Bài 2: Kiểm soát chợ online buôn bán hàng giả, nhái: Nan giải bài toán quản lý

author 15:12 28/01/2021

(VietQ.vn) - Lợi dụng kẽ hở trong kiểm soát, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên kênh online vẫn diễn biến phức tạp và chưa có phương án xử lý triệt để.

Không dễ quản lý

Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong năm 2020, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25.000 tỷ đồng (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 2.543 vụ án, với hơn 3.502 đối tượng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều hạn chế. Cụ thể, với hàng loạt vụ việc lợi dụng môi trường mạng internet để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội bị cơ quan chức năng triệt phá... đã cho thấy những lỗ hổng, hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử.

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến hiện nay là do các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, chỉ có điện thoại để giao dịch, không thể kiểm tra được ngay hoặc không có sản phẩm tại địa chỉ kinh doanh. Hoàn toàn người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào.

Bên cạnh đó, vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng internet nên người bán dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn. 

Hơn nữa, các trường hợp vi phạm rõ ràng chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời mà vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp như xác minh chủ thể đăng ký, chủ sở hữu trang web, xác minh giao dịch với sàn thương mại điện tử, kiểm tra, lập biên bản vi phạm...

Chính sách chưa theo kịp?

Sự đổi mới liên tục của công nghệ nên các hành vi vi phạm ngày càng diễn ra tinh vi, hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức và một số mô hình hoạt động thương mại điện tử mới đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước...

Việc kinh doanh, buôn bán hàng nhái trên kênh online đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng, nhưng nếu phát hiện cũng chỉ phạt vài triệu đồng nên hầu như không đủ sức răn đe. Vì thế, không ít đối tượng sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi... Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tạo ra siêu lợi nhuận nên có sức hút, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy. Trên thực tế, việc xử lý những doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái đang khó khăn hơn vì thủ đoạn của họ ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trên thực tế, về hành lang pháp lý, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý, nhưng thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh.

Một điểm đáng lưu ý là thời gian qua, lực lượng Quản lý thị Trường đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, tạm giữ rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu được vận chuyển qua kênh bưu chính. Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị, cần sửa đổi gấp các quy định pháp luật có liên quan để phòng, chống việc lợi dụng kênh chuyển phát để bán hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử.

Kho chuyên bán hàng giả, hàng nhái ở Lào Cai bị cơ quan chức năng triệt phá. 

Do đó, sự phối hợp của các cơ quan chức năng để chia sẻ các dữ liệu, thông tin phục vụ đấu tranh gian lận thương mại điện tử là cần thiết. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Dưới góc độ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, Cục Canh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho rằng, chính người mua cũng vô hình “đồng hành tiếp tay” cho hoạt động thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng nhái do chủ động tìm mua những mặt hàng này.

Nguyên nhân do điều kiện kinh tế, đồng thời người tiêu dùng cũng thiếu hiểu biết và thấy lợi ích của việc bài trừ những mặt hàng này hướng đến lợi ích lâu dài cho bản thân và toàn bộ nền kinh tế. Từ đó, thực tế rất ít trường hợp khách hàng phát hiện, tố cáo, phản ánh hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật. Bên cạnh một số người mua nhầm phải hàng giả do khó phân biệt được hàng thật - hàng giả vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận...

(Còn nữa)

Nguyên Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang