Thông tin mới nhất về nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm hơn 400 người ở Vĩnh Phúc

author 13:17 22/05/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố thông tin bước đầu nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khiến hơn 400 người phải điều trị y tế.

Liên quan đến vụ việc ngộ độc tập thể mới đây tại Vĩnh Phúc, đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin kết quả điều tra cho thấy, nhiều thực phẩm được bếp ăn tập thể mua ở đơn vị cung cấp, nhưng truy xuất đến cùng đơn vị cung cấp này lại mua ở chợ không có giấy phép, không kiểm soát được chất lượng.

Bên cạnh đó, các món rau, hành, súp lơ, ớt chuông, rau mùi cũng được nhà cung cấp mua tại chợ dân sinh không có giấy phép kinh doanh, không có hợp đồng, phiếu giao nhận", vị này thông tin.

Theo ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, đến sáng 21/5 đã có kết quả kiểm nghiệm thực phẩm. Theo đó, phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu thức ăn. Đây là một trong những tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm ở người. "Loại vi khuẩn này có 2 độc tố chính gây nôn và tiêu chảy. Chúng tôi cũng thấy phù hợp với các triệu chứng của các nạn nhân bị ngộ độc", ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, món ăn nghi gây ngộ độc là canh chua giá đỗ. Kết quả điều tra cho thấy, trong bữa ăn ngày hôm đó, trong quá trình chế biến bị thiếu 6kg giá đỗ nên nhân viên đã ra Chợ Vĩnh Yên mua thêm cho đủ số lượng. Cơ quan chức năng hiện vẫn tiếp tục điều tra, truy xuất nguyên nhân vụ việc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra rằng, thực tế hiện nay có hiện tượng có nhiều cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát.

Ngộ độc thực phẩm đe dọa đến an sinh xã hội

Trước tình trạng các vụ việc ngộ độc thực phẩm gia tăng mạnh thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội của một địa phương. "Thời gian vừa qua xảy ra các vụ ngộ độc với số lượng nạn nhân rất lớn. Không chỉ sức khỏe, các vụ việc ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động sản xuất của doanh nghiệp", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ảnh minh họa 

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của chúng ta được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và được sự vào cuộc rất tích cực của các bộ ban ngành. Bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn 2 vấn đề cần xem xét.

Thứ nhất là thể chế như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các thông tư của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các văn bản pháp luật khác như hải quan và thuế.

"Tại sao trong thời gian qua vẫn xảy ra các vụ ngộ độc như Khánh Hòa, Đồng Nai. Phải xem thể chế có lỗ hổng nào không. Nếu chưa đầy đủ chúng ta kiến nghị, đề xuất. Vấn đề tổ chức thực hiện ở cơ sở như thế nào? Tại sao khi xảy ra ngộ độc vào kiểm tra vẫn còn tình trạng cơ sở chưa có đủ giấy phép? Thứ trưởng Tuyên chỉ ra.

Cục An toàn thực phẩm chỉ ra có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến vấn đề ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp:

Về nguyên nhân khách quan:

Ngộ độc thực phẩm là rủi ro rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Ngay cả những nước lớn, phát triển trên thế giới hàng năm vẫn ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm; Một nguyên nhân quan trọng là do năm nay thời tiết nắng nóng bất thường, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn bệnh đường ruộtp; Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm.

Hiện nay khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp bất chấp nhập các thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc để tối đa lợi nhuận. Bên cạnh đó định mức khẩu phần ăn cho người lao động thấp, khó chọn được chất lượng thực phẩm cao; Nhận thức của các cơ sở còn thấp.

Về nguyên nhân chủ quan:

Đã có quy định chặt chẽ về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, con người nhưng việc thực hiện ở nhiều cơ sở chưa đảm bảo. Một số cơ quan, cơ sở buông lỏng quản lý đặc biệt với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào. Cơ sở dù được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng lại nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi cung cấp cho đơn vị, người dân.

Nhiều nơi chưa phát huy được vai trò Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban phụ huynh trong công tác giám sát an toàn thực phẩm; Phối hợp liên ngành của các cơ quan chức năng chưa được tốt.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, về cơ bản thể chế có đủ nhưng việc thực hiện thể chế có vấn đề. Qua kiểm tra các vụ ngộ độc thực phẩm, vấn đề lưu mẫu, kiểm thực, kiểm soát thực phẩm đầu vào không được thực hiện đúng quy định. 

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang