Bão số 10 khó đoán định, cần lưu ý sạt lở đất, lũ quét và sự cố các hồ đập

author 20:28 02/11/2020

(VietQ.vn) - Bão số 10 đã giảm cấp khi vào biển Đông, nhưng khó dự báo bởi chịu nhiều tác động của các hình thái khác. Yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải theo dõi sát diễn biến bão để điều chỉnh phương án ứng phó phù hợp. Cần trọng tâm chú ý lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp…

Tại cuộc họp ứng phó bão Goni-bão số 10 ngày 2/11/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, hoàn lưu mưa của bão số 10 rất rộng, các tỉnh miền Trung đang trong tình trạng rất dễ bị tổn thương. Do vậy, phải liên tục dự báo, cảnh báo sát diễn biến cơn bão, đặc biệt là tình hình mưa mà bão số 10 gây ra.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải theo dõi sát diễn biến bão số 10 để điều chỉnh phương án ứng phó phù hợp

Hai vấn đề trọng tâm trong ứng phó với bão lũ ống, lũ quét, sạt lở; sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp... "Đất đã bão hòa nước, trên các dãy núi tích nhiều bọng nước, trận mưa từ 100 đến 200 mm cũng dễ gây lũ quét, sạt lở đất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, bão Goni là cơn bão có nhiều đặc điểm cần phải cảnh giác; đường đi của bão chưa định hình rõ, hoàn lưu kéo dài. Dù giảm cấp, bão số 10 vẫn gây gió rất lớn trên biển, nguy cơ thiệt hại tàu thuyền. Chưa kể sau bão Goni còn nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm, có thể hình thành thêm hai cơn bão nữa. Hiện còn 1.225 tàu đang hoạt động trên biển - ông Hoài cho hay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải theo dõi sát diễn biến bão số 10 để điều chỉnh phương án ứng phó phù hợp. Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng chức năng rà soát, kiên quyết đưa tàu thuyền ra khỏi vùng ảnh hưởng bão; sơ tán người dân khu vực lồng bè, chòi canh ven biển, nơi nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn cũng đánh giá, bão số 10 Goni là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn, có nơi lên đến 400mm ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, cùng với ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc dự báo sẽ gây mưa lớn từ Nghệ An trở vào các tỉnh phía Nam, nên tạo thêm áp lực về lượng nước trút xuống miền Trung. Do đó, không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

Vị trí và hướng đi của bão số 10. Nguồn: NCHMF 

Đặc biệt, cần lưu ý các giải pháp ứng phó với hoàn lưu bão, khẩn trương sơ tán dân khỏi khu vực có nguy cơ sụt lở, các khu vực dễ bị bục lở do “ngậm” nước quá nhiều trong thời gian qua.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện nay các tàu đang tiếp tục tìm kiểm cứu nạn ở khu vực 2 tàu bị đắm, nên cần thường xuyên theo dõi cơn bão, thông báo kịp thời đến đội cứu hộ để chủ động ứng phó.

Trước tình hình phức tạp của cơn bão số 10, hồi 18h ngày 2/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã gửi Công điện đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa, cùng các Bộ, yêu cầu: thông báo thường xuyên cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để chủ quan dẫn đến các sự cố đáng tiếc như trong một số cơn bão vừa qua.

 
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 13,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 120,0 độ Kinh Đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo.
 

Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ, nhất là tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; Tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc đi đôi với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ. Tập trung nguồn lực giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và khôi phục sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống người dân, đồng thời sẵn sàng ứng bão và mưa sau bão.

Đặc biệt, yêu cầu tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang