Bài học về chuỗi cung ứng hậu Covid-19

author 16:51 10/06/2020

(VietQ.vn) - Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó.

Hiện nay, chuỗi cung ứng bao gồm những mối liên hệ đan xen, phức tạp, khi có gián đoạn xảy ra sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng ở mọi khía cạnh từ người lao động tới kinh tế và xã hội. Đại dịch Covid-19 là một minh chứng, bởi nó khiến chúng ta nhận ra mức độ lệ thuộc phức tạp và dễ bị tổn thương của hệ sinh thái chuỗi cung ứng hiện đại khi những đứt gãy có tác động lan truyền giữa các ngành và giữa các quốc gia với nhau.

Các thay đổi đột ngột về nhu cầu tiêu dùng cũng như những gián đoạn trong hoạt động thương mại xảy ra do các nhà cung ứng từ nhiều quốc gia tiến hành hoạt động gom hàng khiến cho tác động của đại dịch đã trở nên sâu rộng và không còn là vấn đề tạm thời đối với chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp. 

 
Chuỗi cung ứng là sự liên kết các công ty nhằm đưa sản phẩm hay dịch vụ vào thị trường. Như vậy, chuỗi cung ứng bao gồm mọi công đoạn có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chuỗi cung ứng là một mạng lưới các lựa chọn sản xuất và phân phối nhằm thực hiện các chức năng thu mua nguyên liệu, chuyển đổi nguyên liệu thành bán sản phẩm và thành phẩm, phân phối chúng cho khách hàng. Chuỗi cung ứng không chỉ gồm nhà sản xuất hay nhà cung cấp, mà còn bao gồm nhà vận chuyển, kho, người bán lẻ và bản thân khách hàng.
 

Trong tương lai, vận hành chuỗi cung ứng sẽ cần bước chuyển mình sang các mô hình chủ động và tổng thể hơn. Điều này cũng được phản ánh quan điểm của các lãnh đạo tài chính (CFO) ghi nhận từ kết quả “Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về Covid-19” mới nhất được PwC công bố vào tháng 5 vừa qua.

Trong đó các CFO cho biết đang có kế hoạch điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và các vấn đề của bên thứ ba để chuẩn bị tốt hơn cho các khủng hoảng trong tương lai.

Cụ thể, hơn một nửa (51%) các CFO đánh giá việc xác định và phát triển thêm nguồn cung thay thế là vấn đề cấp bách trong chiến lược chuỗi cung ứng. Trong khi đó, 45% các CFO mong muốn thay đổi các điều khoản hợp đồng và 45% muốn hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và hoạt động của các nhà cung cấp hiện nay và trong tương lai.

Trao đổi về vấn đề này, ông Grant Dennis, Chủ tịch PwC Việt Nam cho biết: Là một trong số các quốc gia đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này làm nền tảng vươn lên và xây dựng chiến lược thích ứng chủ động. Đây là thời điểm đòi hỏi các doanh nghiệp có cái nhìn rõ nét hơn về chuỗi cung ứng, và đặt ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng chiến lược thích ứng dài hạn cho doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 mang đến cho doanh nghiệp bài học quý giá về khả năng thích ứng nhanh nhạy khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ảnh minh họa. 

Cuộc khủng hoảng lần này đã mang đến những bài học kinh nghiệm quý giá, các doanh nghiệp cần tận dụng khả năng thích ứng nhanh nhạy mà họ đã xây dựng được. Chuỗi cung ứng trong tương lai không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Đánh giá tình hình một cách chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế canh trạnh lâu dài cho doanh nghiệp.

Do đó, theo ấn phẩm mới nhất của PwC, "Hậu Covid-19: Chuỗi cung ứng cho tương lai" đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận thế giới đang dần thay đổi và hòa nhập vào nhịp điệu "bình thường mới". Vì vậy, theo PwC, để điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và chuẩn bị tốt hơn cho các khủng hoảng trong tương lai, các lĩnh vực cần doanh nghiệp tập trung hiện nay là: Lập sơ đồ và phân tích chuỗi cung ứng; dịch vụ hậu cần và đảm bảo an ninh; nhà phân phối, bên trung gian và đại lý; nguồn lao động có sẵn trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng và dịch vụ; tình hình tài chính của nhà cung cấp; hoạt động kỹ thuật số và an ninh mạng; tuân thủ quy định về môi trường, xã hội và quản trị; hợp đồng thương mại; yêu cầu bồi thường và tổn thất; thuế...

Bộ trưởng Công Thương: Tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng ASEAN (VietQ.vn) - Là Chủ tịch Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì 2 hội nghị trực tuyến đặc biệt của ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch Covid-19, đạt được đồng thuận cao về việc tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng ASEAN.

Thanh Tùng

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang