72% sữa kém chất lượng do đại lý

author 15:37 31/10/2012

(VietQ.vn) - Nguyên nhân sữa kém chất lượng do việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý chiếm 72%, việc sử dụng sản phẩm không theo quy định là 18% và 10% chưa rõ nguyên nhân.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam trong năm 2010 là 14,8 lít/người/năm, tăng bình quân trên 9%/năm. Dự kiến giai đoạn 2010- 2015 tốc độ tăng trưởng Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao.

Về năng lực sản xuất sữa, số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa đã tăng trên 23% trong 10 năm qua, hiện cả nước có hơn 300 nhãn hiệu sản phẩm sữa các loại với tổng năng lực sản xuất là 796,2 triệu hộp sữa đặc có đường, 101,5 nghìn tấn sữa bột, 778,3 nghìn tấn sữa thanh trùng, tiệt trùng và hơn 150 nghìn tấn sữa chua/năm.

Nguyên nhân sữa kém chất lượng chủ yếu do vấn đề bảo quản

Đại diện Phòng Quản lý An toàn thực phẩm (Vụ Khoa học công nghệ- Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung về công nghệ sản xuất các sản phẩm sữa tại Việt Nam cơ bản vẫn tuân theo quy trình công nghệ sản xuất quốc tế. Đối với sản phẩm sữa bột, trong giai đoạn sấy phun và đóng hộp đã sử dụng công nghệ gõ sang công nghệ thổi khí, bơm hỗn hợp khí Nitơ, khí Hydro vào trong quá trình đóng gói để hạn chế oxy trong sản phẩm. Đối với sản xuất sữa chua thì đã sử dụng lên men tự nhiên chủng vi khuẩn lactic hoặc sử dụng enzim thủy phân sữa và bổ sung các chất phụ gia tạo độ đặc. Hỗ trợ cho công nghệ lên men sữa chua hiện đại tại các cơ sở lớn là hệ thống thiết bị lên men được điều khiển tự động để đảm bảo các thông số công nghệ về nhiệt độ lên men, chế độ thông khí, mật độ vi sinh vật, pH, chế độ thanh trùng…

Theo kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa trong hai năm qua của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất chỉ có 1%; nguyên nhân từ phụ gia, thực phẩm là 4% và 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo quy định và 5% chưa rõ nguyên nhân.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt đối với mặt hàng sữa luôn được người tiêu dùng quan tâm. Ngành sản xuất sữa trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng nhất trong ngành thực phẩm ở Việt Nam với sản phẩm chủ yếu như sữa đặc, sữa bột, sữa chua các loại.

Nguyên liệu sản xuất sữa tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, thực trạng về nguyên liệu sản xuất cũng như kinh doanh sữa ở Việt Nam còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Hiện tại Việt Nam chưa có các trang trại khép kín từ chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa ở quy mô công nghiệp. Nguồn cung cấp nguyên liệu thu mua từ người nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu gom và phải di chuyển xa trong thời gian dài nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, chất lượng sữa không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu mua và giá thành nguyên liệu để chế biến.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa quy mô lớn đều phải nhập nguyên liệu để chế biến nhữug sản phẩm: sữa tuơi, sữa đặc, sữa bột, sữa chua, sữa có đường dành cho trẻ em. Về cung cấp bao bì đựng sản phẩm thì hiện nay cũng chỉ có hai nhà cung cấp độc quyền vỏ hộp là Tetra Park (Thụy Điển) và Combiblock (Đức) đồng thời cũng là hai nhà cung cấp phần lớn dây chuyền sữa ở Việt Nam.

Để giải quyết thực trạng trên, các nhà quản lý đã đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa. Việc lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng là vô cùng quan trọng.

Cụ thể, đối với nguyên liệu sữa bột, các doanh nghiệp nên lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu là những nhà cung cấp hàng đầu, có uy tín trên thế giới. Đối với nguyên liệu sữa tươi, chất lượng sữa phải được kiểm tra ngay tại các hộ chăn nuôi, áp dụng chế độ thưởng vào giá thu mua sữa cho các hộ chăn nuôi có sữa chất lượng tốt.

Trước thực tế này, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng sữa. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, nguồn nguyên liệu sữa, chất lượng sữa phải được kiểm tra ngay tại các hộ chăn nuôi, áp dụng chế độ thưởng vào giá thu mua sữa cho các hộ chăn nuôi có sữa chất lượng tốt.

Ngoài ra, cần phải tăng cường năng lực chủ động kiểm soát công nghệ: mọi sản phẩm cần được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng ISO. Hệ thống phòng thí nghiệm vi sinh, hóa lý có đủ các thiết bị để phân tích các chỉ tiêu và kiểm tra các thông số quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, các trang trại cần được áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ nguyên liệu cho đến khâu vắt sữa, bảo quản để vận chuyển đến nhà máy sản xuất. Các nhà sản xuất, chế biến kinh doanh mặt hàng sữa cần tăng cường hợp tác với đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, áp dụng công nghệ hiện đại và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hà Linh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang