Ăn nấm hái trên nương khiến 5 bà cháu nhập viện, 2 trẻ tử vong tại Lai Châu

author 07:23 08/06/2024

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lai Châu, địa phương này vừa xảy ra một vụ ngộ độc nấm khiến 2 trẻ tử vong, 5 người khác nhập viện theo dõi.

Cụ thể, bà L.P.X (bản Phìn Khò) cho biết, trước đó 6 người cháu của bà đi hái nấm trên nương và mang về để nấu canh. Vài giờ sau bữa ăn có canh nấm, rau bí và cơm trắng, bé P.L.D (9 tuổi), P.M.D (11 tuổi) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Bốn cháu còn lại đau bụng ít và buồn nôn.

Sau đó bé L.D. và bé M.D nôn ra máu và tử vong. Hai trẻ đều qua đời trên lán nương nhà, bà X. không thông báo chính quyền mà tự chôn cất tại nương.

Sau vụ việc công an xã Bum Tở nhận được thông tin đã nhanh chóng đưa 5 bà cháu đến Trung tâm Y tế huyện Mường Tè cấp cứu và gửi mẫu nấm xuống Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xác định nguyên nhân. Hiện tại, 5 bà cháu sức khỏe ổn định.

Trước đó tại lán nương của gia đình ông Hàng A Páo (49 tuổi, ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài) tổ chức nấu cơm phục vụ người cấy lúa. Tham gia bữa cơm có 21 người thuộc 2 bản Cư Nhà La và Lùng Thàng.

Có rất nhiều nấm dễ gây ngộ độc, tử vong. Ảnh minh họa

Bữa cơm gồm có 7 món, trong đó có món canh nấm dùng nấm mọc hoang dại được hái ở vườn ruộng của gia đình. Do thấy món nấm lạ nên trong bữa cơm trưa có 6 người không ăn và những người này không có triệu chứng ngộ độc. Trong khi đó anh Hàng A M. là người xuất hiện triệu chứng ngộ độc đầu tiên. Sau đó lần lượt có thêm 13 người xuất hiện triệu chứng ngộ độc và được người nhà và lực lượng y tế địa phương đưa đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã Sùng Phài và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.

Mùa hè là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm chứa độc tố tự nhiên như nấm. Đặc biệt, Việt Nam là một nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm sinh sôi và phát triển nhất là vào mùa mưa. Nước ta có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài chứa độc tố gây chết người.

Để phòng, chống ngộ độc nấm, Sở Y tế Lai Châu khuyến cáo người dân: Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc, kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu. Tuyệt đối không dùng nấm lạ, kể cả nấm màu trắng. Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với loại ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng có hình dạng giống nhau.

Không hái nấm non để ăn vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ có độc hay không. Không ăn nấm quá già. Không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa. Khi bị ngộ độc nấm, nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời để tránh các di chứng như suy gan, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, một số quan niệm sai lầm mà người cần tránh hiện nay. Ví dụ như, có người nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón). Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên.

Một số người thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa. Hơn nữa loài nấm có amatoxin gây chết người trung bình phải 12 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên và động vật thường chết ở ngày thứ 5 – 7 sau ăn nấm.

Kể cả việc thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc cũng là sai vì độc tố nấm không làm bạc chuyển màu. Vì vậy người dân không nên hái nấm hoang dại để ăn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang