Vì sao ông Bá Thanh được nhiều người dân yêu mến?

author 09:08 14/02/2015

(VietQ.vn) - Đà Nẵng từ một địa phương nghèo đã trở thành một thành phố hiện đại, văn minh bậc nhất của cả nước. Người dân yêu mến ông Nguyễn Bá Thanh cũng vì vậy…

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương lâm bệnh hiểm nghèo nên đã trút hơi thở cuối cùng lúc 13g10p ngày 13/2 tại nhà riêng của ông, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Vẫn biết là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, nhưng sự ra đi của ông Thanh trong lúc này khiến cho nhiều người đau xót. Tại nhà ông Thanh, dòng người kéo đến đông nghịt. Người dân đứng kín trước cổng nhà, đứng cả bên kia đường để tiễn biệt, đu bám trên bức tường để nhìn vào bên trong, mặc cho cái nắng chang chang những ngày cuối tháng Chạp. Nhiều người rút điện thoại để báo tin cho người thân của mình rằng ông Thanh đã qua đời.

ông nguyễn bá thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh Đ. Nam (Tuổi trẻ)

Là một cán bộ cũng như biết bao người cán bộ khác nhưng ông Thanh lại được rất nhiều người dân, đặc biệt là nhân dân Đà Nẵng yêu mến. Câu trả lời thật đơn giản – vì ông Bá Thanh đã làm được nhiều việc tốt cho thành phố Đà Nẵng, cho người dân thành phố biển xinh đẹp này.

“Đừng nói nhiều, hãy làm đi!”, đó là thông điệp gắn với hình ảnh Nguyễn Bá Thanh - người đàn ông đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Nẵng. 

Chất lượng Việt Nam xin điểm lại một số việc làm nổi bật của ông Nguyễn Bá Thanh ngày ông còn làm lãnh đạo Đà Nẵng. Qua đó để bạn đọc cả nước hiểu hơn lí do vì sao người dân Đà Nẵng lại yêu mến ông Bá Thanh đến vậy.

Từng nhịn ăn đi học

Sinh năm 1953 tại một vùng quê nghèo ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh là con nông dân, có lúc phải nhịn ăn mà đi học, dùng bút tre mà viết (như ông đã bộc bạch trong cuộc nói chuyện với 176 trẻ em hư ở Đà Nẵng). Ông Nguyễn Bá Thanh thừa hưởng tính quyết liệt, bộc trực, sẵn sàng tranh luận đến cùng để tìm ra chân lý của người miền Trung, và liều chết “bắn đến viên đạn cuối cùng” của người cha đã sớm hy sinh trong một trận chiến khi ông còn nhỏ.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, chức đầu tiên của ông Nguyễn Bá Thanh là làm anh chủ nhiệm hợp tác xã nghèo Hòa Nhơn. Những thành công do tính sáng tạo dám nói dám làm của anh chủ nhiệm đã đưa ông Nguyễn Bá Thanh lên vị trí Phó Bí thư huyện ủy Hòa Vang, rồi Giám đốc nông trường chè Quyết Thắng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng năm 1996, khi ông Nguyễn Bá Thanh được giao giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chưa ai hình dung được rằng đó là một vận may cho thành phố mờ nhạt ven biển này.

Quyết liệt với năm "không" và ba "có"

Nhắc đến Đà Nẵng, người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của thành phố trong suốt những năm qua. 5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Qua 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được vô cùng mỹ mãn.

thành phố đà nẵng

Đà Nẵng hiện đại, văn minh như hôm nay nhờ công sức rất lớn của ông Nguyễn Bá Thanh

Sau khi "5 không" đã ổn, Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình "3 có" - Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở.

Ở Đà Nẵng, tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trong TP, người ra vào đều được giữ xe miễn phí. Ngân sách TP sẽ chi trả khoản này. Với 2.000 đồng/lượt gửi xe máy miễn phí thì có gì phải nói, nhưng với người nghèo thì khác, có người nhà nằm viện ngày ra vào hàng chục lượt, 1 tháng tiền gửi xe cũng là một khoản không nhỏ. Với người nghèo bị suy thận, hàng tuần đôi ba lượt phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, họ lấy tiền đâu mà chữa bệnh.

Cảm thông khó khăn đó của người dân, năm 2011, TP đã cấp ngân sách cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mua 10 máy chạy thận, và người nghèo sẽ được chữa trị miễn phí 100%. Có ai đếm được niềm vui của người bệnh được cứu tính mạng từ một chính sách xã hội nhân bản như thế.

Trong cuộc đối thoại với hơn 4.500 cán bộ xã phường năm 2011, ông nói: phải đi tìm người giỏi mà bổ nhiệm, chứ không phải đợi người ta đến nhà cho cái nọ cái kia rồi mới bổ nhiệm thì như thế là hại dân hại nước. “Tôi xin nói thật là những ai làm việc được thì không bao giờ chạy chọt đâu”. Trong những vụ việc thất thoát ngân sách lớn như Vinashin, trong khi nhiều quan chức có trách nhiệm thì lờ đi hoặc thờ ơ thì ông tỏ thái độ phản đối rất rõ ràng và quyết liệt.

Từ chỗ thờ ơ, người dân Đà Nẵng dần tin ông khi những mục tiêu ấy hoàn thành, và du khách có thể bắt gặp bất kỳ đâu trên đường phố những dân nghèo thành thị ca ngợi ông hết lời vì đã quan tâm cải thiện phận nghèo của họ.

“Nói không” với tệ nạn

Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn trên toàn quốc đang phải “vật vã” với tệ nạn đua xe trái phép và coi đó là vấn đề nan giải và chưa tìm ra cách giải quyết triệt để, thì đối với Đà Nẵng chuyện này lại trở thành chuyện nhỏ.

Ông Thanh tâm sự “Chúng tôi không phải thức khuya, thức đêm để ngăn chặn nạn đua xe. Với Đà Nẵng, nếu đua xe sẽ bị tịch thu phương tiện bán và xung công quỹ để ủng hộ người nghèo, không có chuyện phạt, gọi điện hay nhờ vả xin xỏ. Đã nhiều lần Quốc hội chất vấn tôi và cho rằng Đà Nẵng làm sai luật, nhưng tôi đặt câu hỏi lại các đại biểu là đã có luật nào cho phép đua xe?. Đua xe không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ đua mà còn gây nguy hại cho những người xung quanh nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh tay và đến cùng. Và thế là Đà Nẵng đã từ lâu không bao giờ có tệ nạn đua xe”.

Với người nghiện ma túy, khi phát hiện Đà Nẵng kiên quyết đưa đi tập trung cai nghiện mà không để ngoài xã hội nên đã tránh được nhiều tệ nạn, móc túi, cướp giật và đặc biệt là cướp của giết người. Không những thế, chính quyền Đà Nẵng còn treo thưởng cho những ai phát hiện ra người nghiện hút chích ngoài đường sẽ được thưởng tiền. Nhưng hình như kể từ khi đề ra quy định này vẫn chưa có ai được thưởng bởi dù người dân “lọ mọ” đến mấy thì cũng khó có ai phát hiện ra người nghiện ngoài đường.

Với vấn đề bạo hành trong gia đình, Đà Nẵng đã có sáng kiến có một không hai đó là đích thân Bí thư thành ủy ký giấy mời và đứng ra gặp hơn 130 ông chồng hay đánh vợ đến để khuyên nhủ. Sau khi được đích thân Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh ân cần tâm sự và khuyên nhủ thì tất cả các ông chồng trên đều tự nguyện ký vào cam kết sẽ không đánh vợ nữa. Bên cạnh đó, các bà vợ hay bị chồng ngược đãi cũng được các cấp hội phụ nữ thành phố tư vấn cách ứng xử làm thế nào để giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ có những chính sách đặc biệt đó mà việc bạo hành trong gia đình tại Đà Nẵng đã giảm rõ rệt. 

Một việc làm khá khó và vô cùng tế nhị đó là giáo dục trẻ em chậm tiến thì cách làm của Đà Nẵng cũng khá độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà. Theo ông Thanh giải thích, đó là thành phố muốn các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời. Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.

Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay mà ông Thanh cho rằng đó chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ”. Nhưng với những việc làm đặc biệt kể trên cùng với những chính sách “hổng giống ai” như: không tuyển công chức học tại chức, không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện, không cho bán hàng bên bờ biển, vận động thành công Nhà nước và nhân dân cùng làm các công trình công cộng, đối thoại định kỳ với các tổ chức tôn giáo, đi tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hay kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy để quyết tâm trờ thành thành phố xanh sạnh đẹp, vì môi trường... cùng biết bao việc làm có ý nghĩa khác không thể kể hết ra đây, thì “ba cái chuyện lẻ tẻ” đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập để sao cho mỗi người dân khi nói về quê hương của mình đều ánh lên vẻ tự hào như Đà Nẵng đã làm được ngày hôm nay.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang