Ấm siêu tốc: 'Quả bom nổ chậm' với trẻ nhỏ nếu cha mẹ lơ là

author 10:44 31/10/2016

(VietQ.vn) - Ấm siêu tốc là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình nhưng nó trở thành nguy hiểm nếu nhà có trẻ nhỏ.

Theo ghi nhận của báo SK&ĐS, chỉ trong tháng 9, trong số hơn 200 ca bỏng nhập viện điều trị tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã có 100 ca là bệnh nhi, có trẻ chỉ mới 20-30 ngày tuổi. Gần 100% trường hợp này đều do sự bất cẩn của cha mẹ.

Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu và điều trị cho bé trai N.Q.H (13 tháng tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bỏng nước từ ấm siêu tốc. Theo lời kể của gia đình, bé H khá hiếu động, hay nghịch ngợm nên mẹ bé đã đặt bình đun nước siêu tốc vào góc phòng rồi mới cắm điện. Nhưng mẹ vừa ra ngoài phơi quần áo khoảng 5 phút, bé H bỗng kêu khóc thất thanh trong nhà. Khi chạy vào, chị H thấy bình nước đã bị đổ lên người con. Ngay lập tức, bé được đưa lên viện cấp cứu. Kết quả, bé phải nhập viện điều trị với chẩn đoán bỏng độ 2.

Ấm siêu tốc khá nguy hiểm với trẻ nhỏ nếu cha mẹ không cẩn thận.

Ấm siêu tốc khá nguy hiểm với trẻ nhỏ nếu cha mẹ không cẩn thận. Ảnh minh họa 

Một trường hợp khác cũng bị bỏng nặng do ấm siêu tốc là bé N.C.K (11 tháng tuổi, ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Chị Trần Thị Phú (mẹ bé K) cho hay, sự việc xảy ra vào chiều 30/9. Nước vừa đun sôi trong chiếc ấm siêu tốc đã đổ từ trên bàn xuống và dội toàn bộ vào người cháu bé. Sau gần một tháng chăm sóc, bé K tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng do bỏng nặng nên thời gian điều trị sẽ còn dài. Bác sĩ cho biết, bé K sẽ còn phải trải qua nhiều ca phẫu thuật cấy ghép tốn kém mới mong có thể hồi phục lại sức khỏe.

Chia sẻ về trường hợp trên, BS Lê Tuấn Anh, Khoa Chỉnh hình Nhi, BV Nhi TW cho hay, trường hợp trẻ nhập viện vì những nguyên nhân trên không phải là hiếm gặp và phần lớn đều bắt nguồn từ sự lơ là của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ. Trong khi trẻ ở tuổi lên 3 thường hiếu động, thích khám phá và chưa có ý thức về hiểm họa rình rập với chính mình…

Chuyên gia khuyến cáo: Cấy phấn vào da, coi chừng mang bệnh(VietQ.vn) - Cấy phấn vào da được nhiều nơi quảng cáo là đem lại tác dụng như ý, tuy nhiên, các chuyên gia lại nói ngược lại điều này.

Thông tin thêm về những vụ tai nạn đối với trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết trên báo Vietnamnet, những tai nạn trẻ em gặp phải do đùa nghịch với các vật dụng hàng ngày khá phổ biến. Về trường hợp các cháu bị bỏng, ngay sau khi bé bị tai nạn, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, tưới rửa vùng bỏng dưới vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc gì vào vết bỏng.

Cũng theo bác sĩ Thống, việc xả nước vào vết bỏng là hoàn toàn đúng, nhưng một điểm chúng ta cần lưu ý đó là phải vặn vòi nước thật nhỏ và nhẹ nhàng tưới lên vết bỏng. Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng giúp vết thương không bị lan rộng, vết bỏng nhỏ lại và giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng.

Nếu vùng bỏng có dính với quần áo thì bạn cần nhanh chóng nhẹ nhàng cởi bỏ trước khi vết thương phồng rộp thành bọng nước, nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được tự ý, hay cố làm mọi cách để lôi ra.

Trẻ nhỏ luôn hiếu động nên thường bị tai nạn bất ngờ cha mẹ cần chú ý.

Trẻ nhỏ luôn hiếu động nên thường bị tai nạn bất ngờ cha mẹ cần chú ý. Ảnh minh họa 

Bạn nên xả nước lạnh trực tiếp vào vết thương rồi đưa người bị bỏng đến bác sĩ để xử lý. Để làm nguội vết thương, bạn chỉ cần sử dụng nước lạnh bình thường là được, không cần phải sử dụng nước đá hay lấy đá chườm.

Bác sĩ Thống cho rằng, nhiều trường hợp, dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để phụ huynh đưa các bé đến khám. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành và ít để lại sẹo.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang