Nghiện rượu bia có thể làm tăng khả năng bị viêm phổi nghiêm trọng

authorNgọc Nga 08:56 26/01/2024

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, nghiện rượu bia không chỉ gây hại gan mà người nghiện rượu còn có khả năng bị viêm phổi cao hơn từ 3 đến 4 lần so với người không nghiện rượu.

Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố. Hồ Chí Minh cho hay, trong nghiên cứu, không chỉ gan là bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất, người nghiện rượu có khả năng bị viêm phổi cao hơn từ 3 đến 4 lần so với người không nghiện rượu.

Đặc biệt, viêm phổi ở người hay uống bia rượu thường nặng hơn, diễn biến nhanh, tỷ lệ phải nhập viện cao, thời gian điều trị dài hơn so với người không uống rượu bia. Trường hợp người hay uống rượu bia đã ở giai đoạn xơ gan, cộng hưởng thêm viêm phổi, cơ hội sống có thể chỉ còn khoảng 30% hoặc thậm chí thấp hơn.

Ngoài những vi khuẩn gây viêm phổi ở người bình thường, người hay uống rượu bia còn có nguy cơ cao bị nhiễm các loại vi khuẩn như phế trực khuẩn (Klebsiella pneumoniae), phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và trực khuẩn lao (Mycobacteryum tuberculosis).

Uống nhiều rượu bia còn gây ra vấn đề nghiêm trọng ở phổi. Ảnh minh họa

Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do viêm phổi ở người hay uống rượu do các vi khuẩn nói trên là khoảng 83%. Bên cạnh đó, người hay uống bia rượu còn dễ bị viêm phổi vì khả năng ho khạc kém, phổi bị ứ động đờm dãi.

Sự trào ngược dịch từ dạ dày lên thực quản, tràn vào phổi hay xảy ra ở người nghiện rượu. Những dịch này mang theo vi khuẩn từ ruột lên cộng với axit dịch vị vào đường hô hấp, từ đó gây viêm phổi.

Ngoài ra, sau khi uống rượu, có khoảng 5% lượng cồn trong máu nhanh chóng được khuếch tán vào các phế nang. Tại đây chúng sẽ được làm ấm và chuyển hóa thành dạng hơi mà khi thở ra, các phân tử hơi này chính là tiêu chí để đo nồng độ cồn trong hơi thở. Những người uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ khiến chất chống oxy hóa quan trọng trong phổi mất đi, từ đó làm tổn thương vĩnh viễn lên phổi. Chính vì vậy mà người nghiện rượu thường có nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm như viêm phổi và các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác cao hơn.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của giáo sư Linda Bauld thuộc Trung tâm Nghiên cứu thuốc lá và rượu Anh Quốc, các bằng chứng xác đáng đã chỉ ra rằng rượu làm tăng nguy cơ mắc phải một số loại ung thư như: Gan, ruột, thực quản, vòm họng và ung thư vú.

Khi được nạp vào cơ thể, rượu sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde - 1 chất được biết đến với khả năng gây ung thư cao. Mặt khác, rượu cũng làm suy yếu đi khả năng phân hủy và hấp thu nhiều chất dinh dưỡng của cơ thể, gây tăng nguy cơ mắc phải ung thư. Cồn khi kết hợp cùng các tác nhân gây ung thư khác như chất độc trong thuốc lá cũng khiến tỷ lệ mắc ung thư tăng lên nhiều lần.

Đối với người mắc viêm phổi có tiền sử uống nhiều rượu bia, việc điều trị chủ yếu là kháng sinh. Ở thể nặng, bệnh nhân cần được điều trị tại các khoa hồi sức tích cực với biện pháp hồi sức hô hấp, tuần hoàn, kháng sinh đường tĩnh mạch... Do đó theo khuyến cáo từ các bác sĩ những người thường xuyên uống rượu bia nên chú ý đến một số dấu hiệu sớm của viêm phổi như: đột ngột mệt mỏi, tực ngực, sốt dai dẳng, bất ngờ muốn bỏ rượu...

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang