7 tháng, đà tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19

author 06:13 03/08/2021

(VietQ.vn) - Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đà tăng trưởng xuất khẩu giảm

Bộ Công Thương cho biết, trong 7 tháng năm 2021, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7/2021 đang có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 7 tháng đạt 15,78 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2021 với mức tăng lên tới 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 914 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD. Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12,0% và 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 1,9 tỷ USD, giảm 0,6% (lượng giảm 10,6%); cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,7% (lượng giảm 9,3%); chè đạt 113 triệu USD, giảm 0,3% (lượng giảm 4,5%).

Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong 7 tháng vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 27,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 159,12 tỷ USD, chiếm 85,85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu hàng dệt may và giày dép tiếp tục duy trì đà phục hồi trở lại với mức tăng trưởng hơn hai con số: hàng dệt và may mặc tăng 14,1%; giày dép các loại tăng 27,7%; so với 7 tháng năm 2020.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6%. Thị trường EU đạt 22,6 tỷ USD, tăng 15,6%. Thị trường ASEAN đạt 16,2 tỷ USD, tăng 25,8%. Hàn Quốc đạt 11,9 tỷ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa trong 7 tháng năm 2021 nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đầu đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin trong nước.

Những tháng cuối năm- thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam.

Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Bộ Công Thương nhận định, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.

Để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đề nghị, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang