5G tại Việt Nam: ‘Đòn bẩy’ giúp tiến nhanh trong kỷ nguyên 4.0

authorHòa Lê 14:01 04/05/2019

(VietQ.vn) - Với những tính năng vượt trội, công nghệ 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

VnExpress đưa tin, công nghệ 5G được xem là một phần của loạt công nghệ khác gồm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), góp phần thay đổi diện mạo của thế giới. Thông tin số thu thập được từ chuỗi các thiết bị trong IoT sẽ được AI phân tích và gửi đến người dùng một cách hợp lí và hữu dụng. Do đó, 5G sẽ đóng vai trò trụ cột trong hoạt động của hệ thống này.

Đối với Việt Nam, những đổi mới này có thể chính là chìa khóa để bước vào Công nghiệp 4.0, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và được kì vọng sẽ thúc đẩy GDP lên 16% vào năm 2030. Hơn thế, đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam tham gia vào nền kinh tế 5G, được dự đoán sẽ sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị lên đến 12.000 tỷ USD vào năm 2035.

Tại Việt Nam, 5G sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề khác nhau. Một trong số đó là thành phố thông minh. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 40% vào 2020, an ninh cũng như điều kiện sống tại các thành phố cần được đảm bảo. Do đó, vai trò của 5G vô cùng quan trọng.

5G tại Việt Nam: ‘Đòn bẩy’ giúp tiến nhanh trong kỷ nguyên 4.0

 Đã có các quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G. Ảnh: Viễn Thông

Ví dụ, phương tiện thông minh không chỉ dừng ở phương tiện tự lái, mà còn tích hợp giải pháp quản lý giao thông, giúp theo dõi và cái thiện ùn tắc ở Hà Nội và TP.HCM. Ứng dụng cho năng lượng thông minh có thể hỗ trợ các thành phố giám sát và điều chỉnh năng lượng trực tiếp, giúp tối ưu hóa tiêu thụ, giảm thiểu khí thải.

Ngành sản xuất với mức tăng trưởng năm vừa qua đạt 12,98% và là ngành chủ đạo của công nghiệp 4.0, cũng sẽ hưởng lợi từ 5G. Công nghệ này sẽ cho phép sản xuất chi phí thấp thông qua các nhà máy thông minh hơn, cải thiện hiệu suất và nâng cao năng lực sản xuất.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ có những biến đổi lớn. Dù đóng góp 20% vào GDP, nông nghiệp luôn đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu và số nhân lực đang giảm. Với 5G, Việt Nam có thể áp dụng canh tác chính xác, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, điều khiển cảm ứng, thiết bị bay không người lái... Người nông dân sẽ cần ít nguồn lực hơn trong khi tăng chất lượng và năng suất nông sản.

Phát biểu tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng 5G diễn ra hồi cuối tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nền kinh tế số với những mô hình và phương thức kinh doanh mới đang tạo ra những cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch, thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh.

Công nghệ 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. Với những tính năng vượt trội như: Băng thông rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh... Đây là những nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng trong nền kinh tế số.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang