Bán bim bim, mì tôm nhưng không chứng minh được nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp

author 07:12 15/10/2021

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện lượng lớn bim bim, mì tôm nhập lậu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo về việc tăng cường kiểm tra mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị này đã triển khai tới tất cả các Đội QLTT trong tỉnh. Kết quả bước đầu đã phát hiện một cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 Phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Cụ thể, qua công tác nắm địa bàn, Ngày 13/10/2021 Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn do ông Lăng Văn Phượng có địa chỉ tại: Số 177, đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện trong cửa hàng của ông Lăng Văn Phượng có bày bán 50 túi bim bim loại 500g/túi và 180 hộp mì ăn liền loại 82,5g/hộp sản xuất ngoài Việt Nam, trên bao bì sản phẩm có ghi chữ nước ngoài bằng chữ Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Tổng trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết tại cửa hàng là 4.950.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lăng Văn Phượng về hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền phạt là 2.000.000 đồng và buộc ông Lăng Văn Phượng tiêu hủy toàn bộ 02 loại hàng hóa vi phạm nêu trên.

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử phạt thế nào?

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” được xác định là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Mức xử phạt đối với hành hóa không có nhãn mác được quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang