Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI: Sai phạm quảng cáo do phía đối tác, đại lý phân phối 'tự làm'

author 09:41 13/11/2024

(VietQ.vn) - CVI Pharma từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt năm 2014 do quảng cáo không đúng nội dung đăng ký. Sau 10 năm, trên các trang mạng xã hội và website vẫn tràn lan quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh do CVI Pharma phân phối và chịu trách nhiệm.

Trong bài viết đầu tiên “Tràn lan quảng cáo sai sự thật, Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI khẳng định kinh doanh bằng ‘cái tâm’?”, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn khách quan và trung thực đối với vấn nạn quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng sai sự thật của nhiều tổ chức, doanh nghiệp nói chung, trong đó đề cập đến vấn đề quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma).

Trước khi đi sâu vào bài viết thứ hai, chúng ta cần khẳng định rằng, sức mạnh của quảng cáo chính là đánh vào nhận thức của mỗi người tiêu dùng nhằm thúc đẩy hành động mua bán. Quảng cáo luôn là phương pháp hữu hiệu trong mọi hoàn cảnh nhưng cũng có thể là “con dao hai lưỡi” đối với người dùng nếu tin vào những lời quảng cáo vô căn cứ.

PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam từng chia sẻ, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng chất lượng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư. 

Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Sai phạm từ phía đối tác, đại lý phân phối?

Sau buổi làm việc đầu tiên vào ngày 04/11/2024, đến ngày 11/11/2024, phóng viên tòa soạn Chất lượng Việt Nam tiếp tục có buổi làm việc thứ hai với đại diện CVI Pharma gồm bà Nguyễn Minh Ngọc - Trợ lý Giám đốc CVI Pharma và bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc ngành hàng thực phẩm chức năng của CVI Pharma.

Theo đó, bà Phạm Thị Huệ cho biết, nội dung bài viết đầu tiên hoàn toàn đúng như những gì đã trao đổi trước đó giữa doanh nghiệp và Tòa soạn. Theo bà Huệ, những sai phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh mà Tòa soạn đề cập đến là từ phía các đối tác chứ không phải do CVI Pharma:

“Về các sai phạm thì đó là câu chuyện của sản phẩm chứ không phải vấn đề của CVI Pharma, nghĩa là những sai phạm về quảng cáo trên một số trang mạng xã hội không thuộc quản lý của nhãn hàng mà từ phía đối tác, đại lý phân phối họ làm truyền thông để quảng cáo. Với góc độ là người quản lý các nhãn hàng đó, chị chia sẻ rằng bản thân cũng chưa có đủ năng lực để kiểm soát hết toàn bộ các nội dung vì trên mạng xã hội mọi người đều có thể dễ dàng lấy được thông tin và đăng tải”.

Đồng thời bà Huệ nhấn mạnh: “Các nội dung quảng cáo sai phạm khiến cho người tiêu dùng hiểu sai về phương châm của Công ty đối với hoạt động truyền thông. Phương châm kinh doanh của CVI Pharma luôn là dựa trên chất lượng sản phẩm. Đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn, các đại lý đôi khi sẽ hơi làm quá để giải quyết câu chuyện bán hàng… Về vấn đề này phía chị sẽ cố gắng tìm hiểu thông tin để xem đại lý nào vi phạm nhằm có những cảnh cáo cũng như ràng buộc nhưng cũng chỉ được một phần nào thôi…”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc phía CVI Pharma có ràng buộc nào để quản lý vấn đề quảng cáo đối với các đại lý, nhà phân phối, bà Huệ cho hay: “Phía CVI Pharma có các công ty phân phối và các công ty này sẽ làm việc với các đại lý phân phối. Nếu nói về ràng buộc chính xác các nội dung họ đăng tải thì CVI chỉ làm việc với các công ty phân phối của mình chứ không có với các cấp thấp hơn, các đại lý nhỏ lẻ…”.

Phân tích câu trả lời từ phía CVI Pharma, chúng ta nhận thấy 2 vấn đề chính: Thứ nhất, CVI Pharma khẳng định sai phạm quảng cáo là do các đại lý phân phối nhỏ lẻ, các trang mạng xã hội chứ không phải do chủ quan từ Công ty; Thứ hai, CVI Pharma chỉ ràng buộc đối với công ty phân phối của mình chứ không có bất kỳ ràng buộc nào về quảng cáo đối với các đại lý thấp hơn phân phối sản phẩm của Công ty mình.

Quá trình liên kết giữa trang facebook vi phạm quảng cáo đến website chính thống của CVI Pharma nhằm hướng dẫn người dùng mua sản phẩm Cumar Gold New. (Ảnh chụp màn hình).

Về vấn đề thứ nhất có một số nội dung cần làm rõ. Cụ thể, đối với sản phẩm Cumar Gold New, trên 2 trang facebook “Cumar Gold New”, "Cumar Gold" cũng chính là 2 trang facebook quảng cáo sai phạm đã nêu, trong phần Hướng dẫn mua sản phẩm của trang facebook này thì đường link lại dẫn đến website cumargold.vn và đây lại là website của Công ty CP Dược Mỹ Phẩm Pharma đăng ký với Bộ Công thương!? Hơn nữa, Tổng đài tư vấn sản phẩm 18001796 trên trang facebook này cũng là Tổng đài tư vấn của CVI Pharma.

Tiếp nữa, đối với sản phẩm Heposal, trên trang facebook “Heposal - Bảo vệ gan toàn diện”, trong phần Hỗ trợ liên hệ của trang facebook này đường link lại dẫn đến website heposal.com và đây tiếp tục là website của Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI đăng ký với Bộ Công thương. Và, tổng đài tư vấn sản phẩm vẫn là 18001796 của CVI Pharma.

Quá trình liên kết giữa trang facebook vi phạm quảng cáo đến website chính thống của CVI Pharma nhằm hướng dẫn người dùng mua sản phẩm Heposal. (Ảnh chụp màn hình).

Thật ra, nội dung trả lời của CVI Pharma cũng không khiến người ta lạ lẫm bởi theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có trường hợp doanh nghiệp không thừa nhận hành vi quảng cáo vi phạm mà đổ lỗi cho đại lý, người bán sản phẩm của công ty đó tự thực hiện quảng cáo trên một số website, facebook… nhưng “thông thường, không ai hơi đâu mà tự dưng đi quảng cáo không công và quảng cáo sai phạm cho sản phẩm không phải của họ” - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu quan điểm, đồng thời khẳng định, cơ quan chức năng sẽ truy đến cùng các sai phạm để xử lý.

Về vấn đề thứ hai liên quan đến ràng buộc quảng cáo đối với các đại lý, nhà phân phối, bà Huệ thừa nhận là không có ràng buộc nào đối với các đại lý, phân phối cấp thấp trong việc quảng cáo sản phẩm của CVI Pharma. Câu hỏi đặt ra, khi không có ràng buộc, nhà phân phối có thể quảng cáo sản phẩm với công dụng trên trời, chẳng khác nào “thả nổi” để cho các đại lý phân phối tự biên tự diễn miễn sao bán được hàng?

CVI Pharma từng bị cơ quan chức năng xử phạt

CVI Pharma bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt vào năm 2014 do quảng cáo không đúng nội dung đã đăng ký, thời điểm này CVI Pharma có địa chỉ tại 352 đường Giải phóng, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào năm 2014, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI do quảng cáo không đúng nội dung đã đăng ký. Thời điểm đó, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI có địa chỉ tại số 303 nhà B, 352 Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội. Hiện nay, CVI Pharma có địa chỉ tại: Lô đất CN1-08B-3 Khu công nghiệp công nghệ cao 1 – Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Km 29 đại lộ Thăng Long, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội

Văn phòng miền Bắc của Công ty này có địa chỉ tại: Tòa nhà Comatce, số 61 Ngụy Như Kon Tum, P. Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội; Văn phòng miền Nam có địa chỉ tại số 28 Phạm Vấn, Phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phan Văn Hiệu là dược sĩ cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI.

Tại văn bản, cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu CVI Pharma dừng ngay hành vi vi phạm; tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định; cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung quảng cáo sai.

Không phải trên mạng xã hội mà ngay trên website cumargold.vn do CVI Pharma đăng ký với Bộ Công thương cũng có dấu hiệu vi phạm quảng cáo. (Ảnh chụp màn hình).

Các chuyên gia đánh giá, thương trường đầy khốc liệt nhưng cũng chính là môi trường sàng lọc các doanh nghiệp không đủ năng lực, không đủ tâm, đủ tầm để tồn tại và phát triển bền vững. Trong đó, chiến lược phát triển cũng như đối phó với các vấn đề phát sinh là kim chỉ nam cho doanh nghiệp, muốn tồn tại phải từ thực lực, nếu từ mánh khóe đi lên sớm muộn “cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra” và doanh nghiệp cũng tự lấy bút gạch tên của chính mình.

Điều 197 - Tội quảng cáo gian dối - Bộ Luật Hình sự 2015 nêu rõ: 1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khoản 2, Điều 198 - Tội lừa dối khách hàng - Bộ Luật Hình sự 2015 nêu rõ: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang