Áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay: ‘Trói’ doanh nghiệp, làm khó ngân hàng

authorĐỗ Thu Thoan 13:47 26/08/2017

(VietQ.vn) - Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp (DN) và của nền kinh tế.

Sự kiện: Kinh doanh

Cụ thể, theo báo Pháp luật TP.HCM, các DN sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Tương tự, với các DN ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1).

Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng (NH) thì tỷ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính cũng đề xuất thời điểm áp dụng quy định này là từ 1/1/2019.

ap-dung-quy-dinh-khong-che-chi-phi-lai-vay-troi-doanh-nghiep-lam-kho-ngan-hang

Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Trước đó, thông tin Vietnamnet đăng tải, theo Bộ Tài chính, Luật thuế TNDN hiện hành không có quy định khống chế khoản chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Đó là những DN mà Bộ này đánh giá là trong tình trạng vốn mỏng, DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất ít. Bộ Tài chính cho rằng: Thực tế nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN và cũng là 1 trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay. Về điều này, theo Bộ Tài chính là "để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp, của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá”, Vietnamnet thông tin.

Tuy nhiên, theo báo Pháp luật TP.HCM, nhiều chuyên gia và DN cho rằng nếu quy định khống chế chi phí lãi vay được áp dụng thì không chỉ khiến DN mất đi cơ hội làm ăn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn làm gia tăng nguy cơ gian lận sổ sách.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc Bộ Tài chính quy định khống chế lãi vay gây khó khăn lớn cho DN và làm giảm tăng trưởng tín dụng, đi ngược chủ trương của Chính phủ. “Hệ quả của quy định này là nhà kinh doanh sẽ phải hạn chế vay. Bởi nếu vay càng nhiều phải đóng thuế càng nhiều khi chi phí trả lãi vay vượt quy định không được khấu trừ khi tính thuế TNDN”, luật sư Xoa nói.

ap-dung-quy-dinh-khong-che-chi-phi-lai-vay-troi-doanh-nghiep-lam-kho-ngan-hang

Theo đó, doanh nghiệp vay nhiều tiền thì càng bị đánh thuế nặng. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tất Bính, Giám đốc công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, kể bình thường những DN nhỏ có vốn chủ sở hữu tầm khoảng 5-10 tỷ đồng tiếp cận vốn vay NH đã không hề đơn giản. Giờ lại thêm quy định này thì không khác nào trói cả tay lẫn chân của người kinh doanh.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc một NH thương mại nêu quan điểm: Trước khi phê duyệt một khoản vay, NH xem xét báo cáo tài chính, kiểm tra dòng tiền lưu động, lợi nhuận của DN, phương án kinh doanh... Nếu đạt yêu cầu mới cho vay. Do vậy, việc Bộ Tài chính đưa ra quy định khống chế chi phí lãi tiền vay là không hợp lý và không rõ ràng.

ap-dung-quy-dinh-khong-che-chi-phi-lai-vay-troi-doanh-nghiep-lam-kho-ngan-hang

Quy định khống chế chi phí lãi vay sẽ làm khó cho cả NH và DN. Ảnh minh họa

Cũng theo báo Pháp luật TP.HCM, chuyên gia tài chính-NH - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Tùy vào từng ngành nghề mà DN có nhu cầu vay vốn khác nhau, nếu quy định này được áp dụng thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà NH cũng bị tác động. Bởi khi phê duyệt 1 khoản vay, NH sẽ nhìn vào tài sản bảo đảm, vòng quay vốn lưu động, đánh giá tình hình sức khỏe tài chính DN dựa trên bản cân đối kế toán...

Qua đó xem DN làm ăn có lãi không, tính toán tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, tỉ lệ tài sản có ngắn hạn/tài sản nợ ngắn hạn như thế nào. Nếu một DN có uy tín, dòng tiền tốt, tài sản bảo đảm nhiều thì NH sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng có thể lên tới 6:1, 7:1 hoặc 10:1. “Do đó, nếu Bộ Tài chính chỉ dùng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu để làm thước đo sức khỏe tài chính của DN là không hợp lý và làm khó cho cả người cho vay và người đi vay” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo bà Dương Thị Thảo, chủ một DN chế biến thức ăn chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương, đánh giá đề xuất vay càng nhiều phải đóng thuế càng nhiều của Bộ Tài chính quá vô lý. “Vốn chủ sở hữu của công ty chúng tôi 50 tỷ đồng nhưng tài sản cố định được NH định giá là 400 tỷ đồng với hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Mỗi năm công ty vay 600-700 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều này cho thấy vốn chủ sở hữu không thể hiện hết năng lực tài chính của DN nên cơ quan quản lý không thể xem đây là yếu tố cốt lõi để đánh giá và làm căn cứ cho vay nhiều hay ít”, báo Pháp luật TP.HCM  dẫn lời bà Thảo nói.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang