Bà Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp Việt chịu nhiều thiệt thòi

author 07:10 08/01/2014

Không được ưu đãi về đất đai, thuế hay vốn vay như khối FDI, cộng với khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến nhiều doanh nghiệp trong nước ngày càng sa sút, theo chuyên gia Phạm Chi Lan.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với phóng viên những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay và giải pháp giúp người kinh doanh vượt qua các thách thức.

Theo thống kê, năm 2011 có 23.000 doanh nghiệp phá sản. Con số này lên 24.000 trong 2012 và đến 2013 tăng trên 50%, tương đương gần 61.000 đơn vị. “Chúng ta quá ưu ái cho khối FDI mà không dành đãi ngộ cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam, ít nhất họ cũng cần được bình đẳng", bà Lan nói.

Trong báo cáo gần đây của nhóm nghiêm cứu kinh tế Fulbright, 4 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân trong nước, các hộ kinh doanh nông sản, nông nghiệp và FDI, chỉ có khối FDI sống được và tiếp tục sống khỏe với những ưu đãi của Việt Nam. Các thành phần còn lại đều gặp khó khăn về thể chế.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, giá đất tăng cao khiến doanh nghiệp tư nhân khó chọn cho mình vị trí phù hợp nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI dễ tiếp cận hơn. Hầu hết các địa phương đều theo phương châm trải thảm đỏ cho nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đất với giá rẻ, trong thời gian lâu dài. Nhiều địa phương còn tuyên bố ưu tiên đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê, rồi mới tới lượt doanh nghiệp trong nước.

                              Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Ngoài ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng cũng là yếu tố tạo ra sự thiếu công bằng giữa doanh nghiệp FDI và trong nước. Khi vào Việt Nam, khối FDI được miễn giảm thuế trong thời gian dài, còn doanh nghiệp Việt không được hưởng ưu đãi này. Họ còn có thể vay vốn từ các ngân hàng trong nước một cách dễ dàng với lãi suất ưu đãi. Ngay cả sau này, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất thì trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phải vay cao hơn so với mức công bố. Đó là chưa kể các điều kiện kinh doanh hay tiếp cận thị trường, khối FDI cũng được tạo điều kiện hơn. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì doanh nghiệp Việt chưa thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới.

Sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các nước khác ổn định sản xuất, còn Việt Nam tiếp tục rơi vào khó khăn của nội bộ nền kinh tế. Số doanh nghiệp mới tham gia thị trường tăng lên nhưng lượng mất đi cũng không kém. Ngoài ra, lạm phát vẫn còn cao và các vấn đề bất ổn vẫn tiếp tục kéo dài cũng khiến doanh nghiệp lao đao.

Đánh giá chung về tình hình sau 7 năm gia nhập vào thị trường thế giới, bà Lan công nhận Việt Nam đã hưởng một số lợi ích nhất định. Nguồn vốn nước ngoài (FDI) tăng, kể cả những nhóm ngành thuộc về lĩnh vực công nghệ cao như đầu tư của Intel, Samsung…. Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu đi lên mạnh mẽ, doanh nghiệp Việt đặt chân sang thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới sau năm đầu tiên gia nhập cũng tăng mạnh, từ 4.000 lên đến 6.000 đơn vị một năm. Sự khởi sắc của ngành dịch vụ cũng gây ấn tượng khi Việt Nam gia nhập WTO.

Nhưng bức tranh đẹp của thị trường Việt chỉ duy trì hơn một năm, sau đó nền kinh tế phải chịu sức ép của cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tốc độ xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều dự án của doanh nghiệp FDI trong 2007-2008 ngưng hoạt động. Yếu tố tiếp theo khiến Việt Nam gặp thách thức khi gia nhập WTO là chưa có sự chuẩn bị tích cực trong cải cách thể chế, tổn hại nhiều nhất chính là ở cải cách hành chính chưa đạt được kỳ vọng.

Theo quan điểm của bà Lan, một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững đều phải dựa vào nội lực nên muốn thoát khỏi khó khăn và phát triển trong tương lai thì nội lực phải mạnh chứ không thể dựa vào bên ngoài. Còn việc Việt Nam vẫn đang dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính nhất thời. Khi không còn cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nữa, họ sẽ tự động rút lui khỏi thị trường và chuyển sang những mảnh đất màu mỡ mới. Khi ấy Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn nữa. Sự việc này đã xảy ra ở Thái Lan năm 1997.

"Việt Nam cần điều chỉnh lại chính sách, rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi xấu của một số doanh nghiệp nước ngoài như chuyển giá để trốn thuế", bà Lan hiến kế.

Theo VnExpress

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang