Báo động trò lừa đảo khách hàng qua Internet

author 16:16 30/09/2012

(VietQ.vn) - Sau khi có được email thông tin cá nhân khách hàng, kẻ lừa đảo sẽ giả mạo làm Giám đốc, doanh nhân thành đạt ở ngoại quốc rồi tìm cách lừa và moi tiền.

Từ ăn cắp nick chát...

Vào tháng “cô hồn” vừa qua, anh Quang Tuấn - chủ một doanh nghiệp trẻ trên phố Giảng Võ – Hà Nội đã dính vào một chuyện hi hữu, có một không hai. Kể từ khi biết sử dụng mạng internet phục vụ công việc đến nay đã gần 10 năm nhưng anh chưa từng thấy tình trạng đó bao giờ.

Anh Quang Tuấn cho biết, do công việc cần giao dịch với nhiều đối tác ở xa, địa chỉ thư cá nhân bằng yahoo của anh cũng là nick chát thường ngày anh vẫn giao dịch với nhân viên và đối tác. Nhưng không biết bằng cách nào, một hôm anh thấy có một người bạn, gửi một đường link vào cửa sổ chát của anh với lời nhắn, hãy nhấn vào đó và xem.

Thấy bạn gửi vậy, anh Tuấn nhấp con trỏ chuột vào đường link đó và chưa đầy 1 phút sau điện thoại anh rung lên tới tấp. Nào là vợ gọi, sao điện thoại của anh hòa mạng rồi mà vẫn còn bảo em mua hộ thẻ nạp điện thoại à. Rồi bạn anh ở cơ quan khác bảo, đang đi đâu xa à, ở đó không có bán thẻ nạp điện thoại sao mà lại phải nhờ mua hộ. Và hàng chục cuộc điện thoại khác của khách hàng, người thân, bạn bè gọi. Lúc đó anh Tuấn mới té ngửa, nick chát của mình đã bị kẻ khác đánh cắp mật khẩu, tên truy cập để làm điều bất chính.

Tội phạm mạng tràn lan, hoành hành ở khắp nơi. Ảnh: Minh họa
Tội phạm mạng tràn lan, hoành hành ở khắp nơi. Ảnh: Minh họa

“Mình đã phải nhắn tin, gọi điện thoại cho tất cả bạn bè, người thân, khách hàng… những người có tên trong danh sách “chát” để thông báo nick chát đó đã bị kẻ xấu đánh cắp và cẩn thận, không làm theo bất cứ yêu cầu gì nếu như mình không gọi điện hay yêu cầu trực tiếp. Thiệt hại cho lần nhắn tin đó lên đến mấy trăm ngàn đồng. Kể từ đó, mình rất thận trọng trước những yêu cầu kiểu: “hãy xem cái này với đường link kèm theo” hoặc “nhấn chuột vào đây để xem”…” anh Tuấn nói.

Chị Bùi Đào Lê – một phóng viên của một tờ báo ngành có tiếng ở Hà Nội lại kể một ví dụ khác và đó là bài học cho chị và đồng nghiệp khi tác nghiệp. Theo chị Lê, do tính chất công việc, chị phải gặp nhiều đối tượng, tới nhiều cơ quan khác nhau, thậm chí gặp cả những người rất nổi tiếng, quyền chức cao nếu công việc yêu cầu để làm bài viết.

Một lần, khi làm việc với lãnh đạo Hội Nuôi ong Việt Nam, bài đã đăng xong, đường link báo được chuyển vào email cá nhân cho một vị lãnh đạo hội này. Vài ngày sau, có một thư của lãnh đạo hội gửi kêu cứu với nội dung: tôi đang ở Indonexia, tôi bị kẹt và không đủ tiền để về nước. Với lòng trân trọng và mong bạn giúp đỡ, hãy gửi cho tôi mượn 5.000 USD vào tài khoản….. về nước tôi sẽ gặp bạn, cảm ơn bạn sau.

“Đọc xong thư đó, mình đã xin ý kiến cả đồng nghiệp, mọi người bảo đó là một kiểu lừa đảo. Mình đã gọi cho vị lãnh đạo của Hội đó để xác minh nhưng không thấy họ nhấc máy. Lại nghĩ phân vân, trong công việc họ đã ủng hộ mình, giờ họ gặp hoạn nạn dù không có đủ số tiền đó, mình cũng phải hỗ trợ họ, rồi tính toán sau”, chị Lê cho biết.

Cũng theo chị Lê, sau khi sự việc đó diễn ra, rất may chưa kịp gửi tiền đi, chị đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong đó có chuyên gia an ninh mạng của Đại học Bách Khoa Hà Nội và được biết, đó là hình thức lừa đảo rất phổ biến trên mạng internet hiện nay và phải rất cẩn trọng với hình thức đó.

Môi trường mạng internet tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải thận trọng khi thực hiện mọi giao dịch. Ảnh: Minh họa
Môi trường mạng internet tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải thận trọng khi thực hiện mọi giao dịch. Ảnh: Minh họa

Đến giả mạo Giám đốc ngân hàng

Gần đây nhất, khi Chất lượng Việt Nam thực hiện loạt bài về vấn đề thư rác phát tán tràn lan vào các địa chỉ thư cá nhân trên mạng internet mà chưa có sự quán lý chặt chẽ nào từ các cơ quan chức năng bởi nhiều phiến phức và hệ lụy của nó. Một bạn đọc ở địa chỉ namthitruong… @yahoo.com “tố” rằng bị một tội phạm nước ngoài lôi kéo, lừa đảo và cần sự giúp đỡ từ báo chí, cơ quan công an.

Trong thư gửi Chất lượng Việt Nam, bạn đọc này viết, một người gửi thư đến tên là James Crosby nói ông ta là giám đốc điều hành của Ngân hàng Scotland Plc. (Vương quốc Anh). Ông này sẽ chuyển cho namthitruong… @yahoo.com một số tiền khổng lồ bằng 15 triệu bảng Anh – số tiền của một triệu phú người Australia không may gặp tai nạn. Theo James Crosby, trước khi triệu phú đó qua đời, có nói rằng, ai ở trên thế giới này may mắn có tên được chọn ngẫu nhiên, sẽ là người sở hữu số tiền và đó là namthitruong… @yahoo.com.

James Crosby đã liên hệ với namthitruong… @yahoo.com bằng hai đường thư là: [email protected] và Jamescrosb [email protected] và thông báo rằng namthitruong… @yahoo.com sẽ nhận được 15 triệu bảng Anh nếu chấp nhận gửi trước phí thanh toán làm thủ tục bằng 1.500 USD cho ông này.

“Số tiền 15 triệu bảng Anh là rất lớn, dù chỉ là “hú họa” nhưng cũng làm cho bất cứ ai bị mê hoặc bởi nó. Tuy nhiên, sâu chuỗi sự việc lại mới phát hiện ra mình đang dần dần bị đưa vào một mê cung của kẻ lừa đảo. Sau khi trả lời lại thư cho James Crosby rằng sẽ nhờ cơ quan Interpol Việt Nam và quốc tế hỗ trợ kiểm tra, ông này đã lặn mất tăm”, bạn đọc namthitruong… @yahoo.com cho biết thêm.

Trên đây là 3 trong số rất nhiều trường hợp người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên internet gặp phải. Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, trước các thông tin không rõ ràng về nguồn gốc đưa thông tin, người sử dụng internet cần thận trọng và loại trừ, tránh các thiệt hại không đáng có.

Theo ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc An ninh mạng của Bkav cho rằng, với độ phủ của internet ngày càng rộng như hiện nay, các tội phạm có thêm một môi trường mới để hoành hành. Không giống như sử dụng điện thoại di động, các nhà mạng có thể “nghe lén”, kiểm soát được khách hàng. Còn với mạng internet, rất khó kiểm soát được các giao dịch vì mạng internet phủ khắp toàn cầu. Các ứng dụng và công nghệ hiện nay cũng chưa đầy đủ để hỗ trợ khách hàng sử dụng internet nên không có con đường nào khác là người sử dụng mạng cần thận trọng đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng.

 

Bắt băng nhóm chuyên lừa đảo trên mạng

Công an tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội khám phá nhóm lừa đảo qua tài khoản Yahoo, Facebook do Nguyễn Đức Bi (trú phường 3, thị xã Quảng Trị) cầm đầu. Nhóm lừa đảo gồm 15 người tuổi từ 14 đến 18, đa số là học sinh ở thị xã Quảng Trị. Nhờ thành thạo máy vi tính và biết các thủ đoạn lừa đảo bằng Internet nên nhóm đã lừa được nhiều người.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai thông qua trang web nước ngoài để tạo các đường link rồi sửa lại cho giống như Yahoo, Facebook và cài phầm mềm gián điệp. Sau đó gửi đường link có chứa phần mềm gián điệp cho người bị hại có tài khoản Yahoo, Facebook. Sau khi nạn nhân nhấn vào đường link, chương trình gián điệp sẽ tự động cài đặt trong máy tính của chủ tài khoản Yahoo, Facebook và gửi các thao tác bàn phím, sao chụp màn hình… về hộp thư của Bi. Từ đây, Bi và đồng bọn sẽ xâm nhập vào tài khoản Yahoo, Facebook của nạn nhân để đổi mật khẩu, nghiên cứu các mối quan hệ để nhờ nạp thẻ game, thẻ cào điện thoại rồi mang đi bán lại. 

Làm sao để tránh các hình thức lừa đảo thông dụng trên mạng?

Bất kể đó là lừa đảo email hay lừa đảo mạng xã hội, có nhiều cách để nhận ra chúng trước khi chúng lừa được bạn. Sau đây là 5 cách để tránh các hình thức lừa đảo thông dụng:

1. Xóa các email không cần thiết. Một trong những cách tốt nhất để tránh các lừa đảo qua thư điện tử là xóa tất cả các thư điện tử không cần thiết. Các công ty làm ăn hợp pháp không bao giờ gửi cho bạn các thông tin quan trọng qua thư điện tử cả.

2. Đừng tin vào những hứa hẹn về tiền hoặc giải thưởng. Bất kì thư điện tử hay đường dẫn mạng xã hội nào hứa hẹn tiền hoặc giải thưởng miễn phí đều nên bị loại bỏ ngay vì phần lớn chúng là lừa đảo.

3. Câu hỏi đề nghị quyên góp tiền. Bất cứ khi nào có thảm họa quốc gia, các tin tặc sẽ có cơ hội để gửi các yêu cầu ma, đề nghị quyên góp. Thay vì quyên góp qua thư điện tử tới cho một tổ chức từ thiện không biết đến, hãy gửi tới các tổ chức từ thiện hợp pháp như Hội Chữ Thập Đỏ.

4. Không bao giờ công bố các thông tin cá nhân nhạy cảm. Bất kì người nào gửi cho bạn thư điện tử đề nghị cung cấp các thông tin nhạy cảm, như số tài khoản ngân hàng hoặc số An sinh Xã hội đều có động cơ không tốt. Dù họ có hứa hẹn điều gì, hãy đánh dấu điện tử đó là thư rác và bỏ qua.

5. Hãy giơ chuột (trỏ chuột vào và nhìn đường link hiện ra ở trình duyệt – F-Corner) trước khi nhấn. Bất cứ khi nào bạn nhận được thư điện tử không thích hợp đề nghị bạn “nhấn chuột vào đây” thì hãy cẩn thận – dù nó có vẻ từ một công ty hợp pháp đi chăng nữa. Điều này cũng áp dụng đối với các đường dẫn mạng xã hội mà dẫn bạn tới một trang có vẻ như trang đăng nhập. Trên thực tế, những trang này có thể được thiết kế để ăn cắp thông tin của bạn.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang