Bảo hiểm xã hội tự nguyện - lựa chọn tối ưu với người lao động tự do

author 16:55 08/05/2022

(VietQ.vn) - Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với ý nghĩa nhân văn và nhiều lợi ích thiết thực, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đang dần trở thành sự lựa chọn tối ưu với người lao động tự do.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BHXH tự nguyện.

 Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được nhận lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe.

Theo BHXH Việt Nam, người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định, được hưởng các quyền lợi như:

Về chế độ hưu trí, sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2022 cụ thể như sau: Nam đủ 60 tuổi 6 tháng, sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng, tuổi nghỉ hưu với lao động nam sẽ đạt 62 tuổi vào năm 2028; Nữ đủ 55 tuổi 8 tháng, sau đó, mỗi năm tăng thêm 4 tháng, tuổi nghỉ hưu với lao động nữ sẽ đạt 60 tuổi vào năm 2035.

Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động (NLĐ) được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH: Lao động nam là 20 năm; lao động nữ là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ cả nam và nữ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Về hưởng BHXH một lần, điều kiện hưởng đó là người tham gia có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH; ra nước ngoài để định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế; sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần.

Về mức hưởng, BHXH Việt Nam cho biết, tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm, mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH tự nguyện không bao gồm số tiền Nhà nước đã hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với chế độ tử tuất, trường hợp người tham gia có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu khi chết, người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, người người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, với mức quyền lợi hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh là 95% (trong khi mức hưởng của người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình là 80%).

Về mức đóng, theo Khoản 2, Điều 87 Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng).

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng). Sau khi được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện cụ thể như sau:

Đơn vị: VNĐ

Người tham gia

Tỷ lệ (%) Nhà nước hỗ trợ

Mức đóng thấp nhất

Mức đóng tối đa

Mức đóng thấp nhất hằng tháng Nhà nước chưa hỗ trợ

Số tiền Nhà nước hỗ trợ hằng tháng

Mức đóng thấp nhất hằng tháng khi Nhà nước hỗ trợ

Mức đóng tối đa hằng tháng Nhà nước chưa hỗ trợ

Số tiền Nhà nước hỗ trợ hằng tháng

Mức đóng tối đa hằng tháng khi Nhà nước hỗ trợ

Người thuộc hộ nghèo

30%

330.000

99.000

231.000

6.556.000

99.000

6.457.000

Người thuộc hộ cận nghèo

25%

330.000

82.500

247.500

6.556.000

82.500

6.473.500

Người thuộc đối tượng khác

10%

330.000

33.000

297.000

6.556.000

33.000

6.523.000

Về phương thức đóng, người tham gia có thể đóng định kỳ hàng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần). Hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Để tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ tự do có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể ở nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể,…).

BHXH Việt Nam khẳng định, với ý nghĩa nhân văn và lợi ích thiết thực này, chính sách BHXH tự nguyện đang dần trở thành sự lựa chọn tối ưu với người lao động tự do.

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia như: Tăng cường các hoạt động truyền thông cao điểm nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân và nhân Ngày BHYT Việt Nam; chú trọng rà soát, phân loại người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo địa bàn cấp xã để thực hiện các phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông cho phù hợp;...

Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết quý I/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Lê Kim Liên
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang