Áp dụng công cụ BSC giúp đo lường hiệu quả quản trị doanh nghiệp

author 06:39 19/09/2022

(VietQ.vn) - Công cụ BSC (viết tắt của Balanced Score Card) còn được gọi là Thẻ điểm cân bằng. BSC là công cụ đo lường, cung cấp các phản hồi cho doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả quản lý và phục vụ yêu cầu của khách hàng.

Thời gian qua, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, công cụ BSC (viết tắt của Balanced Score Card) còn được gọi là Thẻ điểm cân bằng lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1992 bởi hai giáo sư đại học Harvard là Robert S. Kaplan và David Norton. Công cụ này ra đời với mục đích giúp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Hay nói một cách đơn giản, BSC chính là công cụ đo lường, cung cấp các phản hồi cho doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả quản lý và phục vụ yêu cầu khách hàng.

Thẻ điểm cân bằng BSC ra đời giúp nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, 5 lợi ích lớn của doanh nghiệp khi áp dụng công cụ BSC là giúp lập kế hoạch chiến lược tốt hơn; cải thiện truyền thông doanh nghiệp; liên kết chặt chẽ các dự án khác nhau trong doanh nghiệp; cải thiện hiệu suất báo cáo; đồng thời giúp tổ chức và điều phối các nguồn lực tốt hơn.

 
Một nghiên cứu toàn cầu của Bain & Co cho biết, Thẻ điểm cân bằng BSC đang đứng ở vị trí thứ năm trong nhóm mười công cụ quản lý được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới.
 

Cấu trúc mô hình BSC bao gồm 4 thước đo: Thước đo tài chính: Gồm các yếu tố như chi phí cố định, chi phí khấu hao, lợi tức đầu tư, lợi nhuận thu về, tốc độ tăng trưởng doanh thu...;

Thước đó khách hàng: Sự hài lòng của khách hàng là một chỉ số thành công của doanh nghiệp, nó ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu thu về của cả hiện tại và tương lai;

Thước đo quá trình hoạt động nội bộ: Kết quả của doanh nghiệp hoạt động trơn tru được tổng kết từ các chỉ số nhỏ lẻ như tốc độ tăng trưởng của quy mô, % người lao động gắn bó với doanh nghiệp tăng, % thời gian xử lý công vụ được rút ngắn...; 

Thước đo học tập và phát triển: Thước đo học tập và phát triển trả về kết quả tốt nghĩa là doanh nghiệp có thế mạnh về đào tạo nhân viên và biết cách áp dụng các công cụ làm việc hiệu quả.

Các doanh nghiệp sử dụng BSC đều đạt được những lợi ích cụ thể. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp nên áp dụng công cụ BSC thường là doanh nghiệp sản xuất hoạt động với quy mô vừa và lớn; các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Lý do là bởi các doanh nghiệp này thường có hệ thống phòng, ban cùng các dây chuyền sản xuất lớn;

Tiếp theo là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề. Lý do là bởi việc hoạt động ở nhiều lĩnh vực nên sự thiếu bao quát sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư và thực hiện mục tiêu một cách dàn trải. BSC là cầu nối tập trung lại các kế hoạch mục tiêu và sắp xếp thứ tự thực hiện chúng một cách phù hợp nhất;

Cuối cùng là các tổ chức phi lợi nhuận. Có thể nói đây là dạng đơn vị điển hình khi áp dụng mô hình BSC. Do mục tiêu của tổ chức hướng tới là các thành tựu ngoài lợi nhuận nên các khía cạnh của BSC như khách hàng, phúc lợi, đào tạo... sẽ được phát huy tối đa hiệu quả.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang