Triển khai tháng cao điểm kiểm tra hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm

author 09:08 22/04/2021

(VietQ.vn) - Từ nay đến 15/5/2021 các Bộ, ngành và địa phương triển khai tháng cao điểm kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ nay đến 15/5/2021 các Bộ, ngành và địa phương sẽ triển khai tháng cao điểm kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về an toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ảnh minh họa 

Trước đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, không công bố sản phẩm theo quy định vẫn diễn ra phức tạp đòi hỏi các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ.

Chỉ tính riêng giai đoạn cao điểm kiểm tra đầu năm vừa qua tại thành phố lớn như Hà Nội đã phát hiện và xử lý 4.311 vụ, tổng tiền phạt gần 9 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 49.128 cơ sở, xử phạt 4.394 cơ sở, số tiền phạt thu về Ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ đồng...

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm chỉ ra có tình trạng cố tình vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, buôn lậu, làm hàng giả là thực phẩm vẫn còn ở một số nơi mà người sản xuất kinh doanh chưa có ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm nên cần các lực lượng chức năng điều tra như Công an, Hải quan... để tăng cường kiểm soát thực phẩm nhất là các thực phẩm thẩm lậu qua biên giới.

Bên cạnh đó, việc xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sỏ nhỏ lẻ tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở này thường xuyên biến động, không có địa chỉ kinh doanh cố định, rõ ràng, tỷ lệ nhắc nhở vẫn còn cao, chiếm 73,9% so với số cơ sở vi phạm.

Mặt khác việc kiểm nghiệm chỉ tiêu hàn the đối với nhóm thực phẩm từ ngũ cốc như thực phẩm chay hiện nay không có đơn vị nào được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định kiểm nghiệm chỉ tiêu này do đó đã gây khó khăn cho việc xác định yếu tố pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang