An Giang: Thu giữ 10 tấn củ tỏi tươi không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

author 14:40 11/05/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang vừa tiến hành kiểm tra, thu giữ gần 10 tấn củ tỏi tươi, do Trung Quốc sản xuất không có nhãn phụ tiếng việt.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, ngày 10/5/2023, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang) đã tiến hành khám phương tiện theo thủ tục hành chính đối với ô tô tải, hiệu Hino (có mui), biển kiểm soát 67C-043.73 (tại địa chỉ Lề đường Lý Thái Tổ, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), do ông N.V.Q là người điều khiển phương tiện.

Qua khám phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện đang vận chuyển hàng hóa là củ tỏi tươi, do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, số lượng 500 bao, tương đương với 10 tấn. Trị giá hàng hóa khoảng 143 triệu đồng.

Số tỏi khô bị lực lượng chức năng thu giữ 

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện có xuất trình các loại giấy tờ gồm: Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô; Giấy chứng nhận kiểm định; Giấy phép lái xe (Hạng C); Hợp đồng vận chuyển hàng hoá; hóa đơn bán hàng do Công ty TNHH XNK H.P (địa chỉ 119/1, QL1A, tổ 4, khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) xuất bán cho bà L.T.M.T (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Tờ khai hàng hoá nhập khẩu (thông quan) ngày 5/5/2023 và Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hoá có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.

Lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ và niêm phong tang vật để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới ghi nhãn phụ hàng hóa bằng tiếng Việt Nam, theo lực lượng chức năng hiện nay, nhiều hàng hoá nước ngoài khi được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam thì trên sản phẩm sẽ phải có ít nhất 2 loại nhãn, bao gồm nhãn gốc mang tiếng nước sản xuất và nhãn phụ mang tiếng Việt.

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.

Theo Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) quy định: Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hoá theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hoá.

Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn phụ: Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) quy định:

Đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định điểm a, b, c khoản 2 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu trữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hoá ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP trước khi đưa hàng hoá vào lưu thông tại thị trường Việt Nam.

Căn cứ quy định trên, nhãn phụ của hàng hoá phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hoá; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Xuất xứ hàng hoá; Các nội dung khác tuỳ theo tính chất của mỗi loại hàng hoá theo quy định của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ví dụ như định lượng, ngày sản xuất, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản,...

Như vậy, các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá nước ngoài tại thị trường Việt Nam cần đảm bảo các quy định về nhãn phụ hàng hoá.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang