Bất cẩn trong lúc ăn uống, bệnh nhân bị mắc hạt hồng xiêm trong phế quản

author 06:27 05/04/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân T, (50 tuổi, trú tại Hải Dương), nhập viện trong tình trạng khó thở, ho khan và đau tức ngực.

Bệnh nhân T đã nhập viện và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, sau khi cảm thấy khó thở, ho khan và đau tức ngực. Hội chẩn bởi các bác sĩ Khoa Nội hô hấp, chẩn đoán ban đầu bị dị vật đường thở. Rất nhanh chóng, TS.BS Phạm Thị Phương Nam, Trưởng Khoa Nội hô hấp đã cùng ekip trực tiến hành nội soi phế quản gắp dị vật cấp cứu cho bệnh nhân.

Dị vật được gắp ra là một hạt hồng xiêm có kích thước 2x3 cm quay vào trong, nằm chắn ngang lòng phế quản gốc trái. Hạt hồng xiêm to và nhẵn có cạnh sắc nhọn, gây khó khăn trong quá trình gắp dị vật. Với sự phối hợp nhịp nhàng của ekip phẫu thuật, dị vật đã được gắp ra thành công. Sau gắp dị vật, bệnh nhân đã hết khó thở và được xuất viện sau 1 ngày.

Hình ảnh nội soi dị vật là hạt hồng xiêm

Dị vật đường thở (DVĐT) là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn. Nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên với thời gian DVĐT được lấy ra nên điều quan trọng là cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Các biến chứng khi phát hiện muộn có thể là viêm phổi, giãn phế quản và xẹp phổi.

Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Khi dị vật bị mắc kẹt lại ở thanh quản hay khí quản, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp hay thở rít. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, dị vật đi xuống phế quản và các dấu hiệu lâm sàng thay đổi hơn nhiều. Chẩn đoán DVĐT phế quản do đó sẽ khó khăn hơn do ít hay không có triệu chứng.

Chìa khóa chẩn đoán lâm sàng DVĐT là hội chứng xâm nhập. Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp DVĐT. Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, âm phế bào giảm hay mất khu trú, co kéo cơ hô hấp phụ. Ở giai đoạn trễ hơn, khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.

Qua đây, TS.BS Phạm Thị Phương Nam khuyến cáo: Người dân nên để ý kĩ khi ăn hoặc uống những vật có hình tròn, cứng, trơn… dễ gây hóc nuốt phải. Các vật này có thể kẹt tại đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp (đường thở). Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, xử lý cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp hóc dị vật đường thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách. Không nên tự ý dùng tay móc dị vật ra khiến dị vật chui sâu vào đường tiêu hóa hoặc gây nên hiện tượng trầy sước đường thở và những biến chứng nguy hiểm hơn.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang