nay.

MC: So sánh hiệu quả trước và sau áp dụng các công cụ và hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với việc áp dụng 7 tiêu chí của Giải thưởng đã mang lại sự thay đổi như thế nào đối với DN?

Ông Lê Duy Anh: Thông qua việc áp dụng các công cụ tăng năng suất chúng tôi có kết quả ấn tượng. Năng suất lao động tăng bình quân 1 năm là 15%. Đặc biệt năm 2019 là 23%. Tôi đánh giá đây là một tín hiệu rất tốt. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Ghi nhận là số hàng phải bảo hành từ các đại lý gửi về theo mục tiêu chúng tôi đề ra năm sau giảm 50% so với năm trước. Khi tiến hành áp dụng bộ tiêu chuẩn TPS chúng tôi đã quyết tâm phải đạt được các tiêu chí và hiện tại chúng tôi đã được khách hàng ghi nhận. Đối với doanh nghiệp, khi đạt được các thành tựu thì chi phí sản xuất cũng giảm và hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng.

Các công cụ tăng năng suất ở Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng và thông qua Giải thưởng chất lượng Quốc gia tôi nghĩ sẽ có càng nhiều doanh nghiệp ý thức nhiều hơn để làm sao có được hệ thống doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm chất lượng cho thị trường và thậm chí đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Và tương lai, tôi tin các sản phẩm của Việt Nam sẽ cạnh tranh được những sản phẩm thế giới và chinh phục các thị trường khó tính trên toàn cầu.

MC: Chất lượng là yếu tố tiên quyết quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thưa bà Liên yếu tố chất lượng, đặc biệt là việc ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng vào quy trình sản xuất để có những sản phẩm đạt chuẩn chất lượng được DN quan tâm như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hương Liên: Là doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, chúng tôi luôn tập trung và dành kinh phí cho nghiên cứu khoa học. 90% các sản phẩm đều xuất phát từ thành tựu nghiên cứu khoa học, chính vì thế mà hàm lượng trí tuệ trong từng sản phẩm rất cao, đi kèm là đổi mới sáng tạo. Đột phá duy trì chất lượng từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi cho ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đảm bảo kì vọng của doanh nghiệp, từng khâu phải được giám sát chi tiết. Hàng chục năm nay, chúng tôi giám sát chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO, đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Khi chúng tôi xây dựng đội ngũ nghiên cứu, chúng tôi cũng mời các chuyên gia châu Âu, Mỹ sang nhà máy tư vấn, kiểm tra đánh giá và đều nhận xét tốt. Khi áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc tế, khá tương đồng với bộ tiêu chí đánh giá Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Việt Nam, chúng tôi rất vui và tự tin có thể có được lòng tin của khách hàng, vững vàng vượt qua khó khăn của môi trường kinh doanh liên tục thay đổi, vững bước trong tương lai.

MC: Giải thưởng Chất lượng là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý, qua đó không ngừng hoàn thiện để phát triển. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này từ thực tiễn của Quý Phát trong năm 2020?

Ông Nguyễn Minh Quý: GTCLQG với 7 tiêu chí là công cụ giúp Quý Phát nói riêng và toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam nói chung rà soát lại các quy trình của doanh nghiệp mình, xây dựng kế hoạch bài bản, phù hợp nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế thời đại 4.0.

Nhân đây, tôi cũng mong muốn nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng ứng và mạnh dạn tham gia GTCLQG nhiều hơn. Bởi đây là cơ hội giúp mỗi doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chuẩn mực quốc tế, từ đó cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau vươn ra biển lớn, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

MC: GTCLQG đề cao các DN áp dụng HTQLCL, công cụ cải tiến và coi trọng những đóng góp phong trào nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành, địa phương. Thưa ông Trường, ông nhìn nhận như thế nào về kết quả GTCLQG năm nay? Tổng cục TCĐLCL có những định hướng gì để các DN Việt Nam có cơ hội nhiều hơn nữa đồng hành cùng GTCLQG và cao hơn là Giải thưởng Chất lượng Châu Á- TBD?

Ông Phùng Mạnh Trường: Phần lớn các doanh nghiệp khi tham gia GTCLQG ban đầu chỉ nghĩ đó là hình thức tôn vinh. Nhiều doanh nghiệp sau khi đoạt giải cũng chỉ nghĩ những hệ thống khi tham dự giải mà doanh nghiệp áp dụng sau đó sẽ không duy trì nữa. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp theo hệ thống quản trị, tiêu chí giải thưởng rất quan trọng.

Bản thân trong Thông tư 27 chúng tôi cũng đính hướng doanh nghiệp rằng mục đích không chỉ là tôn vinh mà sử dụng tiêu chí giải thưởng để hướng tới mục tiêu cao cả hơn là nâng cao hiệu quả doanh nghiệp thông qua hệ thống, công cụ cải tiến NSCL. Bản thân các tiêu chí chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều từ chuẩn mực thế giới để có thể giúp đỡ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Ví dụ như Xuân Hòa hiện đang sử dụng nhiều công cụ như 5S, Kaizen và vẫn duy trì trong sản xuất cho đến giờ.

Năm 2020, chúng tôi cũng tổ chức khóa đào tạo từ chuyên gia quốc tế cho doanh nghiệp về các tiếp cận giải thưởng, trong năm nay mục tiêu sẽ có 3 lớp để giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn nữa về giải thưởng cũng như mục tiêu cao cả, lâu dài mà giải thưởng hướng đến.

 Ông Trần Văn Dư - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Tổng biên tập VietQ tặng hoa các vị khách mời tham gia chương trình.

MC: Thưa quý vị và các bạn!

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Giải thưởng Chất lượng quốc gia được coi như công cụ tự đánh giá tiên tiến trên cơ sở đối sánh hoạt động của mình với các tiêu chí, để đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, xác định những thành tựu và điểm yếu, cơ hội thành công và nhiệm vụ cho tương lai, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến và hoàn thiện thích hợp với mô hình của doanh nghiệp mình, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và hướng tới sự phát triển bền vững.

Cảm ơn những chia sẻ từ các khách mời tham gia chương trình hôm nay.

Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và các bạn.

Xin chào và hẹn gặp lại!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tọa đàm: Thúc đẩy phong trào năng suất, nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi sốNâng cao năng suất chất lượng trên nền tảng chuyển đổi số đang được xem là chìa khóa mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Nội dung này sẽ được các khách mời chia sẻ tại tọa đàm "Thúc đẩy phong trào năng suất, nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang