Bài học ngăn ngừa điều tra phòng vệ thương mại ngành thủy sản tại thị trường Hoa Kỳ
![author](https://vietq.vn/templates/themes/images/icontacgia.png)
(VietQ.vn) - Những cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra cho các doanh nghiệp ngành thuỷ sản Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhằm vượt qua các vụ kiện và đạt được kết quả tốt nhất.
Cảnh báo trang Facebook lừa đảo mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cảnh báo lừa đảo dưới phương thức dịch vụ mạo danh cho vay tiền và thông qua ứng dụng Signal
Cảnh báo ứng dụng độc hại trên Amazon Appstore
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2024, hàng hóa Việt Nam đã chịu điều tra trong khoảng 273 vụ việc phòng vệ thương mại tại 25 thị trường. Đây đều là những thị trường chủ lực, bao gồm cả những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Riêng năm 2024 chứng kiến số lượng vụ điều tra PVTM gia tăng đáng kể với 29 vụ điều tra mới - tăng gấp đôi so với năm 2023 và chỉ thấp hơn mức đỉnh 39 vụ của năm 2020. Điều đáng nói, không chỉ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thép, nhôm, thủy sản, gỗ bị điều tra, mà ngay cả các mặt hàng nhỏ như đĩa giấy – với kim ngạch chỉ khoảng 9 triệu USD – cũng không nằm ngoài tầm ngắm.
Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dẫn đầu trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại của chính quyền Hoa Kỳ ngày càng gia tăng: “Áp dụng đồng thời cả điều tra phá giá và trợ cấp, thậm chí đưa vào các yếu tố mới như tính trợ cấp xuyên biên giới, các quy định về lao động và môi trường. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn”.
Nguyên nhân chính khiến các vụ PVTM gia tăng đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt với Hoa Kỳ, đạt mức 102 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Thứ hai, hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng cải thiện, gây ra xung đột lợi ích với các nhà sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu. Thứ ba là chính sách bảo hộ gia tăng mạnh mẽ, tập trung vào việc bảo vệ ngành sản xuất nội địa và lao động trong nước.
![](https://vietq.vn/Images/Khanhmai/2025/01/10/Ảnh chụp Màn hình 2025-01-10 lúc 21.49.50.png)
Cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, do Hoa Kỳ chưa công nhận có nền kinh tế thị trường của Việt Nam, nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ lựa chọn quốc gia có nền kinh tế tương đương, có số lượng nhà sản xuất đáng kể và tương đồng với Việt Nam để quyết định làm quốc gia thay thế tính mức thuế chống bán phá giá chống bán phá giá cho Việt Nam. Trên thực tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ không chọn quốc gia cố định mà thay đổi theo từng kỳ rà soát, điều này khiến cho các doanh nghiệp luôn luôn bị động.
Có thể nói, việc đối diện với các vụ điều tra phòng vệ thương mại, cùng với các rào cản kỹ thuật, quy định xuất xứ theo Chương trình giám sát thuỷ sản nhập khẩu của Hoa Kỳ (SIMP), theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam sẽ là khó khăn và trở ngại cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản vào Hoa Kỳ, cũng như còn giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các quốc gia khác.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trước các vụ kiện
Thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, việc nâng cao năng lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp thuỷ sản theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cần phải đẩy mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải có đồng lòng nhất trí, cùng ngồi lại của doanh nghiệp trong ngành khi có vụ việc xảy ra. Điều này minh chứng từ kết quả của các vụ kiện tôm Việt Nam có được kết quả tương đối khả quan như hiện nay là nhờ sự đồng lòng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động về kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ về sản lượng, loại sản phẩm, và giá bán,... Cũng như phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ kỹ thuật và kế toán của doanh nghiệp. Các thông tin doanh nghiệp cần được hệ thống hóa từ khâu từ ao nuôi, thu hoạch, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, bảo quản, định mức khấu hao, nhân công, các chi phí phụ khác,... Trong quá trình cung cấp thông tin điều tra, doanh nghiệp phải tham gia trả lời các câu hỏi của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đúng thời hạn, có nguồn quỹ sẵn sàng để thuê luật sư tư vấn pháp lý khi tham gia vụ kiện.
Thời gian tới, ở góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục là chủ công trong ứng phó phòng vệ thương mại. Vì thế, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại trong cập nhật thông tin, tình hình diễn biến của các vụ kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ và các thị trường khác.
Khánh Mai (t/h)