Người tiêu dùng lạc vào 'mê hồn trận' sữa (Bài cuối)

author 09:48 28/10/2012

(VietQ.vn) - Thị trường sữa trong nước đang tồn tại nhiều bất cập từ khâu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cho đến việc tiếp cận thông tin về sản phẩm.

Bài 6: Thua thiệt dành cho người tiêu dùng

PV Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Thống nhất và Tín thác Bảo vệ NTD tại Hà Nội (CUTS) xung quanh câu chuyện quản lý giá sữa, thị trường sữa nội - ngoại...

Khó “kìm cương” giá sữa

Bà Phạm Quế Anh cho biết, giá sữa công thức cho trẻ nhỏ tại Việt Nam có xu hướng tăng dần đều từ năm 2009 đến nay. Mức tăng này trước hết là do sự thay đổi của nhiều yếu tố khách quan, bao gồm biến động tỷ giá hối đoái, thuế suất và cả tỷ lệ lạm phát cao.

Lạm phát cao kéo theo không chỉ các mặt hàng sữa công thức tăng giá, mà còn nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Nếu đem so sánh mức tăng giá của sữa công thức, thậm chí còn thấp nhất so với các mặt hàng khác.

Ngoài các yếu tố khách quan này, giá sữa công thức cho trẻ nhỏ còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất; chất lượng nguyên liệu; nghiên cứu khoa học (R&D); yếu tố thương hiệu.

Trên thực tế, mỗi nhà sản xuất sữa cũng có thể có nhiều dòng sản phẩm thuộc các nhóm giá khác nhau và NTD hoàn toàn có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình.

Giá sữa từ đầu năm đến nay liên tục tăng
Giá sữa từ đầu năm đến nay liên tục tăng

* Kết quả nghiên cứu gần đây của CUTS cho thấy, giá sữa Việt Nam đứng ở mức thấp gần như nhất trong khu vực nhưng có ý kiến cho rằng, với mức thu nhập hiện tại của người Việt Nam, giá sữa hiện tại còn quá cao, bà nghĩ gì điều này?

Nghiên cứu đó bao gồm cả nội dung so sánh giá sữa công thức cho trẻ em tại Việt Nam với các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia… từ góc độ thu nhập trung bình của người dân tính theo sức mua. Kết quả cho thấy, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nhất trong khu vực, dĩ nhiên, khi đó từ góc độ NTD, giá sữa sẽ là cao.

Tuy nhiên, phải nhận thức được rằng, chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường, trong đó giá thành sản phẩm là quyền định đoạt của từng doanh nghiệp, Trong khi đó, nhiều công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đều có các chiến lược khinh doanh khác nhau, bao gồm cả chiến lược khác biệt hóa về giá cả cho các thị trường, miễn là không vi phạm pháp luật.

Các doanh nghiệp tham gia thị trường không có nghĩa vụ theo luật định phải giữ giá thấp nhất trong khu vực hay tương ứng với mức thu nhập của người dân. Quan trọng nhất là NTD vẫn có quyền tự do chọn sản phẩm phù hợp.

Hơn nữa, một trong các yếu tố cấu thành giá sữa là các mức thuế, phí, ví dụ như thuế XNK. Trong khi Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập và hàng nhập khẩu thành phẩm, thì mức thuế NK của Việt Nam lại cao nhất trong khu vực, điều này không tránh khỏi có ảnh hưởng đến giá. Theo tôi, Nhà nước ta cần cân bằng lại giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và bảo đảm phúc lợi của NTD…

 

* Phải chăng các cơ quan chức năng vẫn chưa can thiệp tốt vào thị trường sữa nên việc kiểm soát giá sữa thời gian qua không tốt. Bà có đồng quan điểm này không?

 

Việc tạo dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả là cách tốt nhất để kiểm soát giá cả trên thị trường nói chung. Thị trường cạnh tranh hiệu quả sẽ tạo ra sức ép buộc các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải đưa ra giá tốt nhất và hàng hóa chất lượng nhất có thể, cũng như cải tiến mẫu mã để giành sự ưu ái của NTD.

Nếu trên thị trường có các hành vi như độc quyền áp đặt giá cả, câu kết ấn định giá, vi phạm pháp luật cạnh tranh, khiến cho giá cả tăng cao, thì đó là lúc cơ quan cạnh tranh vào cuộc để vãn hồi lại tình trạng cạnh tranh cho thị trường, đưa giá cả về mức cạnh tranh. Điều này phù hợp với cách thức vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại trong khuôn khổ pháp luật - một xu thế phát triển chủ đạo trên thế giới. Trong xu thế này, việc sử dụng các biện pháp hành chính như quản lý giá, đăng ký giá sẽ không bao giờ có hiệu quả. Và điều này đã được chứng minh trong bối cảnh nước ta.

Cơ chế quản lý giá chỉ nên được áp dụng trong các trường hợp như khủng hoảng, thiên tai địch họa, hay trong các nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp cũ. Trong kinh tế thị trường hiện đại, Nhà nước nên tập trung vào việc tạo dựng các điều kiện để giá cả được duy trì ở mức cạnh tranh, đồng thời tôn trọng quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm cả quyền tự định đoạt giá hàng hóa, dịch vụ của mình. 

Thiếu và nhiễu thông tin sản phẩm

* Người tiêu dùng hiện nay đang rất thiếu thông tin về sản phẩm sữa. Vậy  theo bà, chúng ta cần làm gì họ có thể tiếp cận tốt hơn về thông tin sản phẩm sữa?

Đây là một thực trạng phổ biến, gần như đã thành đặc điểm cố hữu của bất kỳ thị trường nào, không riêng thị trường sữa. Tuy nhiên, đối với mặt hàng sữa công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi tại Việt Nam, tình trạng mất cân xứng về thông tin này đặc biệt trầm trọng, dẫn đến NTD bị thiếu thông tin về sản phẩm. Điều đó có nguyên nhân là các sản phẩm này không được phép quảng cáo, khuyến mại, giới thiệu dưới bất kỳ hình thức nào.

Năm 1981, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành Bộ Quy chuẩn quốc tế về Kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ (thường được gọi tắt là Bộ Quy tắc WHO), được xem như các khuyến nghị “tối thiểu” của tổ chức này nhằm bảo vệ và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các quốc gia trên thế giới. Theo đó, WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên thông qua và thực hiện các quy định pháp lý phù hợp để cấm tuyệt đối các hoạt động quảng cáo, khuyến mại hay tiếp thị duới mọi hình thức, đặc biệt trên các phương tin thông tin đại chúng đối với các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ (các sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em từ 0 - 6 tháng tuổi).

Nếu chỉ nghe quảng cáo, người dùng không biết chọn sữa thế nào cho đúng
Nếu chỉ nghe quảng cáo, người dùng không biết chọn sữa thế nào cho đúng

Luật Quảng Cáo được Quốc hội thông qua đã nêu cụ thể là cấm quảng cáo “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo” (Khoản 4, Điều 7). Quy định này cũng tương đồng với nội dung của Nghị định 21/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em: “Nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức” (Điều 6). Ngoài ra, Nghị định 21/2006/NĐ-CP cũng quy định khá rõ về trách nhiệm của các tổ chức và nhân viên y tế trong vấn đề này.

Trong bối cảnh các hoạt động quảng cáo và khuyến mại… không được khuyến khích như vậy, đồng thời các tổ chức và nhân viên y tế lại không thể đưa ra các hướng dẫn cụ thể đối với việc nuôi con bằng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung bên cạnh sữa mẹ, NTD trên thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mình.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần có những đánh giá khách quan về nhu cầu thông tin của NTD trên thị trường này, cũng như tình hình và chất lượng các kênh thông tin mà họ sử dụng, để từ đó có thể thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuẩn xác có tính chất tư vấn cho NTD có nhu cầu. Việc cần làm là có các tổ chức giám định xã hội về chất lượng của quảng cáo nói chung và quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ nói riêng để đảm bảo quảng cáo đúng sự thật và cung cấp thông tin hữu ích cho NTD.

* Người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với sản phẩm sữa kém chất lượng, mua hàng chỉ theo "quảng cáo" là chính. Bà nghĩ vấn đề này thế nào?

Theo quan điểm của tôi, ở đâu cũng có sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm kém chất lượng, không thể vì thế mà quy chụp cho tất cả một ngành công nghiệp. Như đã đề cập ở trên, trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ luôn phải cạnh tranh với nhau để đưa ra mức giá cạnh tranh, sản phẩm chất lượng và mẫu mã đa dạng nhất có thể. NTD có đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ có mặt trên thị trường và có thể tự do chuyền đổi giữa các nhà cung cấp do chi phí giao dịch bằng không; không cần có sự can thiệp của nhà nước. Các sản phẩm chất lượng kém sẽ tự nhiên bị đào thải vì không được NTD lựa chọn sử dụng.

Tuy nhiên, một thị trường cạnh tranh hoàn hảo như vậy không tồn tại trong thực tế, vì thị trường luôn tồn tại khiếm khuyết, nên Nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích NTD. Một trong những vai trò của nhà nước trong trường hợp này là quản lý thị trường, để loại khỏi thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vừa để bảo vệ NTD, vừa để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Việc NTD mua hàng theo quảng cáo là chính? Điều này cũng lại đặt ra câu hỏi, với các mặt hàng khác, ví dụ tủ lạnh, tivi, khách hàng mua theo hướng dẫn của ai? Quảng cáo theo đúng tinh thần Luật Quảng cáo 2012, “là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...”. Như vậy, chức năng cơ bản của quảng cáo là cung cấp thông tin, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ tới NTD; và sau đó, nhằm giúp doanh nghiệp thu hút NTD, tăng doanh số, để cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, cần phải đảm bảo nội dung quảng cáo đúng sự thật, bảo vệ quyền lợi của NTD và đúng quy định của pháp luật. Vấn đề này đã được quy định rất chặt chẽ và đầy đủ trong pháp luật về quảng cáo, Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD, Luật Cạnh canh.  Vì vậy, vấn đề là các cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường công tác thực thi tốt hơn nữa các quy định của pháp luật để bảo vệ NTD một cách toàn diện nhất.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang