6 nhân vật này là những người có công lớn đưa ông Trump và ông Kim vào bàn đàm phán

author 11:45 08/06/2018

(VietQ.vn) - 6 nhân vật này là những người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa được ông Trump và ông Kim vào bàn đàm phán.

NDH dẫn tờ Nikkei viết, chỉ một tuần nữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau ở Singapore để đàm phán về việc phi hạt nhân hóa và mang lại hòa bình cho bán đảo. Một năm trước, không ai dám nghĩ đến viễn cảnh này vì căng thẳng 2 bên ngày càng leo thang và Trump - Kim liên tục hăm dọa lẫn nhau.

Để mang lại "thỏa thuận thế kỷ", 6 phụ tá của cả Mỹ và Triều Tiên đã phải làm việc không ngừng, vượt hàng ngàn km để gặp nhau. Mọi chiến thuật đều được áp dụng, từ cứng rắn đến mềm dẻo - khi thì đe dọa rút lui, lúc lại nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện đối với cả 2 nước. Dưới đây là chân dung những nhân vật có công lớn trong việc đưa được ông Trump và ông Kim vào bàn đàm phán.

Kim Yong-chol

6-nhan-vat-nay-la-nhung-nguoi-co-cong-dua-ong-trump-va-ong-kim-vao-ban-dam-phan

 Kim Yong-chol (trái) nói chuyện với ông Trump ở Washington hôm 1/6. Nguồn: Associated Press

Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên được ví như "cánh tay phải" của Kim Jong-un. Ông là đầu mối trung tâm trong các cuộc đàm phán của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Ông đi cùng ông Kim đến các cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Theo Dân Trí, hôm 30/5, ông Kim Yong-chol đã tới New York để hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cả hai quan chức Mỹ - Triều đã ăn tối cùng nhau và cùng giải quyết một nhiệm vụ quan trọng: đó là tìm ra con đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Yong-chol được cho là chuyển lời tới Ngoại trưởng Pompeo rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự nghiêm túc về việc dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump và hai quan chức Mỹ - Triều có thể sẽ thảo luận về nội dung của tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo công bố sau hội nghị.

Thứ sáu tuần trước (1/6), Kim Yong-chol cũng chính là người mang thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Nhà Trắng để tận tay trao cho ông Trump. Sau khi đọc lá thư, Tổng thống Mỹ "hồi sinh" hội nghị thượng đỉnh mà ông từng công khai hủy bỏ 8 ngày trước đó.

Kim, cựu giám đốc cơ quan tính báo của Triều Tiên, là một người chống Mỹ - Hàn mạnh mẽ, đến nỗi Washington cấm ông nhập cảnh từ lâu. Tuần trước, chính quyền Trump phải ban hành một lệnh dừng để ông có thể hoàn thành nhiệm vụ ngoại giao.

Mike Pompeo

6-nhan-vat-nay-la-nhung-nguoi-co-cong-dua-ong-trump-va-ong-kim-vao-ban-dam-phan

 Ngoại trưởng Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng kiêm cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng 2 lần đến thăm Bình Nhưỡng để đánh giá tính nghiêm túc trong tuyên bố phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un.

Ông Kim ca ngợi ông Pompeo vì "có cùng bản năng" với sự táo bạo và kỹ năng đàm phán.

Ông Pompeo cũng chứng tỏ bản thân là đối thủ xứng tầm của Kim Yong-chol khi 2 cựu điệp viên bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa ở bàn ăn. Ngoài ra, ông cũng khéo léo giữ liên lạc với Bình Nhưỡng trong 8 ngày từ khi ông Trump đòi hủy họp đến khi nhà lãnh đạo đổi ý tiếp tục hội nghị thượng đỉnh như dự kiến.

Sung Kim

6-nhan-vat-nay-la-nhung-nguoi-co-cong-dua-ong-trump-va-ong-kim-vao-ban-dam-phan

 Ông Sung Kim. Ảnh: Reuters

Nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines, có nhiều kinh nghiệm đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuần trước, Sung Kim được phái đi gặp người đồng cấp Triều Tiên Choe Son-hui tại làng biên giới Panmunjom. 2 bên thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa, từ việc tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng đến các bảo đảm của Washington đối với chế độ Kim Jong-un.

Choe Son-hui

6-nhan-vat-nay-la-nhung-nguoi-co-cong-dua-ong-trump-va-ong-kim-vao-ban-dam-phan

 Bà Choe Son-hui. Ảnh: NKNews

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên là người chuyên phụ trách đàm phán với Mỹ. Bà đóng vai trò thông dịch viên trong "cuộc đàm phán 6 bên" từ năm 2003 đến năm 2007. Bất chấp chức danh bình thường này, một số người coi bà là trung gian quyền lực của phái đoàn Bình Nhưỡng.

Bà Choe từng "chọc giận" ông Trump khi nói Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence "ngu ngốc và thiếu suy nghĩ" sau khi ông này đưa ra những nhận xét mang tính hăm dọa Bình Nhưỡng.

Cụ thể, theo Dân Trí, một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố hủy cuộc họp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là tuyên bố gây tranh cãi của bà Choe Son-hui.

Tuy vậy, Thứ trưởng Choe chính là người đại diện cho Triều Tiên tham gia cuộc hội đàm với một phái đoàn Mỹ do ông Sung Kim dẫn đầu. Cả hai bên đã gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự liên Triều hôm 27/5. Đây cũng là nơi từng diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên hồi tháng 4.

Trong cuộc gặp tại Panmunjom, các nhà ngoại giao và các chuyên gia kỹ thuật của Mỹ và Triều Tiên soạn thảo chương trình nghị sự cho thượng đỉnh Mỹ - Triều, trong đó phía Mỹ mong muốn nhận được sự bảo đảm cam kết từ Triều Tiên trong việc sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Chung Eui-yong

6-nhan-vat-nay-la-nhung-nguoi-co-cong-dua-ong-trump-va-ong-kim-vao-ban-dam-phan

 Ông Chung Eui-yong. Ảnh: Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc cống hiến cả đời cho ngành ngoại giao. Với vai trò đặc phái viên của Hàn Quốc, ông Chung đến Bình Nhưỡng vào tháng 3 để gặp Kim Jong-un, đưa ra thỏa thuận về một hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều. Một tháng sau đó, lãnh đạo 2 nước gặp nhau lần đầu tiên ở đường phân giới, đánh dấu khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ.

Ông Chung cũng là người mang thông điệp của ông Kim đến cho ông Trump, rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn gặp Tổng thống Mỹ. Đây là sự kiện chính thức bắt đầu quá trình đàm phán dẫn đến "thỏa thuận thế kỷ".

John Bolton

6-nhan-vat-nay-la-nhung-nguoi-co-cong-dua-ong-trump-va-ong-kim-vao-ban-dam-phan

 Ông John Bolton. Ảnh: Reuters

Cố vấn quốc phòng của Mỹ một mực gây áp lực, buộc Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông là người đầu tiên đề cập đến cụm từ "mô hình Libya" - đồng nghĩa với việc đơn phương từ bỏ vũ khí.

Có thể nói ông Bolton là người cuối cùng Bình Nhưỡng muốn cùng đàm phán và vai trò của ông đang khá mờ nhạt trong bối cảnh hội nghị Trump - Kim sẽ diễn ra như dự kiến. Mặc dù vậy, vị cố vấn vẫn có thể lấy lại ảnh hưởng nếu đàm phán thất bại. Lập trường cứng rắn của ông sẽ phát huy tốt trong việc dẫn dắt Washington thay đổi chiến lược đối phó với Triều Tiên.

Hà Thu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang