Vụ 9 tỷ tiền gửi tại ngân hàng NCB 'bốc hơi': Chuyển hồ sơ đến công an

author 14:00 26/03/2017

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ 9 tỷ tiền gửi tại ngân hàng NCB "bốc hơi", phía ngân hàng NCB đã chuyển toàn bộ vụ việc tới công an TP.Hà Nội (Phòng PA 84) để xác minh làm rõ.

Tin tức đăng trên báo Infonet, bà Nguyễn Bạch Mai (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, HN) đã gửi tiền tiết kiệm tại NCB số tiền cả gốc và lãi là hơn 8,7 tỷ. Trong thời gian này, bà Mai nghe theo tư vấn của  bà Nguyễn Thị Thu Hà – nguyên Trưởng PGD 14 (NH TMCP Quốc Dân - NCB) nên đã rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm đưa cho bà Hà để được hưởng lãi suất cao 13%/năm.

Vụ 9 tỷ tiền gửi tại ngân hàng NCB 'bốc hơi': Chuyển hồ sơ đến công an

Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Ảnh: Infonet

Tuy nhiên, sau nhiều lần đòi bà Hà trả tiền không được, gần 1 năm sau, bà Mai mới đến Ngân hàng làm việc và gửi đơn đề nghị Ngân hàng kiểm tra, giải quyết. Khi nhận được đơn, NCB đã kiểm tra trên hệ thống và xác định toàn bộ sổ tiết kiệm của bà Mai đã được làm thủ tục tất toán theo đúng quy định của Pháp luật và của NCB (các chứng từ tất toán đều do chính bà Mai ký, lần rút cuối cùng là vào 6/10/2015). Vụ việc hiện đã được phía NCB chuyển sang cơ quan Công an xác minh, giải quyết.

 

Theo báo Lao Động đưa tin, đại diện NCB cho biết: “Ngay khi nhận được đơn của bà Mai, NCB đã xử lý nhanh chóng theo quy trình và rất thiện chí trong việc nỗ lực mời các bên lên làm việc để xác minh vụ việc cũng như tìm phương án khắc phục". Đại diện NCB cũng khẳng định, các bảng kê tiền gửi bà Mai cung cấp là do bà Hà tự lập, không phải là giấy nộp tiền hoặc giấy xác nhận nộp tiền vào ngân hàng và cũng hoàn toàn không phải là sản phẩm và mẫu biểu của ngân hàng.

“Tuy có chữ ký của bà Hà - nguyên Trưởng phòng giao dịch và có đóng dấu của Phòng giao dịch 14 (đang giám định con dấu) nhưng trên bảng kê chỉ nêu tên khách hàng mà không có đủ các nội dung hợp pháp, hợp lệ theo quy định của ngân hàng như: Mã số khách hàng, Số CMDN, địa chỉ, không có người thu tiền và người nộp tiền, người lập biểu. Các quy định, quy trình, biểu mẫu sản phẩm của ngân hàng đều không có mẫu biểu này”.

Đỗ ô tô ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường sẽ bị phạt bao nhiêu?(VietQ.vn) - Hành vi đỗ ô tô ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Khi được hỏi về con dấu đóng tại bảng kê, đại diện ngân hàng này cũng cho biết, để bảo đảm việc vận hành tại ngân hàng được thông suốt, kiểm soát viên giữ dấu khi đi vắng sẽ bàn giao lại con dấu cho cấp quản lý (có biên bản bàn giao). Theo NCB, không loại trừ khả năng con dấu trên bảng kê của bà Mai đã được bà Hà thực hiện trong các khoảng thời gian kiểm soát viên đi ra ngoài và bàn giao con dấu lại cho trưởng đơn vị.

Hiện tại, phía NCB vẫn đang nỗ lực thuyết phục bà Hà hợp tác điều tra và cung cấp toàn bộ tư liệu, chứng cứ liên quan cho cơ quan điều tra để có kết quả sớm nhất và có biện pháp khắc phục thiệt hại cho khách hàng.

Hoàng Lan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang