Nhiều bác sĩ cảnh báo: Gan 'xơ xác' vì thường xuyên sử dụng rượu bia
Chuyển mình thích ứng thời đại số quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp
Giải bóng đá học sinh trường Tiểu học Dịch Vọng A lần thứ V
Uống nhiều rượu bia có thể gây teo não như thế nào?
Nghiện rượu bia có thể làm tăng khả năng bị viêm phổi nghiêm trọng
Kết quả cuộc điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia đều tăng cao qua các năm.
Theo các chuyên gia, rượu được ví như “sát thủ thầm lặng” gây hại gan. Việc thường xuyên uống rượu khiến cho gan bị quá tải, có thể gây ngộ độc tế bào gan. Về lâu dài, gan sẽ bị xơ hóa, suy giảm hoặc mất chức năng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V.A (60 tuổi, Sơn La). Bệnh nhân đi khám trong tình trạng mệt mỏi, nước tiểu màu vàng đậm. Trước đó 5 năm, ông A đã được chẩn đoán xơ gan nhưng do không thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường nên ông chủ quan không điều trị và không tuân thủ tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Dù được bác sĩ cảnh báo việc uống rượu bia sẽ khiến cho tình trạng xơ gan thêm nặng nề tuy nhiên bệnh nhân vẫn không thay đổi thói quen vẫn luôn duy trì thói quen uống rượu 500ml/ ngày.
Theo TS.BS Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec, kết quả khám cho thấy chỉ số men gan trong máu của bệnh nhân A tăng ở mức báo động, bệnh nhân bị xơ gan mất bù kèm theo dịch ổ bụng. Bệnh nhân còn có kết quả dương tính với viêm gan B.
Theo các bác sĩ, cần hạn chế uống rượu bia vì có thể gây tàn phá gan nghiêm trọng. Ảnh minh họa
TS.BS Ngô Chí Cương cho biết thêm, bệnh nhân có tiền sử mắc xơ gan nhưng không điều trị, cộng thêm việc thường xuyên uống rượu bia nên đã khiến bệnh tiến triển thành xơ gan mất bù trầm trọng. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc viêm gan B mạn tính kèm theo. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như: Suy gan cấp và mạn tính, hôn mê gan, thậm chí là tử vong nếu không được ghép gan.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho hay, gan đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Chức năng gan suy yếu sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là chức năng tiêu hóa. Khi chức năng gan suy giảm, nếu người bệnh tiếp tục uống rượu bia thì có thể gây ngộ độc gan và dẫn đến tình trạng chán ăn, mệt mỏi. Lạm dụng rượu có thể khiến gan không kịp đào thải các chất độc hại. Các chất độc này tích tụ trong gan có thể gây tổn thương gan. Bên cạnh đó, uống quá nhiều rượu bia còn khiến men gan tăng cao, hủy hoại các tế bào gan, thậm chí có thể gây biến đổi ADN, làm xuất hiện tế bào lạ (ung thư).
Thông tin về trường hợp bệnh nhân A, TS.BS Ngô Chí Cương cho hay, bệnh nhân A có tình trạng viêm gan virus tuy nhiên không điều trị. Viêm gan B mạn tính gây ra bởi virus HBV tồn tại trong cơ thể người trên 6 tháng. Viêm gan virus thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng lâm sàng mờ nhạt, đến khi phát hiện thì bệnh có thể đã tiến triển đến giai đoạn xơ gan mất bù.
Hiện nay, viêm gan B mạn tính vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn mà chỉ có các phác đồ thuốc điều trị nhằm ức chế hoạt động của virus. Đặc biệt, với bệnh nhân xơ gan, việc điều trị cần tiến hành suốt đời, giúp người bệnh có thể “chung sống hòa bình” với virus.
Theo TS.BS Ngô Chí Cương, bệnh nhân mắc xơ gan và viêm gan B mạn tính cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Cụ thể, bệnh nhân cần tuân thủ lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, dùng thuốc đúng liều và phải kiêng rượu bia.
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc xơ gan, viêm gan B mạn tính có thể sống khỏe mạnh như người bình thường nhờ tuân thủ phác đồ điều trị và có khả năng đáp ứng thuốc tốt. Bởi vậy, để điều trị thành công bệnh lý này, người bệnh cần kiên trì và thường xuyên thăm khám đề bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng bệnh.
Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, khi uống rượu bia, chất cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu còn 90% còn lại đi thẳng qua gan, khiến gan nhiễm độc nặng nề, từ đó gây hại cho cơ thể.
Toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa đều sẽ phải đi qua gan trước khi về tim nên gan sẽ là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Xơ gan là một trong những nguy cơ lớn nhất gây ung thư gan. Với những người thường uống nhiều rượu, nghiện rượu thì có nguy cơ rất cao là gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan. Những bệnh trên có thể xảy ra cùng một lúc hoặc xuất hiện dần theo thời gian.
Đặc biệt, chất cồn và các độc tố khác từ rượu bia sẽ kích hoạt tế bào Kupffer của gan, gây sản sinh quá mức các chất gây viêm như Interleukin, TGF-β, TNF-α,...tấn công tế bào gan, khiến chúng tổn thương và chết nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy, mức độ tàn phá gan của các chất gây viêm do tế bào Kupffer tiết ra nặng nề hơn nhiều so với độc chất từ rượu bia.
Nguy hiểm hơn, do nhiệm vụ chính của gan là giải độc cho cơ thể, nhưng khi tế bào gan bị hư tổn và chết nhiều sẽ khiến gan suy giảm khả năng giải độc. Các độc tố ứ đọng trong gan ngày một nhiều càng làm gan nhiễm độc nặng nề. Tình trạng nhiễm độc sẽ tăng dần và ảnh hưởng trên diện rộng, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm tại gan cũng như toàn cơ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, người trưởng thành chỉ nên dùng một đơn vị bia rượu mỗi ngày (tương đương 270ml bia hoặc 125ml rượu vang, 25 ml rượu mạnh). Nếu dùng quá mức này được coi là lạm dụng và gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, đặc biệt cho lá gan.
An Dương (T/h)