Việt Nam thể hiện nhiều nỗ lực, EU vẫn để ngỏ khả năng rút lại 'thẻ vàng'

author 15:07 26/03/2018

(VietQ.vn) - Mặc dù phía Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực nhưng EU vẫn để ngỏ khả năng sẽ rút lại 'thẻ vàng' với thủy sản của nước ta.

Nhiều bộ ngành và điạ phương đồng loạt vào cuộc

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Theo cảnh báo này, trong khoảng thời gian từ 23/10/2017 đến 23/4/2018, nếu Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót theo khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì EC sẽ rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa việc các mặt hàng thủy sản của Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu.

Nhận rõ tính chất cấp bách của vụ việc, thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã có những hành động hết sức quyết liệt để các nước trên thế giới thấy rằng Việt Nam không dung túng, làm ngơ cho khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm bảo đảm việc khai thác thủy sản có trách nhiệm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh đã ban hành các biện pháp nhằm xử lý mạnh việc khai thác IUU. Riêng tại tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch kiểm tra 100% tàu cá xuất/nhập bến theo khuyến cáo của EC.

Mục tiêu của kế hoạch là 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thực tế khi tàu xuất bến, chú trọng tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng cá sông Gianh, Nhật Lệ; kiểm tra, thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ; 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác theo khuyến nghị của EC cùng với việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trên biển.

Tại Kiên Giang, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác, 10% sản lượng lên bến của tàu vận chuyển nước ngoài nhập thủy sản nguyên liệu vào Kiên Giang. Ngày 25 hằng tháng, công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm về chống khai thác IUU, cập nhật danh sách tàu cá, chủ tàu và địa phương có tàu cá vi phạm.

Đồng thời, không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm; tàu cá bị bắt giữ nếu được chuộc, được thả hoặc trốn về nước bị tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Liên minh châu Âu EU để ngỏ khả năng rút lại thẻ vàng với thủy sản Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tài chính 

Buộc chủ tàu cá và thuyền trưởng khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị liên lạc 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của chi cục thủy sản…

Tại Khánh Hòa, khi tàu cá về cảng, Chi cục Thủy sản tỉnh cử cán bộ đến tận cảng để lấy thông tin. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, Chi cục sẽ không cấp phép và không cho tàu đó hưởng các chính sách của Nhà nước. Nếu tàu cá tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn…

EU vẫn bỏ ngỏ khả năng rút lại “thẻ vàng”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc hội đàm với Cao ủy Liên minh châu Âu (EU), ông Karmenu Vell - phụ trách môi trường, hàng hải và thủy sản tại trụ sở EC ở Brussels, Vương quốc Bỉ.

Trong buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã dành thời gian trao đổi về nội dung liên quan đến các biện pháp, hành động của Việt Nam thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Cụ thể, sau khi bị EC áp “thẻ vàng”, chúng ta đã tập trung các chương trình hành động một cách quyết liệt và đồng bộ. Về  việc hoàn thiện thể chế, chúng ta đưa 9 nội dung mà EC khuyến nghị về IUU vào trong Luật Thủy sản (sửa đổi) nhằm xây dựng ngành khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức của các đối tượng tham gia quản lý và khai thác trong lĩnh vực thủy sản (người dân, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền địa phương đến các bộ ngành liên quan).

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập một tổ công tác trong đó Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trực tiếp là tổ trưởng, phối hợp với các thành viên khác, bộ ngành khác để đôn đốc các địa phương thực hiện cho được những nội dung EC khuyến cáo.

Tại buổi làm việc, phía EU cũng ghi nhận những kết quả bước đầu của Việt Nam, đánh giá cao chương trình hành động do Bộ NN&PTNT lập ra nhằm triển khai các biện pháp cấp bách để giải quyết vấn đề thẻ vàng được đưa ra từ tháng 10/2017. Tuy nhiên, phía EU cho rằng trong thời gian tới vẫn còn nhiều vấn đề mà Việt Nam phải tiếp tục thực hiện tích cực hơn để đạt những kết quả đích thực và bền vững.

Một điểm quan trọng nữa là việc hai bên thống nhất các phương pháp để từ nay đến khi EU cử đoàn sang kiểm tra các kết quả mà chúng ta đã đạt được cũng như việc phối hợp trong giai đoạn sau, trên cơ sở đó hai bên sẽ thống nhất lộ trình, cách thức để cùng theo dõi sát thực tế tình hình, không để xảy ra tình trạng mỗi bên hiểu theo một cách.

Về khả năng EC rút lại thẻ vàng đối với thủy sản việt Nam trong lần đánh giá 6 tháng đầu tiên, đại diện EU cho biết thời điểm hiện tại, EC chưa thể nói trước được bất kỳ điều gì về quyết định cuối cùng đối với trường hợp thẻ vàng của Việt Nam. Mọi hành động mà phía Việt Nam đã tiến hành để khắc phục những bất cập đã dẫn đến thẻ vàng sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng. Khả năng thu hồi thẻ vàng chỉ có thể trở thành hiện thực nếu tất cả các vấn đề đã nêu được khắc phục đầy đủ.

Phong Lâm

Khẩn trương khắc phục 'thẻ vàng', tạo điều kiện cho thủy sản Việt 'xuất ngoại'(VietQ.vn) - Ngư dân và cơ quan chức năng nhiều địa phương đang tích cực thực hiện giải pháp khắc phục 'thẻ vàng' của EU đối với thủy sản Việt Nam.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang