Khẩn trương khắc phục 'thẻ vàng', tạo điều kiện cho thủy sản Việt 'xuất ngoại'

author 09:00 16/01/2018

(VietQ.vn) - Ngư dân và cơ quan chức năng nhiều địa phương đang tích cực thực hiện giải pháp khắc phục 'thẻ vàng' của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Theo cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU), trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018, nếu Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót, tồn tại theo khuyến nghị của EU thì Liên minh này sẽ rút “thẻ đỏ” với thủy sản Việt Nam. Kịch bản trên đồng nghĩa việc các mặt hàng thủy sản của Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang EU.

Chính từ sự bức thiết này, ngư dân và cơ quan chức năng nhiều địa phương đã ráo riết tuân thủ khắc phục khuyến cáo của EU. Trong đó, nhiều chủ tàu cũng tích cực cập nhật thông tin, tình hình về khắc phục “thẻ vàng” và không khai thác hải sản bất hợp pháp, nhất là khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài.

Tại Đà Nẵng, thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EU về IUU, trong thời gian qua, các đơn vị liên quan đã phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền các quy định đến chủ tàu cá. Bộ đội Biên phòng Thành phố đã nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trên biển, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển và không xâm phạm vùng biển của các nước…

Sở NN&PTNT đã tuyên truyền, quán triệt các chủ tàu cá khai thác trên biển không khai thác thủy sản mà không có giấy phép khai thác thủy sản, hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác thủy sản; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản theo quy định; khai thác trong vùng cấm khai thác trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển hoặc đưa lên tàu các loài thủy sản cấm khai thác; sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; khai thác trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc gia khác mà không có giấy phép khai thác hợp lệ…

Các giải pháp khắc phục cảnh báo 'thẻ vàng' của EU đối với thủy sản Việt Nam đang được triển khai tích cực. Ảnh: VTV 

Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, Sở NN&PTNT yêu cầu lập hồ sơ đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định; đồng thời, không thu mua các sản phẩm thủy sản khai thác có nguồn gốc từ các tàu cá có hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Thành phố không xác nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với kê khai trong giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá khai thác bất hợp pháp; không chứng nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với kê khai trong hồ sơ hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá khai thác bất hợp pháp.

Tại Bình Thuận, hiện tỉnh có khoảng 1.575 tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, ý thức của ngư dân còn hạn chế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nước ta và tôn trọng chủ quyền vùng biển của các nước tiếp giáp…

Để ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, tỉnh Bình Thuận đang ra sức thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng vi phạm một cách quyết liệt.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động từ khi xuất bến ra ngư trường khai thác hải sản đến khi nhập bến, chú trọng tàu cá có công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ; Thu hồi giấy phép khai thác thuỷ sản, chứng chỉ thuyền, máy trưởng và tạm dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 6 tháng đối với tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thả về;

Không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản vĩnh viễn, không cho đăng ký mới đối với chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý hoặc không giải quyết hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ; không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới.

Tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản Việt Nam hoàn thành kế hoạch 8 tỷ USD năm 2017 tổ chức ở TPHCM ngày 14/1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố "Sách Trắng về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp ở Việt Nam".

Đây là cuốn sách tập hợp các thông tin cơ bản về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cuốn sách gồm 5 chương, được biên soạn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó, giới thiệu chi tiết từ tổng quan ngành thủy sản Việt Nam, những quy định và thực tế áp dụng, bối cảnh thẻ vàng với Việt Nam và những nỗ lực khắc phục; kế hoạch hành động dài hạn chống khai thác IUU của Chính phủ Việt Nam và các khuyến nghị đối với các bên liên quan trong chuỗi giá trị hải sản.

Thông qua cuốn sách này, hy vọng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nắm bắt đầy đủ thông tin, tin tưởng và ghi nhận những nỗ lực cải thiện của Việt Nam, cùng với đánh giá thực tế hy vọng EC sẽ sớm rút lại “thẻ vàng” cho Việt Nam.

Bảo Bình

 

EU 'rút thẻ vàng' với hải sản Việt Nam, cách nào để tháo gỡ?(VietQ.vn) - Để tháo gỡ vụ việc EU "rút thẻ vàng" với hải sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang