2012 - năm thay đổi tư duy của lãnh đạo

author 05:20 15/10/2012

(VietQ.vn) - 2012 là năm đặc biệt khó khăn với lãnh đạo doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, khủng hoảng là dịp để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý điều hành; đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo trong phát triển bền vững DN.

Có thể coi 2012 là năm bản lề với sự thay đổi về tư duy quản lý điều hành kinh doanh của rất nhiều lãnh đạo DN.

Với chủ đề năm nay là Chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp Việt, ngày nhân sự Việt Nam 2012 diễn ra từ chiều đến tối 14/10 đã thu hút rất đông khách mời là lãnh đạo, nhà quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp... tham gia. Tại đây đã diễn ra các cuộc đối thoại nhằm chia sẻ cách thức quản lý nhân sự, kỹ năng lãnh đạo, cách đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn....

2012 được coi là năm thay đổi tư duy lãnh đạo. Ảnh: HRday

Chia sẻ trong ngày nhân sự Việt Nam, PGS. TS Lê Quân (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - Trưởng ban tổ chức ngày nhân sự Việt Nam 2012, cho rằng trước khủng hoảng, quan điểm "nước nổi bèo nổi" thịnh hành, nhiều lãnh đạo luôn lạc quan là kinh tế Việt Nam chỉ có đi lên. Thậm chí 2011, nhiều DN còn tranh thủ khủng hoảng vì nghĩ rằng chu kỳ khủng hoảng ngắn. Trong khi quản trị rủi ro bản chất là tư duy phản biện của lãnh đạo, nhưng dường như lãnh đạo DN Việt chưa được trải nghiệm qua khủng hoảng nhiều nên trước đây coi nhẹ công tác quản trị rủi ro.

PGS. TS Lê Quân cũng chỉ ra rằng: điểm mạnh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt là tiết kiệm, chống lãng phí, quản trị chất lượng, quản trị sản xuất; và các điểm yếu của họ hiện nay là quản trị rủi ro, marketing và quản trị nhân lực. Các mục tiêu ít được các nhà lãnh đạo ưu tiên như: nhân sự kế nhiệm, thời gian cho đào tạo nhân viên, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Với kinh nghiệm cá nhân, trưởng ban tổ chức ngày nhân sự cho rằng, ba hành động cần ưu tiên của lãnh đạo là: nhân sự chủ chốt, dòng tiền và cơ hội thị trường.

Nhấn mạnh việc các DN Việt cần tư duy toàn cầu và hành động cụ thể, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, đưa ra lập luận rằng kinh

"Một doanh nhân thành đạt tại Mỹ có thể không cần bằng cấp vì họ được học quá nhiều lý thuyết hiện đại từ trường đời. Nhưng tại Việt Nam, để học lý thuyết tại trường đời là điều khó khăn khi mà nền kinh tế chúng ta đang trong chuyển đổi. Kinh nghiệm là quan trọng nhưng không thể mang kinh nghiệm chạy xe trên đường làng ra đường cao tốc".

PGS. TS Lê Quân

tế thế giới có thể rơi vào suy giảm và suy thoái, cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu có thể ảnh hưởng lan rộng. Các DN cần thiết lập thành nhóm để theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và cả thế giới. Tiếp đến là cần học tập từ các bậc tiền bối, cụ thể là đại tướng Võ Nguyên Giáp, có chiến lược tiến lên và chiến lược rút lui. Khi có khó khăn, các DN cần dũng cảm đề ra phương cách rút lui và chờ cơ hội tiến lên. Tình hình đang biến đổi và biến đổi xấu nên các DN cần nghĩ đến phát triển bền vững, nghĩ đến lợi ích xã hội, tăng trưởng xanh, đó là xu hướng hiện nay.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với đối tác nước ngoài, Giám đốc chiến lược của tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa dẫn chứng: "DN Nhật có một quan điểm rất hay là "Small is beautiful". Trong khi đó nhiều DN Việt cứ cho rằng phải ồn ào, phải hoành tráng, theo tôi là không cần thiết. Cho nên rõ ràng trong những năm đầu DN nên tập trung vào năng lực cốt lõi. Tôi xin khuyên DN vừa và nhỏ ba ý: Không nên chờ đợi sự giúp đỡ mà hãy tự mình cứu lấy mình. Một là tái cấu trúc chi phí. Hai là cần giữ chân nhân sự. Ba là cần suy nghĩ và tư duy chiến lược".

"Điều đầu tiên tôi quyết định tôi ở lại hay đi là người sếp. Một trong những nhược điểm của lãnh đạo Việt là không chịu lắng nghe cấp dưới. Người cấp dưới hiểu biết vấn đề đôi khi còn rõ hơn lãnh đạo. Do đó, để giữ chân người tài, nhà lãnh đạo cần khắc phục nhược điểm này", ông Hòa chia sẻ thêm.

TS. Lê Đăng Doanh cũng dẫn ra vài ví dụ trong việc quản lý nhân sự: "Cách tốt nhất để giữ được người tài là cần trung thực và chân thành. Chúng ta cần học hỏi Bác Hồ, là người rất tin cậy người dưới, đối xử với người dưới với sự chân thành, cởi mở. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt cần tránh sự độc đoán, gia trưởng. Như Nguyễn Trãi đã nói: Lấy chí nhân để thay cường bạo, đem chính nghĩa để thắng hung tàn. Nhật Bản có những DN rất nhỏ, chỉ 30 người thôi nhưng đã sản xuất ra những linh kiện cho máy bay Boeing và họ vẫn duy trì được sản xuất ổn định lâu dài.

Trong phần đối thoại của mình với các khách mời, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, cho biết: Người lao động đi làm ai cũng muốn lương cao. Tuy nhiên, Phú Thái đã thực hiện khảo sát và cho thấy yếu tố người lao động đề cao nhất là môi trường, được thể hiện qua mối quan hệ giữa người chủ và nhân viên, hay đó là môi trường được đào tạo… Do đó, chúng tôi cam kết tạo một môi trường làm việc cho người lao động bao gồm các yếu tố: môi trường tạo được sự cạnh tranh, môi trường người lao động có cơ hội được đào tạo và môi trường thân thiện như gia đình.

Đức Thắng
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang