Amazon cấm dài hạn 600 nhãn hàng Trung Quốc vì kinh doanh không trung thực, gian lận

author 18:18 18/09/2021

(VietQ.vn) - Đại diện sàn thương mại điện tử lớn nhất của Mỹ Amazon cho biết, đơn vị này đã cấm dài hạn 600 nhãn hàng Trung Quốc liên quan tới hơn 3.000 tài khoản bán hàng gian lận.

Cụ thể, theo trang công nghệ The Verge, người phát ngôn của Amazon khẳng định đây là quyết định sau 5 tháng triển khai chiến dịch xóa bỏ các hành vi kinh doanh không trung thực, gian lận trên trang Amazon.

Theo Amazon, 600 nhãn hàng của Trung Quốc bị cấm dài hạn vì đã cố ý, lặp lại nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng các chính sách hoạt động của sàn thương mại điện tử này, đặc biệt là những nhãn hàng có liên quan các vụ tạo review (đánh giá sản phẩm) giả mạo để lừa gạt khách.

Trong số các nhãn hàng đó có những nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn như Aukey, Mpow, RavPower, Vava, TaoTronics và Choetech.

Báo South China Morning Post trước đó cũng đã thông tin về số nhãn hàng Trung Quốc bị cấm dài hạn trên Amazon, dẫn cuộc phỏng vấn với một quan chức phụ trách Amazon châu Á.

 Cấm dài hạn 600 nhãn hàng Trung Quốc do gian lận, không trung thực. Ảnh minh họa

Amazon bắt đầu khởi động cuộc điều tra của họ sau khi báo Wall Street Journal tung ra bài điều tra về việc các công ty như nhãn hàng điện tử RavPower đề nghị tặng thẻ quà tặng cho khách hàng để có được những review tích cực từ người mua từ giữa tháng 6 năm nay.

Trong bài điều tra đó, nhà báo Nic Nguyen phanh phui chuyện RavPower hứa tặng thẻ mua hàng trị giá 35 USD cho các review tích cực với một sản phẩm do công ty này bán trực tiếp trên Amazon.

Từ năm 2016, Amazon đã cấm việc các nhãn hàng bày chiêu trò dụ khách hàng viết review giả về chất lượng sản phẩm trên nền tảng của họ, nhưng đây thực sự là vấn đề rất khó kiểm soát và ngăn chặn.

Một số nhà bán hàng đã ngụy trang việc này bằng chiêu tung ra chương trình thử nghiệm dành cho khách VIP hay tung gói kéo dài thời gian bảo hành cho sản phẩm để có được những bình luận ảo.

Một số nhãn hàng chỉ đưa ra những đề nghị bù đắp khác sau khi khách hàng đăng review xấu về sản phẩm của họ. Theo đó, nhãn hàng sẽ tặng miễn phí hàng cho khách, hoàn tiền mà không yêu cầu trả lại sản phẩm, miễn là khách chịu xóa những bình luận xấu.

Trong nửa đầu năm nay, Amazon đã đóng cửa 340 cửa hàng trực tuyến do một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Trung Quốc điều hành.

Trước đó, Amazon cũng đã đóng cửa 340 cửa hàng trực tuyến do một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Trung Quốc điều hành. Amazon đã có động thái trừng phạt nhằm vào các cửa hàng do Công ty Công nghệ Youkeshu Thâm Quyến điều hành với cáo buộc các cửa hàng này vi phạm các quy định của Amazon, tuy nhiên không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.

Theo công ty mẹ của Youkeshe là Tiza, các cửa hàng bị Amazon cấm hoạt động hoặc tạm thời đóng băng chiếm tới 30% số cửa hàng bán lẻ của Youkeshu trên nền tảng này. Hơn 130 triệu nhân dân tệ (20,08 triệu đô la Mỹ) trong quỹ của Youkeshu đã bị đóng băng và ước tính doanh thu nửa đầu năm nay của nhà bán lẻ sẽ giảm từ 40 đến 60%.

Tiza cho biết rằng "các quy tắc trên các nền tảng thương mại điện tử đang được thắt chặt, do vi phạm quyền và thao túng giá tiếp tục gia tăng". Trường hợp của Youkeshu là đòn giáng mới nhất đối với cộng đồng buôn bán "sản phẩm Trung Quốc bán trên nền tảng Amazon". Trong số đó, nhiều nhà bán lẻ Trung Quốc đã đổ xô đến nền tảng thương mại của Mỹ trong nỗ lực tiếp cận khách hàng quốc tế.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang